Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phú Yên: Nông dân lao đao vì ... sắn ế
06 | 10 | 2008
Sau các đợt mưa lớn đầu mùa, nông dân ở các vùng nguyên liệu sắn của Phú Yên đang khốn đốn vì sắn không bán được. Việc tiêu thụ khó khăn cộng thêm giá sắn liên tục giảm khiến nông dân trồng sắn bị thiệt hại nặng. Đây là hậu quả của tình trạng phát triển diện tích sắn ồ ạt không theo quy hoạch, cộng với sự quản lý, kiểm soát thiếu chặt chẽ của các cấp, các ngành chức năng.
Tiêu thụ chậm, giảm giá

Hơn 10 ngày qua, dọc theo ĐT 645 và những tuyến đường liên xã dẫn về các vùng nguyên liệu sắn của nhà máy sản xuất tinh bột sắn Sông Hinh (thuộc Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOCEV), ở đâu cũng có sự hiện diện của sắn. Sắn được nhổ chất đống ngoài rẫy, sắn tập kết ven đường, sắn đang trên xe chờ vận chuyển. Dọc ĐT645 đoạn gần nhà máy sắn Sông Hinh, đoàn xe tải chở sắn chờ nhập nguyên liệu có thời điểm lên đến trên 200 chiếc, kéo dài hơn cây số. Nông dân cho biết, sau những cơn mưa đầu mùa, họ tập trung nhổ sắn vì sợ mưa lớn gây ngập úng, thối củ, ảnh hưởng đến chữ bột. Người ta xúm nhau đi nhổ sắn, cả những diện tích sắn non, độ bột thấp nông dân cũng nhổ. Trong khi đó, nhà máy lại không có kế hoạch dãn phiếu thu hoạch kịp thời. Điều đó dẫn đến tình trạng thừa sắn nguyên liệu. Nhiều xe sắn phải chờ trước cổng nhà máy từ 8-10 ngày mới nhập được sắn vào nhà máy. Sắn bị mốc và thối đến phân nửa, mùi chua nồng nặc. Anh Nguyễn Văn Chế ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Tui mới đi chuyến đầu, chờ đến hôm nay (ngày 29/9) là ngày thứ chín rồi. Sắn bốc mùi chua lắm rồi mà hổng biết chiều nay được nhập chưa. Giờ cứ chờ miết vậy chứ biết nói với ai đâu. Giá sắn thì họ thông báo trước 17g ngày 28/9 giữ giá cũ, sau đó thì áp dụng giá mới mà chưa biết bao nhiêu nữa”. Còn anh Nguyễn Anh Quân ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) đang chờ nhập sắn tại nhà máy, than thở: “Đợt này chủ mì thua nặng quá. Xe tui chở 20 tấn, chờ 10 ngày, mới nhập đây, họ trừ hết 8 tấn, coi như lỗ nặng”.

Sắn thừa, người mua thừa cơ ép giá nông dân. Nhà máy cũng giảm giá theo. Đầu vụ, lãnh đạo nhà máy thông báo trước UBND tỉnh trong cuộc họp tổng kết công tác mía, sắn năm 2007-2008 là nhà máy sẽ mua 1.100 đồng/kg đối với sắn 30% chữ bột. Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn, giá sắn được nhà máy mua tại bàn cân chỉ còn 1.075 đồng/kg rồi 1.050 đồng/kg và hiện nay là 1.030 đồng/kg. Tại nhà máy là vậy, trên ruộng người mua cũng “hùa gió bẻ măng”, ép giá nông dân xuống còn 600 đồng/kg. Ông Vũ Văn Quang ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) trồng 3 ha sắn bức xúc nói: Trung bình 1 ha sắn, người trồng sắn bị mất khoảng 4 triệu đồng chỉ sau 1 tuần do giá mua giảm. Thậm chí giờ các đại lý không thèm mua sắn của nông dân nữa. Với việc tiêu thụ khó khăn, cộng với giá sắn giảm dần như thế này, sau khi trừ chi phí (khoảng 7 triệu đồng/ha và công vận chuyển 1 xe mì về nhà máy là 2,3 triệu đồng, tính cả công nhà xe nằm chờ) thì người trồng sắn xem như “phủi tay”. Chủ sắn nào không may phải chờ lâu, sắn thối, cầm chắc lỗ vốn đầu tư.

Nguyên nhân và những bất cập

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa sắn nguyên liệu. Ngoài việc thu hoạch sắn cùng một thời điểm, thì việc phát triển diện tích sắn ồ ạt trong năm vừa qua cũng dẫn đến tình trạng thừa nguyên liệu. Thống kê chưa đầy đủ trong năm 2007, tại huyện Sông Hinh, nông dân đã phá bỏ nhiều cây trồng khác, trong đó có cây mía, để mở rộng hơn 2.000 ha sắn, đưa diện tích vùng nguyên liệu sắn huyện Sông Hinh lên gần 7.000 ha. Trong khi đó, công suất của nhà máy sản xuất tinh bột sắn Sông Hinh hiện nay chỉ có thể đảm bảo sản xuất từ 3.500 đến 4.000 ha.

Một nguyên nhân khác là thị trường xuất khẩu tinh bột sắn đang có dấu hiệu chững lại. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, năm nay tình hình tiêu thụ tinh bột sắn vào thị trường Trung Quốc đang bị nguồn cung cấp từ Thái Lan lấn áp. Đối với thị trường ngoài tỉnh, nếu như năm ngoái hằng ngày có hàng chục xe tải từ Đắk Lắk xuống Phú Yên mua nguyên liệu sắn, thì năm nay nhà máy mì Ea Sô của tỉnh này cũng đang trong tình trạng thừa nguyên liệu... Tất cả những thông tin trên đã tác động đến thị trường tiêu thụ sắn của Phú Yên. Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Y Thông, nhà máy sản xuất tinh bột sắn Sông Hinh cần xem xét lại chuyện khuyến khích về giá như thời gian qua. Điều đó khiến nông dân, vì lợi nhuận trước mắt, tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, địa phương khó có thể kiểm soát được.

Cũng cần phải nói, tại cuộc họp tổng kết chương trình mía, sắn niên vụ 2007-2008 và triển khai niên vụ 2008-2009, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Thị Hà đã chỉ đạo các địa phương và ngành nông nghiệp phải có kế hoạch quản lý vùng nguyên liệu các cây công nghiệp chế biến chặt chẽ, nhất là sắn và mía. Trong đó riêng cây sắn, UBND tỉnh Phú Yên chủ trương không mở rộng vùng nguyên liệu, mà chỉ ổn định trong diện tích 10.000 ha và chỉ đạo tập trung thâm canh. Các nhà máy sắn phải tăng cường vai trò của mình trong liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân theo tinh thần Quyết định 80 và mới đây nhất là Chỉ thị 25 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên trên thực tế cả doanh nghiệp và địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trước dân.

Với những gì đang diễn ra, khả năng năm nay người trồng sắn Phú Yên đã bị thiệt hại nặng. Lúc này, người dân cần những khuyến cáo phù hợp, có quy hoạch mang tính dài hạn và giải pháp quản lý các vùng nguyên liệu chặt chẽ trên cơ sở liên kết 4 nhà. Nếu việc trồng các loại cây trồng phục vụ chế biến vẫn tiếp diễn như thời gian qua, mặc cho nông dân tự phát chạy theo lợi nhuận trước mắt, tập trung trồng một loại cây trồng nào đó không theo quy hoạch thì hậu quả này sẽ còn lập lại trên những cây trồng khác.



Nguồn: Trung tâm khuyến nông khuyến ngư quốc gia
Báo cáo phân tích thị trường