Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để trái cây Việt Nam phát triển ra thị trường thế giới
07 | 10 | 2008
Với nhiều thuận lợi về khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều loại trái cây đa dạng, có chất lượng tốt phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Các vùng có thế mạnh trồng trái cây xuất khẩu chủ yếu tập trung tại khu vực phía Nam. Các loại trái cây xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam hiện nay là dứa đóng hộp, bưởi, xoài, thanh long…
Các thị trường nhập khẩu trái cây chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Nga, Đài Loan, Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Trong thời gian gần đây, giá các loại trái cây của Việt Nam đang ngày càng tăng cao do các nhà trồng vườn trong nước đã chú trọng nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm. Ví dụ như bưởi da xanh tại thị trường Tiền Giang có giá 15.000 đ/kg, cao gấp 3 lần so với giá bưởi trước đây. Hiện nay, thị trường EU đang có nhu cầu rất lớn đối với loại quả này. Sau bưởi da xanh, xoài và thanh long Tiền Giang và Long An cũng đang rất được quan tâm tại thị trường Nga. Chôm chôm, nhãn và ớt tươi cũng được xuất khẩu nhiều.

Mặc dù tiềm năng xuất khẩu các loại trái cây của Việt Nam rất lớn nhưng các nhà nhập khẩu nước ngoài đang gặp nhiều hạn chế trong việc mua hàng của Việt Nam, do đó sản lượng trái cây của Việt Nam xuất khẩu còn thấp so với Thái Lan hay Trung Quốc.

Hiện tại Việt Nam có khả năng cung cấp một khối lượng lớn trái cây cho xuất khẩu nhưng hầu như chưa có các công ty thu mua ở địa phương. Do đó, hầu hết việc xuất khẩu đều do các nhà trồng vườn tự cố gắng tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưă có khả năng giải quyết các đơn hàng lớn mà mới chỉ cung cấp được đơn hàng có số lượng nhập khẩu nhỏ. Nhiều nhà nhập khẩu phải đến tận vườn thu mua sản phẩm rồi tự tìm hiểu cách thức đóng gói, bảo quản và vận chuyển về nước. Đây chính là hạn chế lớn nhất đối với việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Việc chế biến và bảo quản trái cây sau khi thu hoạch cũng cần được đặc biệt chú ý. Hiện nay, mới chỉ có 30% sản lượng bưởi có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Có thể con số này sẽ tăng lên 70-80% nếu có đầu tư về vốn cho việc chế biến và bảo quản trái cây.

Mỗi năm EU nhập gần 80 triệu tấn trái cây tươi và trên 60 triệu tấn rau tươi, trong đó nhập từ các nước đang phát triển chiếm tỉ trọng khoảng 40%. Việt Nam hiện xuất sang EU chỉ một số lượng nhỏ trái cây như xoài, dứa, măng cụt, thanh long, sầu riêng, nhãn, chuối…với mức khoảng 33 tấn (năm 2006).

Áp dụng tiêu chuẩn GAP: Khó khăn hàng đầu cho trái cây Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn trên thế giới trong đó có EU là rào cản chất lượng và các rào cản này ngày lại càng khắt khe hơn. Rau, quả tươi Việt Nam muốn vào EU phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt). Đây là tiêu chuẩn rất quan trọng nhưng cũng khó đạt đối với doanh nghiệp Việt Nam vì hầu hết doanh nghiệp chế biến trong nướclà vừa và nhỏ, trong khi nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển ngang các nước.

Với những vùng chuyên canh lớn, để phát triển ngành công nghiệp hoa quả đáp ứng các tiêu chuẩn GAP, sản lượng xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng. Hiện nay, rất nhiều cánh cửa đang mở rộng đối với những nhà vườn Việt Nam có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn GAP. Ngày nay, rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng tiêu chuẩn GAP vào việc kiểm tra các loại nông phẩm nhập khẩu vào đất nước mình.

Mặc dù Nga, EU và Hoa Kỳ là những thị trường khó tính, nhưng nếu áp dụng được tiêu chuẩn GAP vào trong canh tác, chắc chắn trái cây của Việt Nam có thể cất cánh ngang bằng với các loại trái cây của Thái Lan hay Trung Quốc.

Ngoài những khó khăn trong công tác bảo quản, các nhà xuất khẩu trái cây của Việt nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các loại trái cây đến từ Thái Lan và Trung Quốc. Hiện nay, mặc dù sản phẩm trái cây của Việt Nam rất lớn song nước ta lại nhập khẩu một lượng tương đối lớn trái cây của Thái Lan để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nhiều người dân có thu nhập cao lại ưa dùng những sản phẩm trái cây của Thái Lan hơn do chất lượng tốt hơn và đảm bảo hơn của Việt Nam. Thêm vào đó, các sản phẩm trái cây của Trung Quốc mặc dù chất lượng không cao nhưng giá thành lại rất rẻ, do đó các sản phẩm này được đối tượng người tiêu dùng có thu nhập thấp ưa dùng.

Hiện nay, Thái Lan đang có những chương trình xúc tiến để đẩy mạnh xuất khẩu sang hai thị trường tiêu dùng trái cây lớn nhất trên thế giới là Hoa Kỳ và EU. Để cạnh tranh với các sản phẩm của Thái Lan thật không phải đơn giản.

Để trái cây Việt Nam có thể phát triển ra thị trường lớn trên thế giới, Chính phủ cần phải có những sự trợ giúp thiết thực để hình thành nên các hợp tác xã tổ chức chuyên canh và áp dụng các kỹ thuật trồng trọt hiện đại, các công ty thu mua làm đầu mối giao nhận trái cây, giúp các nhà vườn có thể phát triển xuất khẩu sản phẩm.

Với sự hỗ trợ thiết thực của nhà nước và các tổ chức quốc tế, cùng với sự đầu tư hợp lý vào canh tác, phát triển sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam sang EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung sẽ tăng trong các năm tới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu trái cây của khu vực châu Á.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường