Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bình Định: Mì rớt giá, dừa "hồi sinh"
15 | 10 | 2008
Mì (sắn) và dừa là những cây trồng truyền thống ở Bình Định, với diện tích canh tác khá lớn. Tuy nhiên, vụ thu hoạch mì năm nay nông dân không vui vì giá giảm mạnh; còn người trồng dừa lại phấn khởi vì được mùa, giá tăng.

Người trồng mì lo lắng

Do nông dân ngày càng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thâm canh và nhiều giống mì cao sản được đưa vào sản xuất nên năng suất, sản lượng mì ở Bình Định ngày càng tăng. Đặc biệt, từ khi Nhà máy Tinh bột mì Phù Mỹ đi vào hoạt động, diện tích mì càng được mở rộng. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến mì rớt giá liên tục. Vụ mì năm nay, nông dân hy vọng mì làm ra sẽ có nơi tiêu thụ ổn định, đầu vụ giá cả hợp lý nên dù gặp khó khăn do mưa nhiều, phải trồng đi trồng lại nhưng bà con vẫn duy trì sản xuất.

Huyện Phù Cát là địa phương có phong trào trồng mì khá mạnh, năm nay, toàn huyện trồng được 2.500ha, chủ yếu là các giống mì cao sản KM60, KM94. Diện tích mì tập trung nhiều ở các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Trinh, Cát Tân, Cát Hanh..., năng suất bình quân 25 tấn củ tươi/ha, tăng 3 tấn/ha so với năm trước. Tuy nhiên, hiện việc tiêu thụ mì rất khó khăn, giá liên tục giảm.

Với 446ha, bà con trồng mì ở xã Cát Trinh đang đứng ngồi không yên vì giá mì tươi và mì khô đều giảm. Đầu vụ thu hoạch, giá mì tươi đạt 1.000 đồng/kg, nhưng đến thời điểm này chỉ còn hơn 700 đồng/kg. Mì khô đầu mùa có giá 2.700đồng/kg, nay chỉ còn 2.400-2.500 đồng/kg. Với giá như hiện nay, người trồng mì có lãi rất ít hoặc không có lãi, bởi giá vật tư, cây giống, công lao động đều tăng.

Theo tính toán của người dân, 1ha mì trồng trong thời gian 8 - 9 tháng chỉ thu được 15-17 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí tăng 2-3 lần, nên hộ nào bán được ngay từ đầu vụ thì may ra còn thu lại vốn, nếu không thì lỗ nặng.

Mì tươi rớt giá, nông dân phải tự chế biến mì theo phương pháp thủ công, một số hộ thu hoạch xong xắt lát phơi khô để lấy công làm lãi. Ông Nguyễn Văn Xuân ở thôn An Đức (Cát Trinh) trồng hơn một mẫu mì, sau khi thu hoạch cũng phải xắt mì phơi khô. Ông Xuân tâm sự: “Vì giá mì tươi thấp quá nên tôi xắt khô bán để lấy công làm lời. Bà con ở đây cũng vậy, họ chờ xem giá có lên mới bán”. Song, mùa này thường xuyên có mưa nên việc phơi mì rất khó khăn, thêm vào đó, giá mì lát khô cũng liên tục giảm nên bà con càng khốn đốn.

Dừa được giá, nông dân mừng

Từ năm 2007 trở về trước, nông dân Hoài Ân không coi trọng dừa vì giá quá rẻ, chỉ 750-1.000 đồng/quả. Bởi vậy, bà con không quan tâm đến việc chăm sóc dừa, để mặc cho quả chín khô trên cây.

Nhưng hiện nay, nông dân rất phấn khởi vì giá dừa quả tăng đột ngột, từ 1.000 đồng/quả lên 5.000 đồng/quả. Giá cao, thị trường tiêu thụ mạnh, thương lái đến tận vườn thu mua.

Hoài Ân hiện có khoảng 200.000 cây dừa, trong đó có 170.000 cây đang cho trái, nếu tính giá trị kinh tế tại thời điểm này, giá 4.500-5.000 đồng/quả, nhiều chủ vườn đã thu về hơn chục triệu đồng. Điển hình như hộ các ông Huỳnh Văn Khai (xã Ân Đức), Nguyễn Văn Sô (Ân Thạnh), Trần Văn Trưởng (Ân Tường Đông).

Người trồng dừa đang rất phấn khởi, ngoài những vườn dừa trồng tập trung, thì hầu như hộ nào cũng có ít nhất 10 cây dừa trong vườn, mỗi năm thu 400 - 500 quả, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Quan trọng hơn, đây cũng là cơ hội để cây dừa ở Hoài Ân “hồi sinh”. Trong thời gian tới, chắc chắn các vườn dừa trong huyện đều sai quả vì người dân không còn bỏ mặc như những năm trước.

 
 



Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường