Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vai trò của các tổ chức liên kết trong sản xuất và xuất khẩu nông sản
18 | 03 | 2010
Theo kinh tế học, thuật ngữ Price taker dùng để chỉ những nhà cung cấp lớn, có khả năng chi phối quyết định đối với giá cả thị trường. Vai trò của một Price taker đã được thể hiện khá cụ thể trong trường hợp IRTC(1) – tổ chức hợp tác quốc tế ba bên giữa Thái Lan, Indonesia và Malaysia – thực hiện các biện pháp nâng đỡ giá cao su khi giá xuất khẩu mặt hàng này trên thị trường thế giới trượt dốc quá mạnh vào cuối năm 2008.
Xuất khẩu cao su 2009 – IRCo trong vai trò điều tiết giá xuất khẩu

Năm 2008, giá cao su chinh phục mốc giá cao kỷ lục 3.257 USD/tấn theo giá giao dịch tổng hợp hàng ngày của IRCo(2) (Daily Composite Prices) vào tháng 7/2008 trước khi liên tục giảm xuống mức thấp 1.102 USD/tấn vào tháng 12/2008, tương đương giảm 2.155 USD/tấn, tức 66,15% giá trị trong thời gian 6 tháng.

Giá cao su chịu ảnh hưởng bởi cán cân cung cầu; giá dầu thô; hoạt động mua bán của các quỹ dự trữ, quỹ đầu tư; biến động sản lượng, yếu tố thời vụ và tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, trên thực tế, do cung sản xuất và tiêu thụ cao su trên thế giới luôn bám sát nhau trong những năm qua nên ảnh hưởng của cán cân cung – cầu lên giá giao dịch trên thị trường thế giới không có tính chất chi phối mạnh mẽ.

Sản xuất – tiêu dùng cao su thế giới 2000 – 2008 (ngàn tấn)

Nguồn: Trích Báo cáo thường niên ngành Cao su 2009 và Triển vọng 2010 của Agroinfo


Sự trượt dốc mạnh về giá cao su giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009 xuất phát chủ yếu từ sự trượt dốc của giá dầu và những quan ngại về sự suy giảm về cầu do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh này, những biện pháp hỗ trợ tâm lý thị trường và phản ứng linh hoạt, đàn hồi của IRTC đã giúp nâng đỡ giá cao su, từ đó có tác dụng hỗ trợ trở lại hoạt động sản xuất – kinh doanh của nông dân tại các nước thành viên. IRTC đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ giá cao su khi mức giá giảm sâu vào cuối năm 2008 thông qua các biện pháp cắt giảm xuất khẩu, hạn chế sản xuất và ấn định mức giá sàn xuất khẩu cao su.

Với những biện pháp nâng đỡ giá từ IRCo, trong hai tháng đầu năm 2009, giá cao su trên thị trường thế giới đã vượt mức giá sàn xuất khẩu 1350 USD/tấn ấn định bởi tổ chức này đối với nhà xuất khẩu của các nước thành viên. Khi giá cao su tự nhiên tăng mạnh kể từ quý 3, khối hợp tác ba bên đã dừng phân bổ lượng giảm cao su xuất khẩu theo những thỏa thuận vào cuối năm 2008.

Vai trò của các tổ chức liên kết trong sản xuất và xuất khẩu nông sản tại Việt Nam

Việt Nam hiện nay thuộc nhóm nước xuất khẩu dẫn đầu thế giới về rất nhiều mặt hàng nông sản: đứng đầu về lúa gạo, điều, tiêu; đứng thứ 4 về cao su; bởi vậy, Việt Nam đang đứng trên vị thế nhà cung cấp lớn và tiềm năng trở thành Price taker trên thị trường. Vị thế này mang lại cho xuất khẩu nông sản và sản xuất trong nước những lợi thế lớn trong phản ứng biến động thị trường. Những lợi thế này bao gồm lợi thế về quy mô, thông tin thị trường sản xuất – tiêu thụ lớn, tổ chức sản xuất – xuất khẩu và phản ứng thông tin.

Vai trò của các hiệp hội và tổ chức liên kết trong việc phát huy những lợi thế trên rất lớn nhưng ở Việt Nam, vai trò đó chưa được thể hiện rõ rệt.

Năm 2008, giá cả các mặt hàng nông sản như cao su, điều,… trên thị trường thế giới lần lượt chinh phục những mốc cao kỷ lục trong nửa đầu năm trước khi tụt giảm không ngừng xuống những mức thấp kỷ lục trong vào cuối năm. Vì vậy, giá cả nông sản bước vào năm 2009 với một mốc thấp đáng kể so với đầu năm 2008. Giá xuất khẩu cao su trung bình của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2009 giảm 47% so với cùng kỳ năm 2008, còn giá điều giảm 5,8%.
Điều đáng chú ý trong xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam năm 2009 là bất chấp tình hình khủng hoảng và việc thắt chặt chi tiêu ở các thị trường nhập khẩu nông sản lớn, kim ngạch vẫn tăng về lượng và sự suy giảm về giá trị xuất phát từ sự trượt dốc của giá xuất khẩu. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam tăng 6% về lượng nhưng giảm 8,18% về giá trị, kim ngạch xuất khẩu cao su tăng 10,3% về lượng nhưng giảm 24,7% về giá trị.

Sự gia tăng về lượng phần nào phản ánh tính ổn định về nhu cầu trên các thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Do đó, để tạo sự ổn định về giá trị xuất khẩu, yếu tố then chốt là giá cả giao dịch nông sản trên thị trường thế giới.

Từ bài học về giá cao su, Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc về vai trò của các hiệp hội ngành hàng và tổ chức liên kết. Với vị thế là một nhà xuất khẩu nông sản lớn trên thị trường, việc thiết lập các liên kết ngành hàng trong nước, đồng thời liên kết với những nhà xuất khẩu lớn khác trên thế giới nhằm chia sẻ thông tin, hợp tác sản xuất và nhất là xây dựng vị thế đủ mạnh để tạo nên những phản ứng đàn hồi với sự biến động của thị trường, đặc biệt trong trường hợp giá cả bị chi phối mạnh bởi yếu tố tâm lý.
____________________________________
(1): International Tripartite Rubber Council.
(2): International Rubber Consortium Limited.


Kim Dung/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường