Trong những năm gần đây, sản lượng trái cây của Vĩnh Long tăng mạnh. Năm 2005, Vĩnh Long, diện tích trồng cây ăn trái gần 43.000 ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn, với nhiều chủng loại đặc sản có uy tín trên thị trường như: Bưởi năm roi, cam sành, xoài cát, sầu riêng hạt lép, măng cụt, bòn bon,…
Tuy nhiên, hiện nay trái cây Vĩnh long nói riêng và trái cây Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn gay gắt, nhất là phải đối mặt với sự cạnh tranh với trái cây ngoại nhập, với nhiều chủng loại đa dạng, có chất lượng đang tràn ngập trong thị trường nội địa; khả năng cạnh tranh trái cây của ta còn nhiều hạn chế về chất lượng, mẫu mã, hương vị, độ đồng đều và thời gian bảo quản được lâu của quả. Ngoài ra, trái cây của ta chưa được bảo quản tốt sau thu hoạch, trái còn bị bầm dập, tỷ lệ hao hụt nhiều, còn mang sâu bệnh, kích cở sản phẩm thiếu đồng đều ở qui mô lớn, còn thiếu bao bì và thương hiệu mạnh… Để phát triển bền vững ngành trồng cây ăn trái có tính thế mạnh của Vĩnh Long thiết nghĩ cần phải nâng cao cơ sở vật chất, đầu tư thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái, tác động mạnh khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, giống, bảo quản sau thu hoạch, vệ sinh an toàn nông sản…nâng dần trình độ sản xuất, nâng cao chất lượng trái cây theo kịp, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ nắm vững luật thương mại các nước, liên kết các doanh nghiệp, nông dân, hổ trợ kỹ thuật trái cây an toàn, biện pháp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến sau thu hoạch, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu trái cây, tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông dân.