Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đột phá khâu giống: Biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất khoai tây
23 | 10 | 2008
So với một số cây trồng vụ đông khác, thời vụ trồng khoai tây muộn hơn từ 15-20 ngày nên nông dân không phải gấp rút trồng khoai ngay sau khi thu hoạch lúa mùa sớm. Hơn nữa, thời gian sinh trưởng của khoai tây ngắn nên nó phù hợp với cơ cấu luân canh 4 vụ. Không chỉ được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, khoai tây còn là nguyên liệu chế biến mì tôm, mứt, bim-bim và nhiều loại bánh. Giá bán khoai thương phẩm ở mức cao và tiêu thụ tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, sản xuất khoai tây chưa tương xứng với tiềm năng của các địa phương trong tỉnh Bắc Giang. Những năm gần đây, diện tích khoai tây chiếm tỷ lệ thấp, thường chỉ đạt từ 2,5-3 nghìn ha/34-35 nghìn ha tổng diện tích cây vụ đông.
Tìm hiểu tại huyện Hiệp Hoà, địa phương trọng điểm trồng khoai tây của tỉnhđược biết có thời kỳ diện tích khoai tây toàn huyện khoảng 2 nghìn ha nhưng vụ đông năm 2007 chỉ còn gần một nửa. Nguyên nhân diện tích khoai tây giảm là do nông dân thiếu nguồn giống "chuẩn". Trong vòng chục năm trở lại đây, bà con thường mua khoai thương phẩm VT2 của Trung Quốc được xử lý thuốc kích thích nảy mầm để làm giống. Loại khoai này có giá rẻ, rất dễ tìm mua trên thị trường và tiện lợi khi đưa đi trồng nên chiếm hơn 95% tổng diện tích khoai tây toàn huyện. Vì là khoai thương phẩm được chuyển sang làm giống nên tỷ lệ nảy mầm, khả năng cho củ, chống chịu sâu bệnh đều ở mức thấp. Hơn nữa, khoai VT2 ăn không ngon, nhiều nước, tỷ lệ bột thấp không phù hợp cho chế biến. Khoai thương phẩm được sử dụng làm giống đã làm giảm rõ rệt hiệu quả kinh tế từ sản xuất khoai tây đồng thời làm tăng nguy cơ về sâu hại và dịch bệnh. Chị Hoàng Thị Luyến, thôn Trung Thành, xã Hùng Sơn (Hiệp Hoà) cho biết: "Trước đây có những năm tôi trồng 3-4 sào khoai tây bằng giống VT2 thương phẩm nhưng thấy hiệu quả không cao, có vụ bán rất khó vì người ta chê loại khoai này nhạt, lõi không vàng. Vì vậy, tôi phải giảm dần diện tích, chỉ trồng từ hơn 1 sào đến 2 sào/vụ. Năm ngoái, tôi đã đến xem một số mô hình trồng khoai tây Đức, Hà Lan thấy năng suất, giá bán của loại khoai đó cao hơn gấp đôi so với giống VT2. Đến vụ đông này, tôi đã mua được mấy chục cân khoai tây giống mới thay thế giống cũ". Cũng theo chị Luyến và nhiều nông dân khác thì trên thị trường tự do chưa bán khoai tây chất lượng cao nhập nội mà chỉ khi tham gia dự án, mô hình hỗ trợ liên quan thì họ mới được tiếp cận… Thực trạng này cũng là thực trạng chung của các huyện, thành phố trong tỉnh. Khi diện tích giống có tiềm năng năng suất cao, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng phục vụ chế biến mới chỉ chiếm 5-10% tổng diện tích khoai tây thì khó có thể nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây trồng này...

Điểm yếu trong sản xuất khoai tây hiện nay chính là những "khoảng trống" trong khâu sản xuất, cung ứng, bảo quản giống. Lượng giống khoai tây chất lượng bị thiếu là do tỉnh chưa xây dựng và nhân rộng được các vùng sản xuất giống mà chủ yếu mới dừng ở bước trồng khoai thương phẩm. Vì không chủ động đủ lượng giống nên phải phụ thuộc vào nguồn cung ở các tỉnh khác, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, giá giống bị đẩy lên cao, người dân khó tiếp cận. Công nghệ bảo quản khoai giống trong kho lạnh đã được ứng dụng thành công tại nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ song ở tỉnh ta thì vẫn là mô hình mới mẻ, mức độ nhân rộng còn hạn chế...Bởi vậy, cần có bước đột phá trong khâu giống thì mới có thể nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây khoai tây, khiến cho cây trồng này "hấp dẫn" với người dân. Xác định Bắc Giang có những điều kiện thuận lợi để phát triển khoai tây nên Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá giai đoạn 2006-2010 của tỉnh xác định khoai tây là cây trồng hàng hoá thế mạnh được ưu tiên phát triển. Năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai mô hình sản xuất khoai tây sạch bệnh tại Yên Dũng, kèm theo đó là hỗ trợ nông dân xây dựng kho lạnh bảo quản khoai tây. Kết quả của mô hình cho thấy năng suất của giống Diamant (nhập từ Châu Âu) cao 40% so với những giống cũ trồng phổ biến tại địa phương. Năm 2007, tỉnh ta đã phê duyệt đề án phát triển sản xuất khoai tây giai đoạn 2007-2010. Đề án tập trung vào các nội dung hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất khoai tây giống và thương phẩm; hỗ trợ nhân giống khép kín từ giống gốc đến giống siêu nguyên chủng…; xây dựng kho lạnh bảo quản khoai giống. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án là 68.991,5 triệu đồng, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ là 10.367,5 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của nhân dân. Thực hiện đề án này, từ vụ đông năm ngoái, một số mô hình sản xuất giống khoai nguyên chủng đã được triển khai tại Hiệp Hoà, Yên Dũng...Đến nay tỉnh ta đã có 11 kho lạnh bảo quản hơn 350 tấn khoai tây giống. Tuy nhiên, khối lượng này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân. Bởi vậy, trong thời gian tới, cùng với giải pháp hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cần tiếp tục quan tâm đầu tư thực hiện chính sách hỗ trợ nhân rộng kho lạnh, hệ thống nhà màn sản xuất khoai siêu nguyên chủng, nguyên chủng. Đồng thời có quy hoạch rõ vùng sản xuất khoai giống, tiến tới chủ động đủ nguồn giống khoai có năng suất cao, chất lượng tốt như Diamant, Mariella, Solara. Khi bảo đảm đồng bộ các điều kiện này thì nông dân mới có thể tiếp cận được với những giống khoai mới có tiềm năng năng suất cao, đáp ứng yêu cầu chế biến.



Nguồn: khuyennong
Báo cáo phân tích thị trường