Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế trang trại sẽ dẫn dắt kinh tế nông hộ
22 | 10 | 2008
Nguyên nhân chính khiến nông nghiệp tăng trưởng chậm lại, khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn ngày một giãn rộng là do các nguồn lực của nông thôn đang bị đô thị bòn rút. Việc đầu tư bình quân 285 triệu/trang trại, trong đó có không ít xuất phát từ khu vực đô thị là dòng tài chính nhỏ bé, ngược dòng làm chậm lại quá trình bòn rút của đô thị. Nếu trang trại phát triển, sản xuất có hiệu quả thì dòng đầu tư ngược này dần lớn lên.
Thành quả bước đầu

“Chúng tôi đi đâu cũng bị coi như tội phạm”. Mở đầu phát biểu của mình tại Diễn đàn phát triển kinh tế trang trại phía Nam do Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức ngày 17/10 vừa qua tại Bình Phước, anh Nguyễn Chí Công, chủ một trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đã giãi bày bằng bức xúc như vậy.

Không chỉ riêng anh Công, mà hầu như tất cả các trang trại chăn nuôi heo đều gặp nan giải về xử lý chất thải vì nếu đầu tư hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn thì giá thành sản phẩm của trang trại rất cao, không thể cạnh tranh được. Nhiều chủ trang trại ở Đồng Nai, BR-VT lách bằng cách xây dựng trang trại trong các rẫy cao su xa xôi, tuy nhiên theo quan điểm môi trường thì việc đưa chất thải phân tán ra không có ý nghĩa giảm thiểu ô nhiễm. Vậy thì tại sao nhà nước lại không hình thành các khu nông nghiệp tương tự như khu công nghiệp và giúp họ bằng việc xử lý chất thải tập trung.

Đấy chỉ là một trong nhiều ý kiến về việc nhà nước chưa chú ý đầu tư và xây dựng các chính sách, hoặc vận hành các chính sách có lợi cho nông nghiệp nói chung và trang trại nói riêng trên tất cả các mặt: chính sách đất đai, tín dụng, thông tin, đào tạo, sử dụng hàng rào thuế quan và kỹ thuật để ngăn chặn hàng nhập khẩu cũng như xây dựng các vùng nguyên liệu để giảm nhập khẩu. Trong đó đáng chú ý nhất là hầu hết các trang trại đều được hình thành theo kiểu tự phát, không gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với quy hoạch phát triển hạ tầng, với công nghiệp chế biến, với các chương trình kinh tế xã hội khác như định canh, định cư, XĐGN…

Tuy chưa được quan tâm đúng mức nhưng kinh tế trang trại đã chứng tỏ được vai trò và sức sống của nó. Đến cuối 2007, cả nước có 116.062 trang trại, nếu so sánh với con số 55.852 trang trại của năm 2000 thì mỗi năm có khoảng 8.600 trang trại mới, đạt mức tăng trưởng 20%/năm. Theo báo cáo của 40 tỉnh thành năm 2007, giá trị sản phẩm bình quân một trang trại đạt 165 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 83 triệu, tỷ suất hàng hóa và dịch vụ đạt 90%. Trang trại cũng đã thu hút gần nửa triệu lao động, trong đó có đến 56% lao động thuê ở thị trường tự do.

Cần xác định lại vị thế kinh tế trang trại

20 năm qua, NN có được thành tựu khá to lớn và toàn diện nhờ vào Nghị quyết 10 thừa nhận hộ là đơn vị kinh tế tự chủ và sự đầu tư cho thủy lợi. Thế nhưng hiện nay đất hoang đã hết, tăng vụ cũng không còn được nữa, NN muốn tiếp tục tăng trưởng phải nâng cao giá trị, chất lượng.

Làm thế nào để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, tập trung, hiện đại, đưa KHKT về nông nghiệp, nông thôn luôn là nỗi đau đáu của những người làm chính sách nhưng vẫn chưa tìm kiếm được mô hình thích hợp, trong lúc kinh tế hộ sản xuất nhỏ lẻ manh mún, tiến hành SXNN như một bản năng, lại đẻ ra quá nhiều thương lái chia chác lợi nhuận với nông hộ mà Quyết định 80 của Thủ tướng về việc khuyến khích tiêu thụ nông sản theo hợp đồng nếu được tổng kết thì chỉ cần tóm gọn trong một câu: Nhà nông chưa tôn trọng hợp đồng, nhà doanh nghiệp sợ rủi ro, nhà khoa học chưa mạnh dạn và nhà nước chưa chủ đạo.

Về hợp tác xã

“Hợp tác huyện cũng chưa ăn”, một cán bộ nói vui với tôi như thế khi bàn về mô hình hợp tác xã hiện nay. HTX là mô hình tổ chức kinh tế ưu việt ngay cả những nước phát triển như Nhật Bản, Ixraen… và là kỳ vọng của nhiều người trong việc tổ chức SXNN ở giai đoạn mới. Tuy vẫn có nhiều HTX làm ăn tốt nhưng trên đại thể Luật HTX của ta vẫn chưa đi vào cuộc sống. Đến năm 2006, cả nước có gần 6.000 HTX nhưng có đến 42% hoạt động chỉ ở mức trung bình, 22% yếu kém, bình quân lãi của một HTX chỉ 24,5 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của một quan chức Cục HTX “Hạn chế của các hợp tác xã hiện nay là xã viên chưa ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình. Đại bộ phận xã viên không viết đơn tham gia mà cán bộ chỉ lập danh sách. Vốn góp của xã viên được phân bổ từ vốn, quỹ HTX cũ chuyển sang mang tính hình thức…”.

Các nông lâm trường: Thời đã qua!

Mô hình tổ chức các nông lâm trường từng được kỳ vọng. Đã có lúc có hẳn Bộ Nông trường. Hiện có khoảng 700 nông lâm trường quản lý 4,6 triệu ha được đánh giá là không hiệu quả và nhà nước đang có kế hoạch chuyển 757.338 ha sang cho các địa phương quản lý. Tuy nhiên việc cắt chuyển này xảy ra chậm chạp mà nguyên nhân chính là chưa đưa ra được mô hình tổ chức phù hợp (ngoài số diện tích được bàn giao để trồng cao su). Nếu nhà nước có đề án tổ chức xây dựng vùng đất chuyển đổi thành các trang trại tập thể thì hy vọng tốc độ chuyển giao sẽ được đẩy nhanh.

Trang trại mới là hạt nhân, dẫn dắt kinh tế hộ

Nguyên nhân chính khiến nông nghiệp tăng trưởng chậm lại, khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn ngày một giãn rộng là do các nguồn lực của nông thôn đang bị đô thị bòn rút. Việc đầu tư bình quân 285 triệu/trang trại, trong đó có không ít xuất phát từ khu vực đô thị là dòng tài chính nhỏ bé, ngược dòng làm chậm lại quá trình bòn rút của đô thị. Nếu trang trại phát triển, sản xuất có hiệu quả thì dòng đầu tư ngược này dần lớn lên.

Các vùng sản xuất hàng hóa mới được hình thành do sự chuyển dịch cơ cấu đều bắt đầu từ hạt nhân là các trang trại. Sự hình thành vùng trồng khoai lang của Kiên Giang hiện nay từ sự “ăn nên làm ra” của vua khoai lang Ba Hạo. Vùng tôm giống Khánh Hòa, Ninh Thuận bắt đầu từ trang trại Thông Thuận. Một triệu tấn cá tra ĐBSCL hiện nay cũng từ một số hộ của An Giang… Trang trại là nơi chuyển giao kỹ thuật nhanh nhất, hiệu quả nhất cho nông hộ xung quanh và gặp thuận lợi sẽ nhanh chóng phát triển thành vùng hàng hóa tập trung xung quanh cái nhân là trang trại đấy. Nếu được đặt đúng vị trí, đúng tầm, có chính sách tốt thì các trang trại sẽ không chuyển thành các doanh nghiệp mà sẽ phát triển thành HTX, và chỉ đến lúc quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên gắn kết, phụ thuộc vào nhau thì HTX đích thực mới phát triển.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường