Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa sẽ tiếp tục tăng?
05 | 06 | 2009
Thời gian gần đây, dư luận đề cập nhiều tới nghịch lý giá sữa tại thị trường Việt Nam, thậm chí có một số chuyên gia còn lên tiếng chỉ trích rằng người tiêu dùng Việt Nam hiện đang phải hứng chịu mức giá sữa bán lẻ cao nhất thế giới. Vậy liệu giá sữa trong thời gian tới sẽ biến động như thế nào? Báo cáo ngành sữa Quý 1 của Trung tâm Thông tin PTNNNT (AGROINFO) nhận định có nhiều khả năng, giá sữa trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng nữa.

Về mặt cung, tính đến cuối tháng 12 năm 2008, đàn bò sữa của Việt Nam đạt xấp xỉ 108 nghìn con, tăng 9,45% so với năm 2007. Trong đó, số lượng bò sữa cái là hơn 65 nghìn con, tăng 5,98% so với năm 2007. Sản lượng sữa cả năm đạt 262,16 nghìn tấn, tăng 11,8% so với năm 2007. Như vậy, sản lượng sữa của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2001 đến nay với tốc độ tăng trung bình khoảng 19%/năm. Tuy nhiên sản lượng này chỉ đáp ứng được khoảng 28% tổng nhu cầu nội địa, hơn 70% còn lại là nhập khẩu (trong đó 50% là nguyên liệu và 22% là sữa thành phẩm).

Về nhập khẩu, nhìn chung, nhập khẩu sữa quý 1/2009 có nhiều khác biệt so với cùng kỳ năm 2008. Trong tháng 1/2008 – tháng chuẩn bị cho tết nguyên đán, nhập khẩu sữa của cả nước lên tới gần 50 triệu USD – mức cao đột biến so với các tháng khác. Tuy nhiên, đến tháng 1/2009, kinh tế cả nước gặp khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu và chuyển về tiêu dùng sữa nội kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm tới 53% so với cùng kỳ năm trước. Sang đến tháng 2, những thông tin tích cực về kinh tế thế giới và Việt Nam là động lực giúp người tiêu dùng bớt tâm lý lo ngại, kim ngạch nhập khẩu có tăng nhẹ so với tháng 1/2009 nhưng vẫn thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, ngay đầu tháng 3, thông tin không chính thức về việc tăng thuế nhập khẩu sữa của Bộ Tài chính khiến lượng cầu đột ngột tăng cao, đẩy kim ngạch nhập khẩu sữa tăng đột ngột với 7,39 triệu USD so với tháng trước đó, tương đương tăng 32% mặc dù giá sữa trên thị trường thế giới vẫn duy trì trạng thái đáy.

Như vậy, mặc dù nhập khẩu trên 70% tổng nhu cầu sữa, nhưng giá sữa trong nước hiện không cùng nhịp với xu hướng giá thế giới (xem biểu dưới). Thậm chí, sau khi biểu thuế mới được áp dụng kể từ ngày 9/3/2009 (tức là thuế nhập khẩu của đa số các mặt hàng sữa đều giảm từ 5-10% so với mức thuế suất trước đó), tác động giảm thuế này cộng hưởng với việc giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh so với mức giá năm 2008 vẫn không làm giá bán các mặt hàng sữa nhập khẩu trên thị trường Việt Nam giảm nhiệt mà còn liên tục tăng.

Việc giá sữa trong nước không đi theo xu hướng chung của giá thế giới có thể được giải thích bởi một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, về đặc tính của sản phẩm sữa, hương vị và chất liệu tạo nên đặc điểm riêng cho từng sản phẩm, hình thành thói quen sử dụng cho người tiêu dùng, và khó có thể thay đổi.
Thứ hai, đa số các sản phẩm sữa thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Việt Nam đều thiết lập và duy trì nền giá cao, do đó rất khó để người tiêu dùng tìm được sản phẩm thay thế có mức giá cạnh tranh.

Thứ ba, tại thị trường Việt Nam, thị phần sữa ngoại nhập chiếm tỉ lệ khá cao. Theo báo cáo cuối năm 2007 của Euromonitor, riêng 4 hãng sữa lớn của nước ngoài là Dutch Lady, Abbott, Nestle, và Mead Johnson đã chiếm tới 61% tổng thị phần sữa bột tại Việt Nam. Như vậy, có thể có một sự dẫn dắt thị trường của các hãng sữa lớn.

Biểu 1: Tương quan giá sữa tại thị trường trong nước và giá thế giới


Nguồn: USDA và cơ sở dữ liệu giá AGROVIET
Ghi chú: Giá tuần 1/2008 làm gốc; Giá sữa nguyên liệu trong nước được cập nhật đến hết tuần 6/2009;

Do vậy, rất khó có khả năng thị trường sữa Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nền giá thấp của thế giới. Không những thế, theo dự báo của AGROINFO, giá sữa tại thị trường nội địa thời điểm cuối quý 3-đầu quý 4/2009 có nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 6-8% so với quý 1 (riêng giá sữa tươi nguyên liệu có thể sẽ tăng khoảng 3-4%) do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Xu hướng biến động của các nhân tố tác động tới giá sữa trong ngắn và trung hạn

Nhân tố

Xu hướng thay đổi

Tác động tới giá sữa trong nước

Giá sữa thế giới

Tăng nhẹ

Tăng

Thuế nhập khẩu

Giảm

Giảm nhẹ

Giá thức ăn chăn nuôi

Tăng

Tăng

Tỉ giá USD/VND

Tăng

Tăng

Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) nhận định giá sữa thế giới sẽ tăng trở lại sau khi chạm đáy vào quý 2. Có nhiều khả năng, cũng như các hàng hóa khác, khi giá sữa thế giới giảm, giá sữa trong nước không giảm theo, nhưng khi giá sữa thế giới tăng, giá sữa tại thị trường Việt Nam cũng sẽ tăng trong quý 3-4/2009 và bỏ qua giai đoạn điều chỉnh xuống mức giá sàn của giá thế giới trong quý 2/2009.

Thứ hai, thuế suất đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu mới có quyết định giảm trong tháng 3/2009 và nhiều khả năng mức thuế này sẽ được áp dụng tới cuối năm 2009. Đây là một trong số ít các tác nhân tích cực kéo giá sữa xuống trong bối cảnh các nhân tố khác đồng loạt có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, mức độ tác động của nhân tố này không lớn.

Thứ ba, giá thức ăn chăn nuôi hiện vẫn ở trong ngưỡng cao, không chênh lệch nhiều so với mức giá đỉnh điểm năm 2008. Không những thế, một số mặt hàng vẫn tiếp tục có xu hướng tăng giá, ví dụ như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, cám nhập khẩu từ Trung Quốc, khô đậu tương nhập khẩu từ Ấn Độ…. Nhiều khả năng trong các tháng tiếp theo của năm 2009, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến giá thành chăn nuôi, và giá sữa nguyên liệu nội địa.

Cuối cùng, đồng USD nhiều khả năng tiếp tục duy trì chuỗi tăng giá cộng với quyết định nới lỏng biên độ tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 4/2009 được dự báo sẽ là những cú hích đẩy chi phí nhập khẩu sữa tăng cao.

Biểu 2: Dự báo giá sữa trung bình trên thị trường thế giới năm 2009 (USD/cwt )


Nguồn: ERS–USDA

Tóm lại, xu hướng giá sữa tại thị trường Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2009 được dự báo sẽ tiếp tục đi lên với sự hỗ trợ đắc lực từ nhiều nhân tố và người tiêu dùng nên chuẩn bị tâm lý để đón nhận những cơn bão giá mới.

Biểu 3: Dự báo giá thu mua sữa tươi tại thị trường trong nước (VND/kg)


Nguồn: Báo cáo ngành hàng sữa Quý 1, Trung tâm Thông tin PTNNNT (AGROINFO)



Phan Hồng Liên - AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường