Giá sữa nguyên liệu thế giới đang giảm rất mạnh kể từ cuối năm 2008 đến nay. Thế nhưng, trong khi giá sữa thành phẩm ở các nước giảm theo (dù không tương xứng), thì giá sữa tại Việt Nam lại tăng.
Hãng tin AP cho biết, giá sữa nguyên liệu sụt xuống mức 1,04 USD/gallon (3,785 lít), thấp hơn 35% so với tháng 9/2008. Giá sữa nguyên liệu ở Mỹ cũng giảm tới 45% và giá sữa thành phẩm tại các siêu thị ở Mỹ giảm 19% so với mức đỉnh cao 3,83 USD/gallon của hồi tháng 7/2008.
Nổi giận
Giá sữa nguyên liệu giảm mạnh, trong khi giá bán sữa thành phẩm giảm nhỏ giọt, khiến cả nông dân và người tiêu dùng phản ứng.
Theo AFP, nông dân Pháp chỉ nhận 0,21 euro (0,3 USD) cho một lít sữa nguyên liệu - thấp hơn 30% so với hồi tháng 4/2008, còn người tiêu dùng phải trả tới một euro (1,4 USD) cho mỗi lít sữa thành phẩm, một mức giá ổn định từ nhiều tháng qua.
Giới nông dân chăn nuôi bò sữa Mỹ cho rằng, chính các công ty thu mua sữa, chế biến rồi bán cho các siêu thị với giá cao hơn, chính là đối tượng hưởng lợi.
“Có kẻ đang thu lãi lớn, nhưng chắc chắn không phải là nông dân” - AP dẫn lời ông Darrell Kraus, một nông dân tại thị trấn Barnhart (bang Missouri, Mỹ), nhận định.
Còn ở châu Âu, theo AFP, nông dân buộc tội các hãng sữa đã “bóc lột” họ và người tiêu dùng.
Trong hai ngày qua, nông dân ba nước châu Âu là Bỉ, Đức và Pháp, tổ chức biểu tình quy mô lớn để phản đối tình trạng giá sữa nguyên liệu thấp. Tại Pháp, khoảng 12.000 nông dân chăn nuôi bò sữa bao vây 81 nhà máy sữa trên khắp cả nước.
Người tiêu dùng Mỹ cho biết, giá sữa dù có giảm nhưng với tốc độ khá chậm chứ không vùn vụt như đợt tăng giá hồi năm ngoái. Họ phản đối việc các hãng sản xuất sữa mua nguyên liệu với giá thấp và bán sản phẩm với giá cao.
“Đó là hành vi tội phạm” - AP dẫn lời bà Katherine Thacker, một người mua hàng ở thành phố Fayetteville (bang Arkansas, Mỹ).
Thượng nghị sĩ Robert Casey thuộc bang Pennsylvania - một vùng sản xuất sữa lớn ở Mỹ - tuyên bố, Quốc hội Mỹ cần điều tra tại sao các hãng chế biến và nhà bán lẻ lại giữ giá sữa thành phẩm ở mức cao như vậy, trong khi giá sữa nguyên liệu đã chạm đáy.
Sữa trong nước: cao nhất thế giới
Giá cao vì hàng triệu USD cho quảng cáo Theo ông Thắng, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị quá lớn là một trong những lý do làm giá sữa tại Việt Nam cao. Năm 2008, riêng các nhãn sữa ngoại bỏ ra 30 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình và 60 - 70 triệu USD cho các hoạt động PR, hội thảo khoa học, tiếp thị tại Việt Nam. Các chi phí này đều tính trở lại vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng phải gánh chịu. Về lợi nhuận của ngành sữa, ông Raf đánh giá, sản phẩm sữa đặc có đường là “em út” về lợi nhuận trong nhóm các sản phẩm sữa nhưng lợi nhuận/chi phí đã đạt 17%; với sữa nước lợi nhuận/chi phí là 48%; với sữa chua là 54%; sữa bột giá thấp là 22% và sữa bột giá trung bình lợi nhuận lên đến 86%/chi phí. |
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, tính từ đầu năm 2009 đến nay, giá sữa liên tục biến động và lý do được các hãng sữa đưa ra là: tỉ giá, thông tin điều chỉnh thuế nhập khẩu sữa, sự cố hàm lượng đạm thấp... Đặc biệt, các hãng sữa liên tục tung ra nhiều sản phẩm có bổ sung dưỡng chất mới, nhằm giải thích lý do cho mỗi đợt tăng giá.
Cụ thể, đầu tháng 3/2009, giá sữa Abbott tăng bình quân 4% do tỉ giá đồng USD, hãng sữa NamYang với thương hiệu sữa XO tăng 10% do chi phí nguyên liệu, vật tư tăng.
Với mức tăng 4%, các loại sữa bột của Abbott như Gain, Pedia Sure, Similac, Grow, Ensure... tăng 6.000 - 25.000 đồng/hộp, tùy trọng lượng. XO số một giá 174.000 đồng/hộp 400g, XO số hai giá 178.000 đồng/hộp 400g, 335.000 đồng/hộp 800g...
Theo Tiến sĩ Hồ Tất Thắng - Phó hội trưởng Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, sữa liên tục tăng giá, đặc biệt là sữa ngoại.
Tiến sĩ Thắng cho biết, giá sữa bột nguyên liệu hiện nay so với cùng kỳ năm 2007 giảm 60% và giảm hơn 40% so với thời điểm cao nhất của năm 2008.
Trong khi đó, thống kê sơ bộ cho thấy, từ tháng 2/2008 đến nay, sữa Abbott tăng khoảng 20 - 25%, Friso tăng 15 - 26%, trong khi các sản phẩm của Mead Johnson, cụ thể là Enfagrow A+ tăng khoảng 20%.
Hiện nay, sữa ở Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong khu vực, gấp hai lần so với Thái Lan, và 1,5 lần so với Malaysia.
Tại hội thảo mới tổ chức ở Hà Nội, ông Raf Somers (thuộc dự án bò sữa Việt - Bỉ) cho biết, giá bán lẻ sữa tại Việt Nam vào loại cao nhất thế giới, ở mức 1,4 USD/lít, trong khi ở Trung Quốc là 1,1 USD/lít, ở Ấn Độ là 0,5 USD/lít, ở các nước Âu - Mỹ là 0,5 - 0,9 USD/lít.
Chưa có ý định giảm giá
Theo cam kết của hơn mười hãng sữa hồi tháng Ba, các thương hiệu này sẽ không tăng giá chí ít đến 31/5. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, chưa có chính sách tăng giá trong các tháng còn lại của năm nhưng giảm giá cũng không nằm trong chiến lược.
Ông Ngọc Châu, phó tổng giám đốc Hancofood, phân tích, việc giảm giá sản phẩm đối với mặt hàng sữa rất khó kiểm soát. Hãng sữa chỉ giảm giá bằng cách thực hiện các chương trình khuyến mãi, tăng chiết khấu cho đại lý để nhà bán lẻ tự giảm cho người tiêu dùng, chứ chưa thể giảm thẳng vào sản phẩm và công bố rộng rãi cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, theo ông Trần Quang Huân - Giám đốc kinh doanh Dutch Lady Việt Nam, công ty vẫn giữ chính sách giá không tăng và thực hiện hình thức giảm bằng cách đưa một vài sản phẩm dung tích lớn với giá rẻ hơn 20% bên cạnh các sản phẩm cũ.
Như vậy, từ nay đến cuối năm, các thương hiệu sữa tại Việt Nam chỉ có thể không tăng giá chứ rất khó giảm!
Nên điều tra liên kết độc quyền tăng giá sữa Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên - ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho rằng: đã đến lúc các cơ quan chức năng vào cuộc thật sự quyết liệt để điều tra hành vi liên kết độc quyền nhằm tăng giá sữa. Ông Kiên nói: Hiện hầu hết các hãng sữa đều bán vào Việt Nam theo hình thức qua nhà phân phối độc quyền. Nói cách khác, không doanh nghiệp nào có thể mua sữa ngoài các đại diện duy nhất của các hãng sữa lớn. Và dù các công ty độc quyền phân phối này có bán giá cao thì người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm sữa mà mình yêu thích và họ không có quyền lựa chọn. Theo tôi, sở dĩ giá sữa tại Việt Nam cao do có hành động gửi giá tại nước ngoài. Theo ông, các cơ quan nhà nước Việt Nam nên làm gì trước các hành vi này? Tôi nghĩ đây là việc của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương và Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Nếu chúng ta điều tra giá thành của các nhà phân phối sữa chỉ ở Việt Nam thì khó có thể biết lợi nhuận thật của họ. Cũng giống như ôtô, sữa trước khi nhập vào Việt Nam đã được nâng giá ở nước ngoài nên lợi nhuận trên sổ sách được chuyển vào công ty sữa chứ không phải doanh nghiệp phân phối tại Việt Nam. Ngoài ra, các cơ quan có thể điều tra hành vi liên kết độc quyền nhằm giữ giá sữa ở mức cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Việc này, Cục Quản lý cạnh tranh cần làm hơn cả điều tra độc quyền của Vinapco trong việc bán xăng cho hai hãng máy bay. Hiện Việt Nam vừa phải tăng thuế sữa nguyên liệu để giúp bà con nuôi bò sữa trong nước. Đây có lẽ lại là một vòng luẩn quẩn vì tăng thuế là lý do các doanh nghiệp nói không thể giảm giá? Chúng ta từng giảm thuế linh kiện, hỗ trợ cho ôtô sản xuất trong nước nhưng giá ôtô Việt Nam vẫn cứ cao, họ cơ bản không giảm. Việt Nam cũng từng cho đoàn đi điều tra giá thành đầu vào của sữa và giảm thuế để sữa không tăng giá khi lạm phát, nhưng sau đó sữa vẫn tăng. Bảo hộ, giúp bà con nuôi bò sữa là cần thiết nhưng thực tế chính sách thuế không khiến giá sữa tại Việt Nam cao bậc nhất thế giới. Nên, không thể chỉ khuyến cáo, dùng các biện pháp hành chính mà nên tìm cách áp dụng pháp luật và qua hình thức điều tra. Nếu chứng minh được thì phạt nặng, đủ răn đe để tránh khả năng các hãng khác tìm cách độc quyền, ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng. |