Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hợp tác xã Phước Hải (BR-VT): Một thương hiệu về rau an toàn
18 | 09 | 2008
Cứ 5 giờ chiều mỗi ngày, sân nhà ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Rau an toàn Phước Hải (thuộc xã Tân Hải, huyện Tân Thành) đông vui hẳn lên. Đây là lúc các hộ nông dân thu hoạch rau từ ngoài ruộng mang về sân để sơ chế.
Những bó rau xanh mát mắt: mồng tơi, rau dền, cải xanh, cải ngọt, bồ ngót, rau đay, ngò rí, hành lá… chất đầy sân. Ai vào việc nấy: người cắt gốc, người xếp lại thành từng bó, người rửa, tất cả đều theo một quy trình sản xuất rau an toàn. Rau được rửa sạch tập trung tại nhà xưởng chuẩn bị sơ chế.

Nhà xưởng được xây dựng trong khuôn viên hơn 400m2, vốn trước đây là vườn trồng rau của ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ nhiệm hợp tác xã. Đây là cơ sở sơ chế rau đầu tiên của tỉnh theo qui trình sản xuất rau an toàn. Cơ sở sơ chế rau chia thành từng khu với những khuôn viên rạch ròi. Tại khu xử lý thô, rau được cắt gốc, nhặt lá sâu và rửa sơ qua nước thông thường. Tiếp đó, cho rau vào bể ôzôn để diệt khuẩn, sau 15 phút rau được vớt ra và chuyển qua hệ thống máy vắt ly tâm để vắt ráo nước. Đây là khâu xử lý khó, đòi hỏi người làm phải khéo léo để rau không dập nát. Đảm nhiệm công việc này là 2 thanh niên khoẻ mạnh và khéo tay nhất của hợp tác xã. Những người phụ nữ làm những công việc nhẹ nhàng hơn, như sắp xếp, đóng gói, dán nhãn. Cả quá trình sơ chế rau an toàn đều được thực hiện ở buổi chiều tối để sáng sớm mai những túi rau tươi xanh, bảo đảm vệ sinh đến tay người tiêu dùng sớm nhất. Ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: hợp tác xã xây dựng cơ sở sơ chế này để nâng giá trị của sản phẩm và khẳng định thương hiệu rau an toàn của hợp tác xã.

Có dịp mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu, người tiêu dùng dễ dàng nhận ra sản phẩm rau của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Hải được đóng gói gọn gàng, trọng lượng 0,5kg/gói. Những túi rau này còn mang đến cảm giác yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của nó qua con tem dán ở bên ngoài túi rau. Người tiêu dùng còn có thể lên mạng internet, vào địa chỉ trang web: www.ratphuochai.com.vn là có thể nắm bắt được những thông tin về các hộ trồng rau, diện tích các loại rau, ngày tháng trồng và thu hoạch, tình hình sâu bệnh của rau, các loại thuốc phòng trừ, giá cả. Qua trang Web người tiêu dùng có thể lựa chọn cho mình loại rau thích hợp nhất.

Trong chương trình sản xuất rau an toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, xã Tân Hải được chọn đưa vào trong qui hoạch vùng trồng rau an toàn của tỉnh. Đặc biệt, từ hơn 1 năm nay, với sự giúp đỡ của Viện Khoa học công nghệ Việt Nam trong việc thực hiện đề tài, xây dựng mô hình hệ thống thông tin điện tử quản lý sản xuất và quảng bá rau an toàn tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Rau an toàn Phước Hải, mô hình sản xuất rau an toàn của Bà Rịa- Vũng Tàu từng bước được hoàn thiện. Đây là mô hình mới, tiến hành theo một chu trình an toàn khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Theo yêu cầu, rau an toàn tuyệt đối không dùng phân tươi, nước tưới bẩn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi hộ tham gia cung cấp rau cho hợp tác xã đều được phát một bộ phiếu điều tra, hay còn gọi là nhật ký trồng rau của người nông dân, bao gồm 4 nội dung: điều tra về tình hình canh tác, sâu bệnh hại trên rau, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào; sản lượng rau bán hàng ngày ra sao.

Hiện nay, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã được nhiều người biết đến và ký hợp đồng thu mua với số lượng lớn. Hợp tác xã đã ký hợp đồng tiêu thụ rau qua sơ chế với Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu số lượng 600-700kg/ngày; Bếáp ăn công nghiệp của Công ty TNHH suất ăn công nghiệp Vũng Tàu khoảng 300kg/ngày; Phòng dinh dưỡng của Bệnh viện Lê Lợi và Bệnh viện Bà Rịa 150kg/ngày. Rau an toàn Phước Hải còn được đưa ra Côn Đảo một tuần 2 chuyến, mỗi chuyến khoảng 100kg. Từ đó, giá các loại rau đã tăng lên từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg tùy loại.

Tuy đã thành công bước đầu nhưng hiện nay sản lượng rau an toàn của hợp tác xã vẫn chưa được tiêu thụ mạnh. Ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Với diện tích canh tác 8,7 ha rau xanh được trồng theo phương pháp an toàn, mỗi tháng vùng rau Tân Hải có thể cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn rau xanh các loại, nhưng chỉ mới có 40% trong số này được bán đúng giá của rau an toàn, còn lại vẫn phải tiêu thụ chung với rau không rõ nguồn gốc ở những nơi khác, điều này gây thiệt thòi cho người trồng rau.




Nguồn: vietlinh
Báo cáo phân tích thị trường