Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khoai mỳ “rớt” giá: Nông dân và thương lái đều “khóc”!
05 | 11 | 2008
Mấy năm nay, nông dân trồng khoai mỳ vừa được mùa lại được giá. Nhiều hộ nông dân có cuộc sống khá lên nhờ cây khoai mỳ. Thế nhưng, năm nay tuy chưa bước vào vụ thu hoạch chính thức, nhưng khoai mỳ tuột giá “chóng mặt” khiến người trồng mỳ mất ăn, mất ngủ.
GIÁ GIẢM 2/3

Ngày 31-10, trên địa bàn tỉnh giá khoai mỳ khô bán tại vựa chỉ còn 2.000 đồng/kg, giảm 1.400 đồng/kg so với vụ trước. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện vẫn còn nhiều vựa nông sản trữ hàng chục tấn mỳ khô không xuất hàng được do giá xuống quá thấp. Hàng không xuất được đồng nghĩa với việc vựa thu mua phải gánh chịu “3 đầu lỗ”: tiền lãi vay ngân hàng, tỷ lệ hao hụt và chênh lệch giá. Anh Ngô Văn Lần, chủ một vựa thu mua khoai mỳ tại xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cho biết, giá mỳ khô khi anh thu vào là 3.200 đồng/kg nhưng giờ bán ra chỉ còn 2.000 đồng-2.200 đồng/kg, trung bình lỗ 1.000 đồng/kg, đã thế lại còn khó bán. Cũng may vựa của anh trữ ít hàng nên không phải “gánh nợ”.

Anh Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cho biết, mọi năm, về cuối mùa là khoai mỳ “cháy hàng”. Ngày nào thương lái cũng cho xe thu mua lùng sục gom hàng. Vậy mà năm nay, ế ẩm ngay từ đầu vụ.

Anh Nguyễn Văn Hải, nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc than thở, mọi năm, trước kỳ thu hoạch là thương lái đã đặt cọc mua mỳ tươi, nhưng năm nay chẳng thấy bóng dáng ai cả. Những hộ có mỳ lỡ thu hoạch sớm, nhổ mỳ lên để đó hoặc bán tháo, bán đổ với giá 400 đồng/kg mỳ tươi mà chủ vựa cũng chỉ thu mua rất ít. Theo tính toán, chi phí trồng mỳ hết 5-6 triệu đồng/ha Nếu được mùa, năng suất đạt 10 tấn/ha với giá 400 đồng/kg mỳ tươi, chưa tính tiền thuê nhân công thu hoạch người trồng mỳ phải chịu lỗ 2 triệu đồng/ha. Đó là đối với những người có đất, còn với những người thuê đất để trồng thì phải chịu lỗ cao hơn vì tiền thuê đất 5 triệu đồng/ha. Anh Võ Đình Dũng, nông dân xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cho biết, vụ này gia đình anh thuê 2ha đất trồng khoai mỳ với hy vọng kiếm chút lãi, nhưng lãi đâu chưa thấy đã thấy đổ nợ. Anh Vũ Đình Độ, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức tiếp lời: “Những năm trước, người trồng mỳ sống “khỏe”. Tới mùa, thương lái vào tận vườn gom hàng, 1ha mỳ thu lãi 6-7 triệu đồng, tới vụ thu hoạch mỳ nông dân và chủ vựa đều hớn hở. Năm nay thì cả thương lái và người trồng mỳ đều “khóc”.

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Theo nhận xét của nhiều chủ vựa thu gom nông sản, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mỳ rớt giá. Củ mỳ chủ yếu được tiêu thụ bởi các trại chăn nuôi, công ty sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất bột ngọt. Thế nhưng, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng với dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra thường xuyên nên người chăn nuôi không dám đầu tư nhiều, buộc các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc phải giảm công suất từ 30-40%. Trong khi đó, Nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan, một trong những đầu mối tiêu thụ lớn nhất đang có nguy cơ đóng cửa sau hàng loạt hành vi vi phạm nghiêm trọng đến môi trường. Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường buộc Công ty Vedan phải chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng kinh tế cung cấp nguyên liệu cho Công ty trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động. Công ty Vedan chỉ đồng ý mua lại số mỳ đã ký hợp đồng. Trong khi đó, hầu hết nông dân trồng mỳ đều không có hợp đồng ràng buộc trực tiếp với công ty này mà chủ yếu là qua thương lái, mà thương lái cũng chỉ ký hợp đồng với Công ty Vedan ngay trước khi bước vào vụ thu hoạch. Do vậy, về lý người nông dân chịu “thua”. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 7.000ha đất trồng khoai mỳ, tăng gần 40% so với năm trước, sản lượng ước đạt 700.000 tấn nên việc tìm đầu ra cho cây khoai mỳ trong thời điểm này không dễ.

Tuy chịu thiệt hại, nhưng nhiều nông dân trồng mỳ mong muốn, Vedan sẽ phải chịu xử phạt nghiêm minh, đúng pháp luật. Bởi theo họ, khó khăn về đầu ra cho cây khoai mỳ chỉ là trước mắt. “Nếu giá bán quá thấp, chúng tôi sẽ chờ năm sau mới thu hoạch còn hậu quả Vedan gây ra cho môi trường thì cả chục năm sau chắc gì đã khắc phục được”- ông Đào Ngọc Hiếu, nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc nói.

Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bà con nông dân cần bình tĩnh chờ tháo gỡ. Giá khoai mỳ cũng như các loại nông sản khác giảm một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới chứ không phải do nhu cầu sử dụng sản phẩm khoai mỳ giảm. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân. Nếu Công ty Vedan không thu mua mỳ thì ngành nông nghiệp phải có trách nhiệm tìm kiếm đầu ra khác. Bà con trồng mỳ vẫn có thể bán cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Vì thế bà con nông dân cần phải bình tĩnh vì còn khoảng 2 tháng nữa mới bước vào vụ thu hoạch.




Nguồn: viet linh
Báo cáo phân tích thị trường