Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tích tụ ruộng đất nhìn từ nhiều phía
06 | 09 | 2008
Trong nông nghiệp, do ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu, nên tích tụ ruộng đất là yếu tố quan trọng nhất của quá trình tích tụ tư bản để mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô. Không có khái niệm tích tụ ruộng đất phi kinh tế.
Tích tụ đất đai xét trên khía cạnh tài chính

Để có đất đai đáp ứng yêu cầu kinh doanh, nhà đầu tư có thể mua quyền sở hữu hay thuê quyền sử dụng đất theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”. Trong trường hợp thuê đất, nhà đầu tư kinh doanh phải trả địa tô cho chủ đất. Do nền kinh tế có “cầu” thuê quyền sử dụng đất để kinh doanh nên ắt có “cung”. Vì thế, sẽ xuất hiện những người chuyên kinh doanh đất đai bằng cách đầu tư vốn mua đất rồi cho người khác thuê lại quyền sử dụng đất. Họ trở thành nhà kinh doanh bất động sản.

Tương tự như việc thuê đất, nền kinh tế thị trường cũng làm xuất hiện hoạt động kinh doanh cho thuê thiết bị, máy móc. Một số nhà đầu tư mua máy móc, thiết bị để cho người khác thuê quyền sử dụng chúng để kinh doanh. Hoạt động này được gọi là cho thuê tài chính và công ty cho thuê tài chính ra đời, phát triển không ngừng. Vậy cũng có thể xem hoạt động cho thuê quyền sử dụng đất là một dạng của cho thuê tài chính.

Hoạt động tín dụng cũng tương tự như vậy. Người sở hữu đất đai, máy móc thiết bị, tiền vốn tạm thời từ bỏ quyền sử dụng và cho người khác thuê quyền sử dụng này để hưởng địa tô và lãi suất. Ngân hàng thương mại chính là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ (tất nhiên còn kinh doanh các dịch vụ khác), vừa bỏ tiền của mình, vừa chủ yếu thuê tiền của cá nhân và tổ chức để cho người và tổ chức khác thuê lại quyền sử dụng chúng.

Như vậy, trong nền kinh tế thị trường, kinh doanh cho thuê quyền sử dụng đất, thiết bị, máy móc hay tiền vốn là hoạt động bình thường. Nó mang lại hiệu quả kinh tế cho cả người chủ sở hữu (cho thuê) và người sử dụng (đi thuê), nên không thể có khái niệm tích tụ đất đai phi kinh tế.

Tích tụ ruộng đất xét trên khía cạnh kinh tế

Quá trình tích tụ tư bản cho phép các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô. Điều đó có nghĩa là quy mô kinh tế của doanh nghiệp càng lớn, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của nó càng cao. Vì thế, trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, các đại công ty hình thành và phát triển, với nhiều cấp quản lý trung gian (5-7 cấp), sử dụng hàng vạn người lao động làm thuê trong sản xuất và quản lý, vươn tầm hoạt động trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, trong nông nghiệp, lợi thế kinh tế theo quy mô hạn hẹp hơn nhiều so với công nghiệp, dịch vụ. Đó là do tính chất sinh học của sản xuất nông nghiệp quy định như là một tất yếu kinh tế.

Đặc điểm sinh học của sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người quản lý và cả người lao động trong trang trại phải kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất diễn ra trên từng thửa ruộng, vườn cây, chuồng gia súc, ao cá, thậm chí đến từng cá thể cây, con, để có thể tác động đúng lúc, đúng cách đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi thì mới đạt năng suất và hiệu quả cao nhất.

Muốn đạt được điều đó phải có hai điều kiện. Điều kiện cần là người quản lý và người lao động trong trang trại phải có trách nhiệm cao, làm việc không kể sớm khuya, do lợi ích của người quản lý và người lao động trong trang trại phụ thuộc trực tiếp vào năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi. Điều kiện đủ là năng lực quản trị, hay quy mô quản lý (đối tượng bị quản lý) của trang trại phải phù hợp với khả năng của người quản lý cao nhất và người lao động bộ phận trong mỗi trang trại.

Điều này chỉ có thể được trong trang trại gia đình, bởi vì trang trại gia đình chủ yếu sử dụng sức lao động của gia đình, tự “bóc lột” sức lao động của chính mình. Ruộng đất có thể đi thuê (lĩnh canh), tiền vốn có thể đi vay 100%, nhưng sức lao động thì không. Lợi ích của tất cả các thành viên trong gia đình phụ thuộc trực tiếp vào năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi.

Đó là lý do cơ bản nhất giải thích vì sao trang trại gia đình là hình thức tổ chức kinh doanh phổ biến, làm ra phần lớn nông sản hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Ngay cả ở các nước Âu - Mỹ, trang trại gia đình vẫn là hình thức tổ chức kinh doanh nông nghiệp chủ yếu, tuy rằng quy mô trang trại rất lớn, có khi đến hàng ngàn héc ta canh tác, hàng vạn đầu con gia súc, nhờ cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa cao.

Còn ở trang trại cá nhân (sole farm) và trang trại hợp danh (farming partnership), người chủ đồng thời phải là người quản lý cao nhất. Họ cũng có trách nhiệm cao như các chủ trang trại gia đình nhưng do sử dụng sức lao động làm thuê, nên muốn kiểm soát được các quá trình sinh học diễn ra trên đồng ruộng, vườn cây, ao cá, chuồng trại gia súc, thì quy mô trang trại phải trong tầm hạn quản trị của họ. Số lao động làm thuê của mỗi trang trại phải ở mức không cần thiết lập cấp quản lý trung gian. Đó chính là các trang trại chỉ có một cấp quản lý.

Ở các trang trại có quy mô quá lớn, sử dụng nhiều người lao động làm thuê trong cả sản xuất và quản lý (đặc biệt là trong quản lý), phải thiết lập nhiều cấp quản lý trung gian như trong các trang trại nhà nước (state farm), trang trại trách nhiệm hữu hạn (farming company limited), trang trại cổ phần (farming corporation).

Muốn các trang trại lớn đạt hiệu quả, người ta phải “tái lập” các trang trại gia đình trong lòng các trang trại lớn này, thông qua hình thức “khoán hộ”. Tất cả các quá trình sản xuất mang tính sinh học đều giao cho nông hộ (trang trại gia đình) - người nhận khoán, đảm nhiệm. Còn trang trại lớn chỉ kinh doanh dịch vụ đầu vào (bao gồm cả xây dựng kết cấu hạ tầng, kiến thiết đồng ruộng hoàn chỉnh) - đầu ra cho các nông hộ nhận khoán.

Luật pháp có thể phân biệt đối xử giữa các hành vi, nhưng không phân biệt đối xử giữa các chủ thể (cá nhân, tổ chức) cùng thực hiện một hành vi tích tụ đất đai để cho thuê hay thuê đất để kinh doanh trong nông nghiệp hay công nghiệp. Hành vi này đều là hoạt động kinh doanh bình thường, không bị luật pháp cấm.
Các trang trại gia đình được tái lập trong lòng các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, về bản chất, chính là trang trại dự phần (affiliated farm) hay công ty dự phần (affiliated company) trong nông nghiệp. Trong đó, trang trại lớn và hộ gia đình nhận khoán cùng bỏ vốn đầu tư kinh doanh trên cùng một quá trình, một địa bàn sản xuất, hưởng lợi và phân chia rủi ro theo một cách nào đó, do các bên tự nguyện, bình đẳng thỏa thuận, nhưng không làm phát sinh một tổ chức kinh doanh có tư cách pháp lý mới mà dựa vào tư cách pháp lý đã có của trang trại lớn.

Hình thức tổ chức kinh doanh này vừa tận dụng ưu thế của trang trại gia đình trong các khâu sản xuất - sinh học, và ưu thế của doanh nghiệp quy mô lớn kinh doanh dịch vụ đầu vào - đầu ra của sản xuất nông nghiệp, vừa khắc phục nhược điểm của trang trại gia đình là quy mô nhỏ và nhược điểm của trang trại lớn là có nhiều cấp quản lý trung gian và phải sử dụng sức lao động làm thuê trong cả sản xuất và quản lý kinh doanh.

Chính sách vĩ mô không hạn chế tích tụ ruộng đất để hình thành các trang trại sản xuất hàng hóa, nhất là trang trại gia đình, nhưng cũng không xóa bỏ các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, có nhiều cấp quản lý trung gian, nhất là các nông, lâm trường quốc doanh, mà phải tận dụng lợi thế quy mô lớn của nó, để có vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường (ở cả đầu vào và đầu ra), đồng thời đổi mới nó bằng cách tái lập các trang trại gia đình dự phần và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thực hiện các dịch vụ đầu vào - đầu ra của sản xuất nông nghiệp (cổ phần hóa cả giá trị quyền sử dụng ruộng đất). Đó cũng là quá trình “nông dân hóa” công nhân, biến họ từ địa vị làm thuê thành người chủ trang trại gia đình dự phần, trong các doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn, có nhiều cấp quản lý trung gian.

Tích tụ đất đai xét trên khía cạnh pháp lý

Trong nền kinh tế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước pháp quyền, người dân và doanh nghiệp có quyền làm bất cứ điều gì mà luật pháp không cấm để mưu cầu lợi ích cho mình. Và đương nhiên, trong những lĩnh vực không bị luật pháp cấm, hoạt động của họ cũng phải tuân thủ pháp luật để không vì lợi ích của mình mà gây phương hại đến lợi ích của người khác và của đất nước, xét trên cả khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.

Mặt khác, luật pháp có thể phân biệt đối xử giữa các hành vi, nhưng không phân biệt đối xử giữa các chủ thể (cá nhân, tổ chức) cùng thực hiện một hành vi tích tụ đất đai để cho thuê hay thuê đất để kinh doanh trong nông nghiệp hay công nghiệp.

Hành vi này đều là hoạt động kinh doanh bình thường, không bị luật pháp cấm. Nhà nước chỉ quản lý mục đích sử dụng đất theo quy hoạch và theo tiêu chuẩn kỹ thuật do nhà nước ban hành, không quan tâm đến chủ thể sử dụng đất, để bảo vệ lợi ích của đất nước, xét cả trên khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Người dân và doanh nghiệp có quyền quyết định đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nào, quy mô bao nhiêu, bán sản phẩm cho ai, lúc nào, với giá nào, và do đó tự chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả kinh tế mang lại cho họ. Nhà nước và pháp luật không có trách nhiệm và khả năng chỉ cho họ đầu tư vào lĩnh vực nào thì có hiệu quả.

Vì thế không có khái niệm tích tụ ruộng đất phi kinh tế trong hệ thống luật pháp của nền kinh tế thị trường. Để trang trại không bị “xé nhỏ” khi người chủ duy nhất của nó qua đời, luật pháp cần có quy định quyền thừa kế tài sản trang trại một chủ không giống với quyền thừa kế các tài sản khác.

Theo đó, trang trại không được chia thành nhiều trang trại nhỏ cho những người có quyền thừa kế tài sản. Đồng thời, chỉ có một trong những người thừa kế có quyền quản lý trang trại, chịu trách nhiệm vô hạn, được hưởng lợi nhuận và chịu rủi ro (lỗ) theo tỷ lệ phần vốn thừa kế, như những người thừa kế khác, trở thành thành viên hợp danh. Những người thừa kế khác trở thành thành viên góp vốn, chịu trách nhiệm hữu hạn, không có quyền quản lý, được hưởng lợi nhuận và chịu rủi ro theo tỷ lệ phần vốn được thừa kế.

Lúc đó, trang trại một chủ trở thành trang trại hợp danh (farming partnership). Đương nhiên, Luật Đất đai không chỉ tính đến các khía cạnh tài chính, kinh tế và pháp lý nêu trên, mà còn tính đến các khía cạnh kỹ thuật, xã hội và bảo vệ môi trường.
PGS.TS. Vũ Trọng Khải



Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường