Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghệ An: "Cơn lốc" rớt giá lạc
24 | 09 | 2008
Nghệ An được mệnh danh là "đất lạc". Năm nay ở "đất lạc" chuyện vui ít mà chuyện buồn nhiều. Mà chuyện buồn vẫn chỉ xoay quanh... củ lạc!
Tôi nhận được cú điện thoại của người chị gái từ Thanh Chương gọi xuống: "Cậu có ăn dầu lạc thì về mà lấy. Chị đang để giành cho 5 lít...". Thấy tôi từ chối vì lý do giá lạc nhân đắt nên đã ép được thì cứ giữ lại mà ăn, chị tôi bảo giá lạc vỏ trên ta rẻ hều, chỉ 10.000 đến 11.000 đồng/kg lạc vỏ mà bán chẳng có ai mua nên bà con trong xóm đều rủ nhau bóc vỏ, thuê ép lấy dầu dùng trong gia đình vừa lấy khô dầu làm thức ăn cho gia súc đỡ phí. Theo tính toán của chị nếu cộng cả tiền bán khô dầu và các chi phí khác thì giá 1 can dầu lạc tự ép loại 5 lít rẻ (mà chất lượng còn hơn các loại dầu thực vật bán trong các siêu thị) khoảng 4.000 đồng/lít..(?).

Nghe thông tin này, chúng tôi mò về xã Diễn Thành, Diễn Châu. Vừa bóc lạc, ông Cao Xuân Cấp, xóm 4 xã Diễn Thành vừa cho biết, lạc Diễn Châu năm nay giống như cô gái đẹp ế chồng(!) Ông Cấp mở cả 4 bao tải lạc đang để giữa nhà ra rồi nói: Năm ngoái loại lạc đẹp như thế này giá bình quân 18.000 đồng/kg. Những người trồng lạc như chúng tôi đều nghĩ năm nay đồng tiền mất giá, lạm phát leo thang, giá gạo lên gần gấp đôi năm ngoái thì không cớ gì giá lạc lại không lên nên thấy nhiều nhà bán lạc chưa khô với giá 15.000 đồng/kg ai cũng cho là dại. Bây giờ mới biết những người bán lạc với giá đó hóa ra lại khôn. Giá lạc hiện nay chỉ còn 10 - 11 nghìn đồng/kg mà bán vẫn không được. Tôi cũng đang tính bảo bà nhà tôi bóc đem ép lấy dầu dùng trong gia đình đấy.

Bà vợ ông Cấp cho biết riêng trong xóm 4, Diễn Thành hiện có nhiều gia đình lạc vụ xuân đang chất đống cao đến nóc nhà không bán được như nhà ông Vượng, chị Phòng, ông Chu, chú Lý...Tư thương vào nhà mua thì chê ỏng, chê eo rồi trả giá quá thấp nên đành để đó xem sao. Khảo sát "đầu ra" của lạc nhân tại địa bàn huyện Diễn Châu thấy khá ảm đạm. Chị Đậu Thị Mơ, một chủ cơ sở thu mua lạc xuất khẩu tại xã Diễn Thịnh buồn bã nói với chúng tôi: Mọi năm hết tháng 8, đầu tháng 9 là kết thúc việc làm hàng lạc nhân xuất khẩu. Nhưng năm nay, đến giữa tháng 9 mà lạc xuất khẩu tại Diễn Châu nhà nào nhà nấy đều ứ lại. Trên địa bàn huyện Diễn Châu có khoảng 15 đại lý chuyên thu mua lạc xuất khẩu. Năm nay do không có đầu ra, lạc trong nước liên tục tụt giá nên hầu hết những người làm hàng xuất khẩu như chúng tôi đều lỗ khoảng 30-40 triệu đồng/hộ.

Chị Mơ cho biết thêm: Ai cũng tưởng tình hình biến động giá cả và lạm phát tăng cao thì ít ra giá lạc cũng sẽ như mọi năm, nghĩa là càng về sau giá lạc cứ nhích dần lên. Đây là lý do giải thích vì sao ngay từ đầu vụ đa số những người chuyên làm hàng xuất khẩu như chúng tôi đã chấp nhận vay vốn ngân hàng để thu mua lạc vỏ mới thu hoạch trong dân (phơi được 2 nắng) với giá 15.000 đồng/kg. Nhưng chúng tôi đã phải trả giá rất đắt do lạc liên tục rớt giá, giờ chỉ còn 10.000 đồng/kg. Nhà chị Mơ hiện còn 5 tấn lạc nhân đang bị ách lại chưa bán được. Từ đầu vụ đến nay gia đình chị Mơ cũng đã bị lỗ mất trên 25 triệu đồng.

Ông Đinh Văn Tam, một cơ sở làm hàng lạc nhân xuất khẩu tại Diễn Thịnh rầu rĩ ngồi bên lô hàng lạc nhân xuất khẩu trao đổi với chúng tôi: Năm nay, riêng 1.500 hộ dân xã Diễn Thịnh chuyên đi thu mua lạc trong và ngoài tỉnh về làm "hàng xáo" (bóc vỏ bán lạc nhân) cho chúng tôi, không ai không kêu lỗ nặng. Anh tính lúc mua thì giá lạc đang cao khi bán giá lại thấp hơn 2- 3.000 đồng/kg thì lỗ "chổng vó" là cái chắc. Đó là chưa nói lãi vay ngân hàng và các khoản khác. Ông Tam tính toán: Cứ thu mua một lô hàng (5 tấn lạc vỏ) về xây vỏ và chọn lựa xong là bị mất đi 1 con bò chứ chẳng chơi. Nhà nào càng làm ăn lớn càng lỗ nặng.

Ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN- PTNT Nghệ An cho biết: Vụ lạc xuân năm nay, toàn tỉnh Nghệ An có sản lượng lạc khoảng 48.000 tấn. Những vùng sản xuất lạc tập trung của tỉnh là Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu...năng suất lạc đều tăng hơn năm ngoái. Thế nhưng điệp khúc được mùa lại rớt giá năm nay lại rơi vào cả sản phẩm lạc nhân của Nghệ An là điều ít ai ngờ tới.

Thời gian qua do kiểu làm ăn chụp giật, gian dối của thương nhân trong tỉnh mà nhiều lô hàng lạc nhân xuất khẩu ở Nghệ An vừa sang đến nước sở tại đã bị mốc phải đổ đi... nên lạc Nghệ An bị mất dần uy tín trên các thị trường truyền thống. Hiện nay, lạc nhân hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thị trường này lại biến động khó lường vì tình trạng nay mua, mai bỏ nên chẳng biết thế nào mà lần.




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường