Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bà Rịa Vũng Tàu: Gian nan trong việc xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu ta
28 | 07 | 2009
Năm 2008, khi trái mãng cầu ta (còn gọi là quả na) của Bà Rịa-Vũng Tàu đạt giải nhất Hội thi trái ngon, giống tốt mãng cầu miền Đông Nam bộ, Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn tỉnh đã bắt tay vào việc làm thủ tục xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu. Tuy nhiên, con đường để đưa trái mãng cầu có được thương hiệu còn lắm gian nan.

Gia đình ông Huỳnh Văn Hải (ấp Phước Thới, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) theo đuổi cây mãng cầu ta gần 20 năm nay. Hiện nay gia đình ông có 2 ha mãng cầu ta, nhờ biết áp dụng biện pháp xử lý mãng cầu ra hoa trái vụ, nên vườn mãng cầu của ông Hải bình quân đạt năng suất 10 tấn/vụ. Với giá bình quân bán tại vườn từ 13.000 đến 23.000đồng/kg, gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình ông cũng như bà con nơi đây được cải thiện nhờ bám trụ với cây mãng cầu. Tuy vậy, ông Hải cho biết, từ trước đến nay, giá cả thị trường bấp bênh, nên bà con trồng mãng cầu vẫn chưa thật sự yên tâm đầu tư sản xuất. Đã có một số vườn mãng cầu bị chặt bỏ để thay thế một số loại cây trồng khác.Vì thế, mong muốn của người trồng mãng cầu là được nhà nước quan tâm hỗ trợ để xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu, lúc đó nông dân mới có thể “toàn tâm, toàn ý” với cây mãng cầu.

Là một người đã nhiều năm gắn bó với cây mãng cầu, nhưng bà Nguyễn Thị Đạt (thị trấn Long Hải- huyện Long Điền) đang phân vân với chuyện nên hay không nên duy trì 2ha mãng cầu hoặc chuyển sang trồng nhãn và xoài. Lý do chính vẫn là chi phí đầu tư cho mãng cầu ngày càng tăng trong khi cứ vào mùa thu hoạch, nông dân trồng mãng cầu luôn bị tư thương ép giá. Trong khi, việc đưa trái mãng cầu đến với các siêu thị không dễ với người nông dân, khi trái mãng cầu vẫn chưa có tên tuổi.

Tuy nhiên, đó chỉ là những vấn đề nhỏ trong nhiều khó khăn mà cây mãng cầu đang gặp phải trong quá trình tìm kiếm thương hiệu. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.186 ha đất trồng mãng cầu (ta), giảm 800 ha so với trước. Trong đó có 862 ha đang cho thu hoạch với sản lượng hơn trên 4.300/tấn/năm. Nguyên nhân là do các vùng trồng mãng cầu bị quy hoạch xây dựng khu công nghiệp và các công trình dân dụng, cộng với giá cả bấp bênh nhiều bà con nông dân phá bỏ vườn mãng cầu già cỗi chuyển sang trồng một số loại cây khác.

Ngoài ra, điều đáng lo ngại là hiện nay, giống mãng cầu tại khu vực Cát Lở, TP. Vũng Tàu, nổi tiếng thơm, ngọt, dai, hầu như không còn. Mãng cầu BR-VT bán trên thị trường hiện nay chủ yếu xuất xứ từ các vùng đất cát pha, đất cát nhiễm mặn thuộc huyện Tân Thành, Đất Đỏ, Long Điền và Xuyên Mộc.

Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp đang tiếp tục triển khai quy hoạch vùng sản xuất mãng cầu đến năm 2020, song song với việc hướng dẫn bà con chọn giống tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thống nhất quy trình sản xuất và thu hoạch để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho mãng cầu ta, Chi cục đã đề nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước hết cho phép làm một nhãn hiệu tập thể, giống như trước đây đã làm với cây nhãn xuồng cơm vàng. Đồng thời, Chi cục sẽ phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành các thủ tục cần thiết, để tới đây sẽ có nhãn hiệu tập thể mãng cầu ta của BR-VT. Tuy con đường để đưa mãng cầu ta có thương hiệu còn dài và khó khăn, nhưng, với những nỗ lực của ngành nông nghiệp, bà con nông dân trồng mãng cầu có thể yên tâm về tương lai của loại nông sản này. Trong tương lai, mãng cầu sẽ là loại trái cây đặc sản thứ hai của tỉnh, sau nhãn xuồng cơm vàng, có thương hiệu và được bảo hộ độc quyền đối với những sản phẩm có xuất xứ từ địa phương.

Theo báo BRVT



Báo cáo phân tích thị trường