Khi ba "nhà" bắt tay
Hà Nội hiện có hơn 6.500 con bò sữa, từ nay đến năm 2010 phấn đấu có hơn 10.000 con. Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội: Hà Nội có 2 vùng phát triển đàn bò sữa chất lượng cao với điều kiện khí hậu, đất đai… thuận lợi là Ba Vì và Phù Đổng (Gia Lâm). Sở NN & PTNT Hà Nội cũng đang xây dựng thương hiệu sữa Phù Đổng và Ba Vì, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) và nông dân nuôi bò sữa trên địa bàn phát triển. Ngoài quan tâm nâng cao chất lượng đàn ở 2 "thủ phủ" bò sữa, Hà Nội sẽ đầu tư các tiểu vùng như Phượng Cách (Quốc Oai), Phương Đình (Đan Phượng)... Theo tính toán với diện tích đất bãi từ 20-30ha, các địa phương hoàn toàn có thể phát triển đàn bò sữa lên tới 1.000-2.000 con.
Cuối năm 2008, đầu năm 2009, một số hộ chăn nuôi bò sữa của Hà Nội chủ yếu thuộc khu vực huyện Gia Lâm gặp khó khăn về "đầu ra" do không bán được sữa cho nhà máy. Rõ ràng việc gắn kết giữa DN, nông dân và cơ quan quản lý nhà nước còn rất lỏng lẻo. Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội đã đứng ra khâu nối giữa DN và nông dân. Sở NN & PTNT Hà Nội cam kết với DN sẽ bảo đảm về tính ổn định của đàn bò, công tác thú y, tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc. 100% số bò đang cho khai thác sữa được đánh số tai để theo dõi thường xuyên. Trong hợp đồng bán hàng cho DN, hộ nông dân phải có "hồ sơ" đầy đủ về con bò cho khai thác của mình… DN yên tâm về chất lượng sữa, nông dân yên tâm chăn nuôi là có "đầu ra" ổn định, đôi bên sẵn sàng chia sẻ khó khăn trong các trường hợp bất khả kháng. DN thu mua sữa trực tiếp, giá sữa theo chất lượng, không thu mua qua trung gian như trước kia.
Sữa tươi nội địa lên ngôi
Hiện nay, việc tiêu thụ sữa bò tươi ở các vùng nguyên liệu sữa trên địa bàn Hà Nội như Phù Đổng, Dương Hà (Gia Lâm), Ba Vì… đang rất thuận lợi. Người chăn nuôi không đủ sữa để cung ứng cho các công ty, các đại lý thu mua trên địa bàn. Ông Hoàng Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm cho biết: Xã Phù Đổng hiện có hơn 900 con bò đang cho khai thác sữa, mỗi ngày cho gần 10 tấn sữa tươi, với giá bán từ 6.500 đồng đến 7.600 đồng/kg. Với lượng này hiện tại người chăn nuôi ở Phù Đổng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sữa cho các công ty Phù Đổng milk, Vinamilk và Hanoi milk.
Thực tế sau "bão mê-la-min" và tình hình giá sữa ngoại tăng vùn vụt như hiện nay, sản phẩm sữa nội của bà con đã "có giá" hơn. Ông Nguyễn Văn Ba, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai cho biết, với 9 con bò sữa đang cho khai thác, mỗi ngày trừ chi phí gia đình ông thu về trên dưới 400.000 đồng. Theo ông Ba, sữa tươi nội với những ưu việt về chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng và giá cả thì lại chưa có được vị trí xứng đáng trên thị trường. Ông tin tưởng, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và hiểu biết của người tiêu dùng về sữa tươi nội địa, thì "đầu ra" của sản phẩm này sẽ lên ngôi.