Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gây dựng lại ngành chăn nuôi bò sữa: Nên bắt đầu từ đâu
11 | 08 | 2007
Hầu như tất cả các nhà khoa học và giới quản lý trong ngành nông nghiệp đều thống nhất là phải xây dựng lại ngành chăn nuôi bò sữa ngay từ nơi mà nó bắt đầu, đó là khâu qui hoạch.

Cần dứt điểm từ khâu qui hoạch

Hầu như tất cả các nhà khoa học và giới quản lý trong ngành nông nghiệp đều thống nhất là phải xây dựng lại ngành chăn nuôi bò sữa ngay từ nơi mà nó bắt đầu, đó là khâu qui hoạch. Theo nghiên cứu ban đầu, ngoài hai vùng chăn nuôi bò sữa lý tưởng nhất là Mộc Châu (Sơn La) và Lâm Đồng, còn khoảng 10 tỉnh nữa có thể phát triển chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên sau đó, khi "phong trào" lên mạnh, đã có ngót 40 tỉnh xây dựng dự án và đầu tư rầm rộ vào con bò sữa. Vừa qua, khi hàng loạt địa phương hoặc công khai thất bại (ví dụ Tuyên Quang) hoặc lặng lẽ áp dụng các biện pháp nhằm cứu vãn sự đổ vỡ đã nhìn thấy trước, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới tính toán lại.

Theo thông báo mới nhất của Cục Chăn nuôi, 24 tỉnh có thể tiếp tục chăn nuôi bò sữa. Số còn lại nên thanh toán dứt điểm chương trình này. "Ví dụ như tỉnh Khánh Hoà, chỉ có 79 con bò, đây lại là vùng du lịch thì không nên tiếp tục. Mặt khác, trở sữa từ Khánh Hoà ra Đà Nẵng để chế biến hoặc TP.HCM hay Bình Đình là nơi gần nhất cũng là 200-300 km thì không hợp lý. Hay như Vĩnh Long có 60 con thì cũng không phải là nơi chăn nuôi lý tưởng… Chúng tôi khuyến cáo giảm đi 10 tỉnh” - ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.

Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, đến nay vẫn có tới 30 địa phương đăng ký lại với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là sẽ tiếp tục gắn bó với con bò sữa. Như đã phân tích, trước sức ép cạnh tranh trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sẽ không khó khăn để dự báo trước những thiệt hại lớn hơn của các địa phương không hội đủ điều kiện cần thiết để phát triển bò sữa. Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không sát sao và kiên quyết hơn trong qui hoạch vùng chăn nuôi bò sữa chiến lược của Việt Nam, rất có thể chúng ta sẽ lại phải dùng đến những từ như "thất bại, khủng hoảng" trong tương lai không xa.

Làm gì với gánh nợ của nông dân và doanh nghiệp?

Vấn đề thứ hai là giải quyết gánh nặng nợ nần mà người chăn nuôi và các doanh nghiệp đã đầu tư vào con bò sữa nhưng không mang lại hiệu quả. Chính phủ vừa có công văn yêu cầu các tỉnh kiểm kê lại số nợ vay để phát triển chăn nuôi bò sữa, trong đó xác định rõ khoản nợ nào thì ngân sách địa phương sẽ bỏ ra hỗ trợ. Địa phương nào không có khả năng hỗ trợ thì phải đề nghị với Chính phủ xem xét xử lý. Ông Hoàng Ngọc Vĩnh, Ban Kinh tế Trung ương Đảng đề nghị “Tất cả các khoản đầu tư của dân đều vay ngân hàng. Trước mắt nên khoanh nợ lại cho họ sau đó sẽ bàn biện pháp xử lý, mà phải xử lý đến từng trường hợp cụ thể chứ không nên có một chính sách chung chung. Nếu bất kỳ ai mà lợi dụng chương trình này để tham nhũng gây những thất thoát lớn thì cần thiết phải quy trách nhiệm đến từng cá nhân một”. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một cá nhân nào bị xử lý kỷ luật vì thất bại của chương trình này.

Mấy năm trước, tỉnh Sơn La cũng đã ồ ạt nhập khẩu 1.500 con bò sữa về nuôi ở cao nguyên Nà Sản và vùng Tân Lập, khu tái dịnh cư của công trình thuỷ điện Sơn La. Do người dân không đủ trình độ chăn nuôi, hệ thống dịch vụ thú y không đảm bảo, đàn bò nhập khẩu cứ mai một dần. Ông Lê Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này thừa nhận, khoản đầu tư này chỉ thu hồi được một phần. Chỉ riêng việc giảm giá bò giống xuống còn 1/3 so với trước đây, Sơn La đã thua lỗ trên 10 tỷ đồng.

Thấm thía bài học xương máu với học phí bạc tỷ, thay bằng chủ trương phát triển ồ ạt, tỉnh này chọn giải pháp "vết dầu loang", tức là phát triển một vùng trọng điểm rồi từ đó nhân ra diện rộng. Tiếp tục bấm bụng chi thêm những khoản hỗ trợ người chăn nuôi, Sơn La buộc phải lùa đàn bò sữa trở về vùng thảo nguyên Mộc Châu. Đây là vùng sinh thái lý tưởng, có truyền thống chăn nuôi bò sữa trên nửa thế kỷ. Ở đây còn có nhà máy chế biến sữa, người chăn nuôi và doanh nghiệp cùng hợp tác làm ăn trong công ty cổ phần - Mô hình tổ chức sản xuất hy vọng mở ra một lối đi cho ngành công nghiệp sữa Việt Nam./.



Theo VOV
Báo cáo phân tích thị trường