Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tình hình thị trường rau quả thế giới quí III năm 2008
14 | 10 | 2008
Cùng với xu hướng biến động giá của thị trường lương thực và thực phẩm thế giới, thị trường rau quả thế giới quí 3 năm 2008 đang dần dần ổn định sau khi đã đạt đỉnh điểm hồi cuối năm 2007 và đầu năm 2008 và sẽ giảm dần từ năm nay bởi nguồn cung dần bắt kịp nhu cầu và người dân cũng băt đầu thay đổi thói quen ăn uống của mình, nhất là người dân ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là sử dụng nhiều rau quả hơn trước đây.
Tại Mỹ, giá nhiên liệu tăng và nhập khẩu sụt giảm đã khiến lượngười chuối trên thị trường khan hiếm và khiến giá chuối tăng. Một trận lũ lụt lớn vừa hoành hành tại Honduras, một trong những thị trường nhập khẩu chuối lớn của Mỹ, khiến 75% sản lượng chuối bị tàn phá. Do nguồn cung từ Honduras bị thiếu hụt nên Mỹ đã chuyển sang nhập khẩu từ những nước Trung Mỹ khác như Guatemala hay Panama. Trước thời điểm Honduras bị lụt tàn phá, giá chuối từ 16-17USD/thùng, còn hiện tại đã lên từ 22-23 USD/thùng.

Tại Nhật Bản, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ thực hiện một chiến dịch khẩn cấp nhằm thúc đẩy mức tiêu thụ rau quả vốn giảm mạnh trong thời gian gần đây. Hiện nay, sản lượng rau của Nhật Bản vẫn duy trì ở mức trung bình như những năm trước. Tuy nhiên, giới trẻ Nhật Bản và một bộ phận người dân Nhật Bản đang có xu hướng giảm ăn rau dẫn đến mức tiêu thụ giảm sút, khiến giá rau của Nhật Bản thấp hơn từ 20-30% so với những năm trước đây và khiến nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Tại Trung Quốc, nhiệt độ thấp và lượng mưa kéo dài đã gây thiệt hai cho ngành nông nghiệp của tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc ước tính khoảng 993 triệu nhân dần tệ (gần 138 triệu USD). Đây là đợt rét khắc nghiệt nhất trong vòng 39 năm qua tại tỉnh này. Tổng diện tích lúa và rau hoa quả bị thiệt hại khoảng 107 nghìn ha, gây tổn thất về kinh tế 620 triệu NDT. Cùng với đó là các loại cây trồng nhiệt đới như cao su, hạt tiêu và dừa, gây thiệt hại khoảng 179 triệu NDT. Dự báo giá dưa quả và rau của tỉnh Hải Nam sẽ tăng trong thời gian sắp tới do sản lượng tại hầu hết các địa phương của Trung Quốc đều bị sụt giảm vì thời tiết xấu.

Tại Liên minh châu Âu (EU), để đối mặt với sự khan hiếm rau quả và giá lương thực tăng cao trên thị trường thế giới, EU đã kêu gọi các nước thành viên nới lỏng quy định về hình dạng, mẫu mã các sản phẩm nông nghiệp, để mọi người dân đều có thể hưởng thụ các sản phẩm này. Các mặt hàng được đề nghị nới lỏng bao gồm một số nông sản thiết yếu như: đậu nành, bí xanh, dưa chuột, hành tây, tỏi tây, dưa quả...

Một số thông tin nổi bật về thị trường trái cây thế giới

· Irắc: Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của mình, Irắc đã bắt đầu phải nhập khẩu rau quả trong khi nền nông nghiệp của đất nước này có một di sản giàu có từ 6.000 năm nay, có đủ nước tưới cây và đất đai phì nhiêu. Do chiến tranh tàn phá, và nền kinh tế thị trường tự do đã đẩy các chủ trang trại người Irắc vào tình cảnh bi đát. Giá các loại nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp như phân bón, giống cây trồng đều được bán với giá rất cao, không được trợ cấp phân bón, rau quả nhập khẩu tràn ngập thị trường với giá thành thấp.

· Thái Lan: nông dân nước này đang tập trung cải tiến chất lượng các loại trái cây nhiệt đới để có thể xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Thái Lan là một trong những nước xuất khẩu trái cây nhiệt đới hàng đầu thế giới, đặc biệt là dứa, nhãn, xoài, sầu riêng, mãng cầu và vải. Năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây nhiệt đới (cả tươi và chế biến) của Thái Lan đạt 48 tỷ baht. Thị trường xuất khẩu chủ lựcc là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Năm 2008, Thái Lan đề ra mục tiêu sẽ xuất khẩu 50 tỷ baht các loại trái cây nhiệt đới.

· Ucraina: Do diện tích trồng bắp cải trắng tại Ucraina được mở rộng nên sản lượng đã tăng mạnh. Lượng bắp cải thu hoạch dồi dào không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà Ucraina đã tăng cường xuất khẩu loại rau thế mạnh này. Nguồn cung bắp cải dồi dào nên giá bán trong nước giảm nhẹ. Hiện tại, giá bắp cải bán tại Ucraina từ 0,07- 0,10 USD/kg, song cũng có thể giảm nếu lượng đặt hàng lớn hoặc hình thức thanh toán thuận tiện.

· Ấn Độ: Sản lượng xoài năm nay của Ấn Độ sẽ đạt 14 triệu tấn, tăng 12% so với 12,5 triệu tấn của năm ngoái nhờ sai quả. Sản lượng xoài tăng ở tất cả các bang. Nhờ vào nguồn cung dồi dào nên giá xoài năm nay có thể giảm nhẹ.

· Braxin: Các nhà xuất khẩu Braxin vui mừng vì từ 15/7/2008, họ được phép xuất khẩu giống xoài Kent sang thị trường Nhật. Năm 2007, Bra-xin đã sản xuất được 15,7 tấn xoài Kent và xuất khẩu tới 20% sản lượng, chủ yếu sang Hà Lan. Ngoài xoài Kent, Bra-xin cũng đã xuất khẩu giống xoài Tomy Athkins.

· Uganda: Một nhà kính được điều khiển bằng máy tính dùng để trồng các loại chuối biến đổi gen đã chính thức hoạt động tại Viện nghiên cứu Nông nghiệp Kawanda của Uganda. Chuối là loại cây lương thực quan trọng của Uganđa nhưng đang phải đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng từ môi trường. Nhiều loại vi rút đang tấn công loại cây này và các nhà khoa học có nhiệm vụ tiếp tục phát minh ra những giống mới có khả năng chống lại sâu bệnh.

· Indonesia: Indonesia hiện đã trở thành nước sản xuất khoai tây lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng 1,1 triệu tấn/năm.

· Italia: Do tình hình giá cả tăng cao trong năm nay, tỏng đó bao gồm cả mặt hàng rau quả, người dân Italia đã chuyển qua hình thức mua bán hàng quan mạng thay cho phương thức truyền thống đề tiết kiệm chi tiêu. Lượng giao dịch mặt hàng rau quả chiếm 16,8% trên tổng giao dịch mua bán tại các siêu thị của nước này.

· Quả có múi thế giới: Sản lượng các loại quả có múi ở những nước sản xuất quan trọng trên thế giới trong niên vụ 2007/08 sẽ đạt 72 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với niên vụ trước do sản lượng chanh giảm.

Dự báo, giá rau quả thế giới sẽ giảm dần trong thời gian tới do nông dân đã chú trọng hơn vào phát triển nông nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với vài năm qua do thời tiết khác nghiệt và nhu cầu không ngừng tăng cao.



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường