Chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm nông sản cũng chưa thực sự được bảo đảm để tạo niềm tin cho khách hàng trong và ngoài nước. Vì thế vấn đề nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và giá trị sản phẩm nông sản đang được Chính phủ Việt Nam cũng như các Ngành các cấp quan tâm hàng đầu.
Trong chương trình hợp tác ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Canada, Chính phủ Canada thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) đã hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các cơ quan chức năng Việt Nam triển khai Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDCP) trong thời gian 5 năm (từ 2008 - 2013).
Theo đó, mục tiêu của FAPQDCP là hỗ trợ cải thiện chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) và khả năng tiếp cận thị trường của hệ thống sản xuất nông sản thực phẩm (NSTP) thông qua tăng cường năng lực quản lý, áp dụng qui trình sản xuất và chế biến tốt, giám sát và mở rộng thị trường NSTP.
|
Vùng sản xuất rau an toàn dự án lựa chọn triển khai thí điểm |
Các bên tham gia tổ chức triển khai Dự án bao gồm: Trường Đại học Montreal – Cơ quan Điều phối dự án được Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA) lựa chọn, và về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thuỷ sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là đơn vị chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án. Ông Nguyễn Như Tiệp, Phó Cục trưởng phụ trách Cuc Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thuỷ sản kiêm Giám đốc Dự án FAPQDCP cho biết, phương pháp tiếp cận để nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà dự án triển khai là:
- Đảm bảo ATTP tại từng công đoạn trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua cải thiện từng bước phần cứng (nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ) và xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng /tiêu chuẩn, qui chuẩn sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng, ATTP.
- Đảm bảo cơ sở sản xuất và sản phẩm được kiểm tra một cách hợp lý, tin cậy và hiệu quả thông qua nâng cấp các phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng quy trình kiểm tra giám sát chuẩn và đào tạo kiểm tra viên.
- Áp dụng các biện pháp tiếp cận thị trường để có đầu ra ổn định, cân bằng lợi ích giữa người sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng; quảng bá xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu; tuyên truyền, cung cấp thông tin nâng cao nhận thức và kiến thức hành động của người tiêu dùng.
- Xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng các biện pháp nêu trên, có đánh giá điều chỉnh trên cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn; tổng kết rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng.
|
Chuyên gia của dự án FAPQDCP khảo sát vùng trồng rau |
Hiện dự án đang được triển khai với 3 hợp phần chính: (1) Xây dựng chất lượng (Quality Development); (2) Kiểm soát chất lượng (Quality Control); (3) Tiếp cận thị trường (Marketability). Và việc triển khai 3 hợp phần được thực hiện xuyên suốt chuỗi sản xuất thực phẩm theo mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”.
Trong đó, hợp phần xây dựng chất lượng nhằm mục đích: Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, dễ thực hiện về các tiêu chuẩn, qui chuẩn chất lượng và ATTP. Cải thiện kỹ thuật sản xuất, chế biến tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo ATTP của nông sản thực phẩm. Cụ thể, dự án sẽ hỗ trợ người nông dân áp dụng các tiêu chuẩn, qui chuẩn thực hành sản xuất tốt, an toàn trong toàn bộ chuỗi sản xuất 5 nhóm sản phẩm (rau, trái cây, chè, thịt lợn và gia cầm) và thí điểm ở 15 tỉnh/ thành phố.
Theo ông Sylvain Quessy, Cố vấn dự án FAPQDCP, kết quả đầu ra chính của hợp phần này là xây dựng các công cụ để áp dụng vào chuỗi giá trị ngành hàng ngay từ khâu sản xuất đến các khâu sau sản xuất như: sơ chế, vận chuyển, chế biến, phân phối. Những công cụ đó sẽ được ứng dụng vào bối cảnh của VN với mục đích giúp người nông dân, cơ sở giết mổ, sơ chế/chế biến, cơ sở bán buôn/bán lẻ cải thiện kỹ thuật sản xuất/sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng xuất,chất lượng và ATTP
Đối với hợp phần kiểm soát chất lượng, mục đích nhằm nâng cao năng lực của các đối tác VN trong thiết kế, giám sát và kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn, qui chuẩn đặt ra. Đây cũng là bằng chứng thuyết phục người tiêu dùng và các bên liên quan đến chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tin tưởng rằng sản phẩm đã đảm bảo chất lượng và an toàn.
Ông Sylvain Quessy cũng nhấn mạnh có nhiều vấn đề liên quan đến hợp phần này: Thứ nhất, hợp phần được xây dựng và thực hiện bởi các chuyên gia có chuyên môn của VN trong lĩnh vực phòng ngừa và kiểm soát chất lượng/an toàn. Thứ 2, hệ thống thanh tra kiểm tra NSTP của các Bộ liên quan sẽ được đánh giá và nâng cao. Thứ ba, hỗ trợ thiết bị cho phòng kiểm nghiệm, đào tạo nâng cao năng lực của phòng kiểm nghiệm nhằm giúp thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm tra thực phẩm.
|
Các chuyên gia phòng kiểm nghiệm viên đang phân tích mẫu nông sản thực phẩm |
Hợp phần về khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm nhằm mục tiêu đảm bảo sản phẩm của người nông dân, hợp tác xã và cơ sở sản xuất áp dụng theo đúng quy trình sản xuất tốt (GPPs) sẽ có thị trường ổn định, giá bán cao hơn và các bên tham gia chuối giá trị cùng có lợi ích chung.
Nói về kết quả đầu ra của hợp phần 3 này, ông Francois Coderre, Chuyên gia hợp phần Marketing của Dự án FAPQDCP nhấn mạnh việc thực hiện chiến lược truyền thông và tiếp cận thị trường của sản phẩm nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức hành động của người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi người tiêu dùng chính là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc mua hay không mua một loại thực phẩm.
Xây dựng các hoạt động phù hợp trên cơ sở những chiến lược truyền thông và tiếp cận thị trường cũng sẽ đảm bảo tính hiệu quả trong việc giới thiệu sự khác biệt của sản phẩm thông qua nhãn hiệu và chứng nhận của sản phẩm, giúp người tiêu dùng quyết định việc lựa chọn của mình.
|
Chuyên gia dự án khảo sát tiêu thụ nông sản thực phẩm tại Siêu thị |
Theo đánh giá, sau tất cả những nỗ lực trên, bên hưởng lợi sau cùng chính là người tiêu dùng VN. Họ sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận với những sản phẩm nông sản, thực phẩm có chất lượng cao hơn, an toàn hơn. Bên cạnh đó, người sản xuất, chế biến, bán buôn và bán lẻ VN tại các tỉnh được lựa chọn thí điểm sẽ được nâng cao “tay nghề” để cho ra các mặt hàng có chất lượng và an toàn hơn.
Để tác động tới các bên hưởng lợi, dự án sẽ áp dụng phương pháp tăng cường năng lực đối với các đơn vị nhà nước và các bên liên quan tham gia trong lĩnh vực chất lượng, vệ sinh ATTP từ ở khâu hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, qui chuẩn sản xuất tốt, an toàn; giám sát, kiểm tra, thanh tra và áp dụng các biện pháp xử lý, khắc phục khoa học, hợp lý.
Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng một chiến lược tiếp cận thị trường nhằm đảm bảo cho những sản phẩm có chất lượng cao và an toàn sẽ được tiêu thụ ở những thị trường mới phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và khả năng nhận biết những sản phẩm có giá trị cao. Điều này cũng là điểm lợi cho ngành công nghiệp thực phẩm và chính những nhà/người sản xuất. Mặt khác, khi hệ thống đảm bảo chất lượng ở từng khâu trong chuỗi sản xuất kinh doanh NSTP được xác lập, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.