Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển chăn nuôi bò thịt ở Phú Yên
30 | 10 | 2009
Nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ với nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi, Phú Yên đã có đàn bò thuộc loại lớn trong khu vực. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả hơn nữa cần đẩy mạnh việc lai tạo nâng cao chất lượng đàn bò thịt.

Lợi thế phát triển chăn nuôi

Chăn nuôi bò là tập quán lâu đời của nông dân Phú Yên và nổi tiếng với giống bò vàng được ghi nhận là giống bò tốt trong bộ giống bò của cả nước. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, có đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, phụ phẩm trồng trọt dồi dào, chăn nuôi bò là thế mạnh của tỉnh. Ðưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, con bò lai được tỉnh xác định là vật nuôi trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhất là ở địa bàn miền núi hình thành trang trại nuôi bò đàn tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Những năm qua, mặc dù đàn gia súc của Phú Yên chịu tác động của bệnh dịch nhưng đàn bò vẫn tăng từ 3 đến 6%/năm. Toàn tỉnh hiện có 233.600 con bò, trong đó ba huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Ðồng Xuân với hơn 132.000 con, chiếm gần 60% tổng đàn. Sông Hinh là huyện có phong trào chăn nuôi bò đàn phát triển mạnh, có thời điểm đạt hơn 38.000 con, bình quân mỗi người dân nuôi một con bò. Trên địa bàn huyện miền núi này đã hình thành những trang trại chăn nuôi bò đàn hàng trăm con, trị giá hàng tỷ đồng; tiêu biểu như đàn bò của các gia đình ông: Hồ Văn Thuộc (Ðức Bình Ðông), Ma Bay, Thái Văn Hùng (Ea Trol),... Tuy nhiên, phát triển nghề nuôi bò thịt thành sản phẩm hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao phải kể đến huyện Phú Hòa. Từ năm 2004 đến 2008, huyện đã có chính sách đầu tư giúp nông dân trồng cỏ nuôi bò lai, cho nên đàn bò của huyện từ 14.730 con lên gần 20.700 con, trong đó bò lai sind chiếm hơn 80% tổng đàn. Nuôi bò thịt trở thành một nguồn thu nhập chính đối với nhiều gia đình nông dân ở Phú Hòa và trở thành phong trào được xã hội hóa cao. Họ nắm vững kỹ thuật vỗ béo bò thịt, con bê giống lai 10 - 12 tháng tuổi có trọng lượng 120 - 130kg/con, trị giá khoảng 5 - 6 triệu đồng/con, qua nuôi vỗ béo 12 tháng đạt trọng lượng 280 - 300kg, xuất bán hơn 10 triệu đồng, thu lãi khoảng hai triệu đồng/con.

Theo khảo sát của Trung tâm giống và kỹ thuật vật nuôi Phú Yên, lượng bò thịt của tỉnh xuất bán mỗi năm khoảng 30.000 con, trong đó 70 - 75% được cung cấp cho TP Hồ Chí Minh, là thị trường tiêu thụ chính của tỉnh. So với các loại thịt gia súc, gia cầm khác, thịt bò luôn có giá ổn định (35.000 đồng/kg thịt hơi) và nhu cầu tiêu thụ đang gia tăng là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề chăn nuôi bò thịt. So với thị trường chính là TP Hồ Chí Minh vào cùng thời điểm cho thấy, giá thức ăn tổng hợp cùng chủng loại ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ cũng như ở Phú Yên cao hơn 250 - 300đồng/kg, trong khi đó giá thịt bò hơi lại thấp hơn khoảng 2.500 đồng/kg, nhưng nghề nuôi bò thịt ở Phú Yên vẫn đem lại hiệu quả khá. Qua đó còn góp phần giải quyết việc làm cho những lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho nông dân.

So với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, đàn bò của Phú Yên có số lượng chỉ đứng sau Bình Ðịnh. Tuy nhiên, với tỷ lệ bò lai mới chiếm 34,5% tổng đàn, cho nên nhìn chung, bò của Phú Yên có tầm vóc nhỏ, trọng lượng thấp; bình quân bò cái trưởng thành có trọng lượng từ 180 đến 220 kg và 230 - 270 kg/con ở bò đực, tỷ lệ thịt xẻ 30%, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thịt. Bên cạnh hạn chế về chất lượng con giống, việc chăn nuôi bò chủ yếu là lấy công làm lãi, với phương thức chăn thả tự nhiên nên vào mùa mưa thiếu cỏ, bò thường giảm cân, bệnh tật phát sinh.

Nâng cao chất lượng đàn bò

Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt và bò thịt chất lượng tốt thì vấn đề giống có vai trò quyết định, trong đó việc nâng cao tỷ lệ bò lai là giải pháp thiết thực. Công tác lai tạo sẽ giúp nâng cao thể trạng và chất lượng đàn bò hiện có, nhất là với các giống bò lai theo hướng chuyên thịt. Tại địa phương đã có những giống bò lai tạo có thể đưa vào cải tạo đàn bò thịt. Ðó là các giống bò nhiệt đới như bò Brahman trắng, Brahman đỏ, Red sind, Sahiwal và một số giống bò chuyên thịt có nguồn gốc ôn đới như Chalorai, Limousine, Crimousine... với tỷ lệ máu lai từ 50 - 75% (bò F2; F3) trọng lượng bình quân bò lai ở 24 tháng tuổi là 300 kg/con, cá biệt có con nặng hơn 400 kg, tỷ lệ thịt tinh 42 - 44% so với 30% ở bò trong nước. Việc đầu tư cải tạo đàn bò thịt cần thực hiện theo hướng loại thải bò địa phương kém chất lượng, đồng thời đẩy mạnh chương trình phối tinh nhân tạo và nhân giống trực tiếp bằng bò đực giống thuần với bò cái nền địa phương đã cải tiến (lai Sind, lai Sahiwall ...) tạo con lai hướng thịt. Chú trọng nhân giống bò lai ở các huyện có lượng bò thương phẩm lớn nhưng bò địa phương tỷ lệ lớn như Tuy An, nơi có đàn bò hơn 41.300 con chỉ có 28,2% bò lai hoặc ở huyện miền núi Sông Hinh có đàn bò gần 30.500 con, nhưng bò địa phương, bò "cóc" còn chiếm hơn 78% tổng đàn. Chọn lọc nhân thuần đàn bò tiến tới xây dựng thương hiệu giống bò Phú Yên.

Ðể giúp nông dân phát triển bò thịt, Phú Yên tăng cường hoàn thiện hệ thống giống và dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi đáp ứng nhu cầu con giống, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh. Ðối với người chăn nuôi, muốn nuôi bò thịt có hiệu quả đòi hỏi phải bỏ tập quán chăn thả tự nhiên, chuyển sang hình thức chăn nuôi thâm canh, với mức đầu tư cao, theo đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài đầu tư con giống, chuồng trại, người chăn nuôi còn chú ý đầu tư thức ăn tinh hỗn hợp vỗ béo cho bò trước khi bán thịt, nhất là việc trồng cỏ để bảo đảm thức ăn thô xanh trong đó phải kể đến loại cỏ voi vì giống cỏ này dễ trồng, năng suất cao, tới 300 tấn cỏ tươi/ ha/năm.

Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật vật nuôi tỉnh Phú Yên Ðào Lý Nhĩ cho biết, trung tâm đang xây dựng đề án đầu tư sản xuất giống bò thịt của tỉnh giai đoạn 2008-2015. Trong giai đoạn này, mỗi năm ngân sách tỉnh đầu tư khoảng bốn tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên dẫn tinh và đầu tư giống bò thịt theo hai chương trình là phối tinh nhân tạo và nhân giống trực tiếp bằng bò đực giống thuần nhằm đạt mục tiêu đưa tỷ lệ đàn bò lai chiếm 70% tổng đàn vào năm 2015. Hy vọng khi đề án thực hiện, chất lượng đàn bò thịt của Phú Yên sẽ được nâng lên đáng kể, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa mang tính bền vững cao.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường