Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bấp bênh trái cây
29 | 06 | 2010
Tình trạng trái cây “tới mùa, rớt giá” cứ lặp đi lặp lại nhiều năm qua khiến nhà vườn mất ăn mất ngủ. Năm nay, thời điểm đầu vụ giá trái cây cao chót vót nhưng mấy ngày nay bắt đầu sụt giảm liên tục.

Chưa có lối ra!

Ông Dương Văn Huyền, Chủ nhiệm Hợp tác xã cây giống Cái Mơn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: Cách nay khoảng 2 tháng, thương lái các nơi tìm mua măng cụt tại vườn với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, thậm chí 70.000 đồng/kg, vậy mà nay sụt còn 20.000 - 25.000 đồng/kg. Đồng cảnh ngộ trên, chôm chôm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg giờ kêu bán chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Dù giá đã giảm khá mạnh nhưng nhiều người lo ngại chôm chôm ĐBSCL sẽ còn tiếp tục giảm thêm bởi sự cạnh tranh của chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) và vải thiều miền Bắc tràn vào.

Tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có 1.257ha sầu riêng, sản lượng 38.000 - 40.000 tấn/năm. Hồi đầu vụ giá sầu riêng cơm vàng hạt lép 26.000 đồng/kg, nay chỉ còn 20.000 đồng/kg; sầu riêng khổ qua xanh từ 9.000 - 12.000 đồng/kg sụt xuống 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nếu tới đây giá giảm thêm thì nhà vườn sẽ rất khó khăn.

Ông Lữ Văn Thiện, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách thừa nhận giá trái cây hiện thời chưa đến nỗi nhà vườn thua lỗ nhưng tính ra chẳng lời bao nhiêu bởi chi phí vật tư và công lao động tăng cao.

Trong lúc nhà vườn trồng cây ăn trái ở ĐBSCL phập phồng cảnh “tới mùa, rớt giá” thì Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng giá trái cây của ta thuộc loại “mắc” so với một số nước trong khu vực. Đơn cử như ở Thái Lan giá mỗi ký măng cụt khoảng 8.000 - 10.000 đồng, tính ra thấp hơn ta rất nhiều; còn ở Trung Quốc giá trái cây cũng thấp hơn Việt Nam. Chính vì thế mà trái cây ngoại ào ạt tràn vào và áp đảo trái cây nội.

“Tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ theo dạng kinh tế hộ, chưa đầu tư ứng dụng mạnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật… dẫn đến giá thành sản xuất cao. Mặt khác, hệ thống thu mua qua nhiều trung gian làm cho giá trái cây tại nhà vườn rất thấp nhưng ra đến chợ lại quá cao, từ đó làm mất tính cạnh tranh” - Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nói.

Nỗ lực tìm hướng đi mới

Bộ NN-PTNT đã phê duyệt quy hoạch phát triển cây ăn trái năm 2010 và tầm nhìn 2020. Trong đó, 3 vùng sản xuất trái cây trọng điểm là ĐBSCL (380.000ha), Đông Nam bộ (150.000ha), miền núi phía Bắc (230.000ha). Về cơ bản, diện tích cây ăn trái gần như đã đạt theo quy hoạch và Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương chọn vài loại cây chủ lực để phát triển. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, quy hoạch cây ăn trái khó hơn các loại cây trồng khác bởi cây ăn trái bao gồm nhiều loại và trồng ở nhiều vùng với điều kiện sinh thái khác nhau. Vì vậy không chủ trương phát triển đại trà mà nên trồng đồng bộ gắn với khâu thu mua, tiêu thụ để hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Điển hình như thanh long ở Bình Thuận được trồng với tổng diện tích khoảng 10.000ha, đây là vùng sản xuất hàng hóa phục vụ tốt cho xuất khẩu, khắc phục tình trạng trồng manh mún như nhiều nơi.

Theo Bộ NN-PTNT, thị trường tiêu thụ trái cây rất rộng và nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển trái cây, vấn đề là phải mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, nhanh chóng chuyển sang cách làm mới. Theo đó cần tăng cường đầu tư mạnh hơn cho lĩnh vực trái cây, chú trọng các mô hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng như Global GAP, VietGAP…

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu cho rằng, trái cây nước ta đang đứng trước cơ hội lớn để tăng tốc khẳng định vị thế, nhưng đồng thời đối mặt nhiều thách thức trong quá trình hội nhập. Mô hình sản xuất cá thể, không có sản lượng lớn, chất lượng chưa đồng đều, chưa áp dụng được cơ giới hóa, trái cây đóng gói không đúng cách, thiếu thương hiệu, quảng bá, tiếp thị… phải được giải quyết càng nhanh càng tốt.

Nhìn vào kinh nghiệm sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc) với những diện tích nhỏ giống như ở ĐBSCL nhưng nhờ tham gia tốt mô hình HTX để sản xuất cùng một sản phẩm, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng đồng đều, cung ứng cho xuất khẩu quanh năm. Trong khi trái cây ở nước ta cứ hô hào xây dựng vùng chuyên canh lớn hàng ngàn hécta, hình thành HTX kiểu mới… nhưng đến nay không làm được, do thiếu “nhạc trưởng”?!

Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL đề xuất tổ chức lại sản xuất và nhà nước phải là người “chỉ huy”. Thực tế cho thấy, nhiều nông dân có nhu cầu cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên, mong muốn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên không có vốn nên mọi chuyện cứ giậm chân tại chỗ.

Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: “Các giải pháp về khoa học kỹ thuật để trị bệnh vàng lá Greening trên cây cam, quýt… đã có. Nhưng muốn áp dụng hiệu quả thì phải đốn bỏ toàn bộ diện tích bị bệnh và trồng mới lại, mất thời gian từ 3 - 4 năm trở lên. Do nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ vốn nên nhà vườn bó tay không làm được. Cuối cùng lại sử dụng cây giống trôi nổi và dịch bệnh vẫn tràn lan”.

Giải quyết việc này, nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng vào cuộc, ưu tiên vốn cho xây dựng vùng chuyên canh. Ngoài ra, xem xét hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, kho mát để dự trữ trái cây phục vụ xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, khẳng định: Cần sự đầu tư mạnh cho trái cây thì mới mong tạo được chỗ đứng trên thương trường quốc tế. Nếu so với thủy sản, lúa gạo… sự đầu tư của nhà nước cho cây ăn trái còn quá kém. Song hành cùng sản xuất “sạch”, cần đầu tư mạnh vào khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến, xuất khẩu… Phải làm quyết liệt mới mong tạo ra bước chuyển đồng bộ thúc đẩy trái cây phát triển.



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường