Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản xuất khẩu giảm giá mạnh: Cần vai trò điều tiết
22 | 10 | 2008
Có thể nói, ít khi nào diễn biến giá cả nông sản thế giới và trong nước biến động mạnh như thời gian qua, lên rất cao và tụt cũng rất nhanh. Nhiều mặt hàng giảm 50% - 60% so với đầu năm, như giá gạo xuất khẩu so với giữa quý 2 hiện chỉ bằng 60%. Tương tự, cao su giảm trên 50%, cà phê trên 30%, hồ tiêu khoảng 25%… Việc giảm giá nhanh hầu hết nhiều mặt hàng nông sản làm cho doanh nghiệp và bà con nông dân lo lắng. Có thể làm gì trong lúc này?
Càng tranh bán, giá càng giảm

Ông Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN cho rằng, những biến động về giá cả nông sản là tình hình chung toàn cầu. Do đó, ta chỉ có thể hạn chế thiệt hại, không thể nào ngăn chặn. Trong lúc khó khăn nhất thì nhu cầu tiêu dùng giảm đi, nhà đầu cơ dừng mua hàng trong khi người bán thì vội vàng bán ra làm cho giá càng bị giảm xuống. Vì thế, điều quan trọng nhất là phải thật bình tĩnh xem xét, bởi chưa thể biết tình hình sẽ diễn biến thế nào. Đáng lo nhất hiện nay là đua nhau bán thì giá càng xuống.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su VN, cho rằng người sản xuất và kinh doanh cao su đang phải đối mặt với những khó khăn chung của thế giới, giá cao su khó thể tăng cao trở lại như hồi đầu năm 2008 mà sẽ tiến dần về giá hợp lý giữa người sản xuất và tiêu dùng.

Theo bà, để giảm bớt khó khăn cho ngành cao su, một số giải pháp trước mắt cần được xem xét: giảm chi phí theo hướng tăng hiệu quả kinh tế, giảm lượng phân bón (khoảng 50%) vườn cây khai thác, giảm cường độ và nhịp độ cạo mủ.

Cũng giống như ông Hà Nam, bà cảnh báo không nên vội vàng bán tháo lúc này, gây tình trạng tranh bán, tăng áp lực giảm giá. Đổi lại, các doanh nghiệp nên liên kết để kiểm soát giá ở mức chấp nhận được, không làm thiệt hại người sản xuất. Dài hạn, giải pháp cơ bản nhất là chú ý hơn nữa việc phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su trong nước, giảm xuất nguyên liệu thô để tăng giá trị sản phẩm và giảm ảnh hưởng biến động giá nguyên liệu theo thị trường thế giới.

Cần vai trò điều tiết thị trường

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cũng cho rằng những biến động hiện nay là điều rất khó lường trước. Tất nhiên, chuyện giảm giá nông sản đều do sự biến động của thị trường nên rất cần một người cầm cương, điều hành để nông sản ở đúng giá trị của nó.

Trong lúc này, hơn lúc nào hết, Nhà nước phải thể hiện vai trò gác cổng, điều tiết thị trường bằng cách mua lại nông sản, nhất là lúa gạo để dự trữ quốc gia. Cần đánh giá đúng sự biến động hiện nay, để đưa ra sách lược cho đúng. Theo ông, Chính phủ là nơi có thể đưa ra đánh giá, nhận định rõ nhất, chính xác nhất.

Rất nhiều doanh nghiệp, đại diện hiệp hội ngành nghề đồng quan điểm: Nếu gồng gánh được thì ngưng bán hàng là tốt nhất. Nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra lúc này nếu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có tích lũy lợi nhuận lớn thì có thể ra tay để can thiệp, mua hàng dự trữ lại một thời gian. Nhưng hầu hết DN lại là nhà nước, đã nộp ngân sách gần hết, không có ngân quỹ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Viên lại khá lạc quan khi nhận định tình hình này chỉ là nhất thời. Ông lập luận: Đây là lương thực thực phẩm, không phải là chứng khoán hay thời trang. Nó là nhu cầu thiết yếu, chỉ khi nào phát triển quá nhu cầu thì mới làm thặng dư, làm đảo chiều. Ở đây nhu cầu lương thực vẫn cao, chẳng qua khủng hoảng tài chính làm ảnh hưởng tạm thời. Chứ không phải xu hướng buộc phải xuống giá.



Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng
Báo cáo phân tích thị trường