Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An toàn thực phẩm để nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
12 | 12 | 2017
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nông nghiệp muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tập trung giải quyết an toàn thực phẩm (ATTP), phát triển thị trường.

Ngày 11.12, Bộ NNPTNT thông qua Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) tổ chức hội nghị toàn thể ISG 2017 với chủ đề “Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: ATTP và liên kết tiêu thụ nông sản”.

Nỗ lực giải quyết an toàn thực phẩm

Tham dự hội nghị có gần 200 đại biểu từ đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các bộ, ban, ngành trung ương, các Sở NNPTNT  cùng các doanh nghiệp hiệp hội và các chuyên gia nông nghiệp... Hội nghị tập trung phân tích những cơ hội, khó khăn cản trở, những điểm nghẽn chính cũng như sự gợi mở, cam kết hỗ trợ của các đối tác quốc tế khi Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

Đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những điều kiện quan trọng để nông nghiệp Việt Nam hội nhập toàn cầu. 

Trong 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc trong sản xuất. Về thương mại, nông nghiệp Việt Nam luôn trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất, với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD (năm 2016) và năm nay có thể đạt 35-36 tỷ USD với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã được coi là một “cường quốc” về xuất khẩu nông sản, song có đến 90% lượng nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Một trong những vấn đề nóng trong sản xuất nông sản Việt Nam, theo đại diện Ngân hàng Thế giới, là vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm cả sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đây là vấn đề trọng tâm cần được Việt Nam chú trọng giải quyết trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu về quản lý nguy cơ ATTP ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các loại thực phẩm xuất khẩu được kiểm soát tương đối tốt, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém ở thị trường trong nước. Tiêu thụ thực phẩm không an toàn còn là gánh nặng ở Việt Nam, dẫn tới những gánh nặng về bệnh tật.

Đồng tình quan điểm trên, bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết: “ATTP là một chủ đề có tầm quan trọng toàn cầu. Trong những năm gần đây, điều này ngày càng trở thành vấn đề được quan tâm lớn ở Việt Nam, không chỉ vì các lo ngại về tiêu dùng trong nước mà còn liên quan đến xuất khẩu. Chính phủ Hà Lan, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đang nỗ lực tăng cường hợp tác trong việc đánh giá và giải quyết các rủi ro về ATTP. Chính vì vậy, đã có một biên bản ghi nhớ ba bên về an toàn thực phẩm được ký kết”. Biên bản ghi nhớ này tập trung vào việc hợp tác để cải tiến hệ thống kiểm tra ATTP ở cấp quốc gia và địa phương, dựa trên kết quả phòng thí nghiệm có chất lượng, đánh giá toàn diện và dựa trên rủi ro.

Cam kết hỗ trợ phát triển bền vững

Để gia tăng giá trị xuất khẩu, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng bên cạnh nỗ lực của Việt Nam cần có sự hỗ trợ tích cực từ các đối tác quốc tế. Cụ thể, về hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác quốc tế có nhiều kinh nghiệm có thể hỗ trợ công nghệ về giống, công nghệ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường, liên kết ngành công - nông nghiệp - dịch vụ; hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng kết nối, hỗ trợ các chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững…

Về thương mại đầu tư, các đối tác quốc tế có thể hỗ trợ kết nối thị trường, thông tin đàm phán, xử lý tranh chấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với các tập đoàn quốc tế để thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Về việc hỗ trợ Việt Nam, bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam khẳng định: “Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật chất lượng cao trong việc phát triển một hệ thống quản lý ATTP tốt hơn, chúng tôi sẽ cung cấp kiến thức và công nghệ mới nhất trong các lĩnh vực ATTP, sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị và nuôi trồng thủy sản bền vững để hỗ trợ cho nông nghiệp Việt Nam”.

Còn nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam không nên can thiệp quá nhiều vào điều tiết thị trường, cần thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi sản xuất.

Trong khi đó, ông Jonghabea - Trưởng đại diện Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cam kết: “FAO sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu giảm tỷ lệ thấp còi xuống dưới 23% vào năm 2020. FAO cũng hỗ trợ Chính phủ thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về giảm nhẹ biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và các khía cạnh bảo vệ môi trường. Ngoài ra, FAO sẽ giúp Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới với mục tiêu thu nhập nông thôn cao hơn năm 2015 là 1,8 lần”.

Tại hội nghị toàn thể ISG 2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Thứ hai, tập trung phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế, phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh ATTP, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng.

Thứ ba, kêu gọi và thúc đẩy khu vực tư nhân xây dựng kế hoạch đầu tư, kinh doanh phù hợp hơn với các nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu phát triển chiến lược của Chính phủ.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và chính sách, cải cách hành chính, dịch vụ công, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

“Sự tăng trưởng phi thường mà Việt Nam đã chứng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu có được từ việc sử dụng đất thâm canh và các loại phân bón và hóa chất nông nghiệp. Cách làm nông nghiệp này không bền vững và không mang lại các sản phẩm có chất lượng để có thể tạo ra giá trị gia tăng cần thiết”. - Bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam

”Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu có hàm lượng công nghệ thấp, phần chế biến chỉ thêm được 20% giá trị, còn các nước khác như Thái Lan đã thêm được 100%. Để tiếp cận được các thị trường xuất khẩu mới cần đẩy mạnh chế biến sâu tạo ra sản phẩm phong phú, có chuỗi giá trị đồng bộ khép kín, đảm bảo đúng yêu cầu người tiêu dùng quốc tế”. - TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng  Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường