Lý giải cho việc giá sữa trong nước "một mình một chợ", các hãng sản xuất kinh doanh sữa cho biết, họ phải trang trải nhiều khoản chi phí, nên giá sữa đang rẻ hóa… đắt. Tuy nhiên, tâm lý sính hàng ngoại của NTD cũng là một trong những nguyên nhân giúp các hãng sữa "làm mưa, làm gió" tại thị trường Việt Nam.
Thua thiệt: Người tiêu dùng chịu?
Tại cuộc hội thảo về sữa với NTD diễn ra cuối tháng 5 tại Hà Nội, các đại biểu đã cung cấp một thông tin bất ngờ: giá sữa ở nước ta đang cao nhất thế giới (gấp đôi Ma-lai-xi-a và gấp 1,5 lần so với Thái Lan). Một cán bộ của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, mặc dù giá sữa bột trên thế giới đã giảm gần 60% (từ hơn 5.000 USD/tấn, giảm xuống dưới 2.000 USD/tấn), thuế nhập khẩu sữa cũng giảm 10%, song giá sữa trong nước vẫn không ngừng "leo thang". Ước tính, nhà sản xuất sữa hưởng lợi tới 28%, người phân phối hưởng 13%, NTD vẫn mua sữa giá cao.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị BigC cho biết, đại lý phân phối độc quyền của các hãng sữa nhập khẩu phải đầu tư một khoản chi phí lớn để làm công tác thị trường. Chi phí tổ chức đại lý cấp 1, 2 rồi đại lý cấp tỉnh, huyện đã khiến giá sữa trở nên đắt. Các hãng sữa cũng giải thích rằng, giá sữa cao là do chi phí cho các khoản kho bãi, tiếp thị, quảng cáo… Một cán bộ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sữa cho biết, nguyên vật liệu chỉ chiếm 50% giá thành, chi phí tiếp thị, trích hoa hồng cho đại lý và tổ chức dịch vụ sau bán hàng cũng là nguyên nhân khiến giá sữa đang rẻ hóa đắt. Chỉ cần theo dõi "giờ vàng" quảng cáo trên Đài Truyền hình Việt Nam mỗi ngày cũng dễ nhận thấy có ít nhất 3-4 hãng sữa quảng cáo thường kỳ. Để phát sóng một đoạn phim quảng cáo thời lượng 30 giây vào "giờ vàng", các doanh nghiệp phải trả hàng chục triệu đồng. Ngoài chi phí quảng cáo, các hãng sữa còn đưa ra các chương trình khuyến mãi, tặng quà và tăng chiết khấu cho đại lý để sản phẩm thâm nhập thị trường nhanh hơn. Toàn bộ các chi phí này được nhà sản xuất sữa tính vào giá thành và người phải chịu chính là khách hàng.
Cần thanh tra các yếu tố cấu thành giá sữa
Thống kê cho thấy, thị trường sữa bột Việt Nam năm 2008 có quy mô khoảng 8.000 tỷ đồng, nhưng có tới 7.000 tỷ đồng thuộc về các nhãn hiệu sữa ngoại nhập và công ty nước ngoài. 20% thị phần ít ỏi còn lại, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) chiếm 15%, các nhà sản xuất sữa khác của Việt Nam chiếm 5%. Để thu hút khách hàng, các hãng sữa đều bổ sung các tinh chất như DHA, Canxi, Prebiotic… vào thành phần sữa tăng cường và quảng bá thương hiệu. Mặc dù chưa có một cuộc điều tra chính thức nào của cơ quan chức năng kiểm định xem thành phần sữa bột có đúng như quảng cáo hay không, song chiêu quảng cáo rầm rộ của nhà sản xuất đã chinh phục không ít NTD. Chị Đinh Thị Tuyết Mai ở Hà Nội đang nuôi 2 con trong độ tuổi uống sữa khẳng định sẵn sàng chi thêm tiền để con mình được uống sữa theo tiêu chuẩn châu Âu. Tâm lý sính ngoại của NTD đã giúp sữa bột nhập khẩu mặc sức tăng giá bán. Hiện trên thị trường giá một hộp sữa 900gam của FrissoGol là hơn 300.000 đồng, sữa bột cùng loại của Vinamilk chỉ hơn 100.000 đồng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, các thành phần dinh dưỡng chính như năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất… trong sữa nội và sữa ngoại tương tự nhau.
Trước tình trạng NTD trong nước phải mua sữa giá cao, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, mặt hàng sữa không thuộc diện do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, sữa là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Nếu giá sữa biến động liên tục trong vòng 15 ngày và tăng 20% so với trước đó, Nhà nước sẽ thực hiện bình ổn giá. Dù thời gian qua chưa xảy ra tình trạng này, song mỗi khi có thông tin về việc các doanh nghiệp tăng giá sữa, Bộ Tài chính đều chỉ đạo các ngành liên quan thanh tra, kiểm tra giá sữa trên thị trường. TS Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD lại cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải thanh tra các yếu tố cấu thành giá sữa. Trên cơ sở đó cần xem xét xem các nhà sản xuất có bắt tay nhau làm giá để thao túng thị trường sữa nội địa hay không. Nếu phát hiện vi phạm sẽ khởi kiện và đề nghị doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho NTD.