Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái cây Việt Nam: bao giờ xuất khẩu xứng với tiềm năng?
10 | 08 | 2009
Trái cây Việt Nam xuất khẩu hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng Mấy năm trở lại đây trái cây Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên trên thực tế sản lượng trái cây xuất khẩu vẫn còn rất hạn chế so với tiềm năng của nước ta.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến hết quý II năm 2009 giá xuất khẩu và đơn đặt hàng trái cây Việt Nam vẫn tiếp tục giảm, doanh thu của các doanh nghiệp rau quả nói chung giảm từ 20 đến 30% so với cùng kì năm 2008. Nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế, vướng nhiều rào cản kỹ thuật cũng như các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) ở thị trường nước ngoài.

Mặc dù vậy hiện nay trái cây của nước ta đã có mặt ở hơn 50 quốc gia, trong đó có những thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Thêm vào đó trái cây của chúng ta không chỉ đủ sức cạnh tranh với trái cây cùng loại của các nước mà còn độc quyền nhiều loại quả mà các nước khác không có như: vú sữa, sơri, bơ... Một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tiêu biểu phải kể tới như: Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang, Công ty TNHH AGRIVINA, Công ty TNHH Hội Vũ…

Tuy nhiên, lượng trái cây xuất khẩu hiện vẫn còn rất hạn chế, năm 2008 mới chỉ đạt khoảng 350 triệu USD và dự kiến năm nay cũng chỉ đạt 400 triệu USD, trong khi đó tiềm năng khai thác còn rất lớn. Bên cạnh đó, các mặt hàng trái cây cũng chỉ mới xuất qua tiểu ngạch và tập trung phần lớn ở hai thị trường là Trung Quốc và Campuchia.

Lý giải nguyên nhân này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho rằng: Hiện nay, trái cây của ta vẫn chưa có vùng chuyên canh, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, vườn ươm và vật tư đầu vào chưa được quản lý… dẫn đến chất lượng trái cây chưa đồng đều, số lượng trái cây chưa đáp ứng được nhu cầu của những hợp đồng xuất khẩu lớn. Thêm vào đó giá cả các loại trái cây còn khá cao, không đủ sức cạnh tranh với các nước bạn đặc biệt so với Thái Lan và Trung Quốc. Điều đáng buồn là một vựa trái cây lớn như Đồng bằng sông Cửu Long lại không có lấy một nhà phân phối trái cây đúng nghĩa (chưa có packing house)… Vì vậy mà trái cây Việt Nam (trừ thanh long) vẫn chưa tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới như một số nước trong khu vực.

Điều cần thiết bây giờ là đầu tư nhiều hơn nữa cho sản xuất trái cây, xây dựng các tuyến đường để xe tải có trọng lượng lớn có thể đi vào được những khu sản xuất dứa, thanh long... dễ dàng hơn. Mở rộng hơn nữa mối quan hệ nhằm với các nước giới thiệu, quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới. Đặc biệt nhanh chóng ký xong hiệp định kiểm dịch thực vật (SPS) để có thể xuất khẩu vào các nước Mỹ, Úc, Nhật, Newzealand và đặc biệt là thị trường EU.

Tuy nhiên, để có thể tăng năng lực xuất khẩu của trái cây Việt Nam ngoài sự cố gắng của riêng của các cơ quan nhà nước, còn phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các nhà sản xuất với nhau. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển hơn nữa tiềm năng vốn có của trái cây như: tập trung cải tạo vườn tạp, xây dựng vùng chuyên canh tập trung một số cây có lợi thế, có khả năng cạnh tranh được ở trong nước và nước ngoài như: dứa, chuối, nhãn, vải, xoài, cây có múi, thanh long... đẩy mạnh hơn nữa vào các loại trái cây đã có thương hiệu và ưu thế trên các thị trường trọng điểm như thanh long (được coi là số một thế giới), dứa Queen (chế biến đi Châu Âu, Nhật, Hoa Kỳ), chuối già (xuất tươi sang Trung Quốc), bưởi Năm roi, bưởi Lông Cổ Cò (Hongkong, Châu Âu, Nga)... Bên cạnh đó cần tăng nhanh diện tích trồng một số loại trái cây có tiềm năng như măng cụt, bòn bon, nhãn xuồng Vũng Tàu, bưởi Da xanh...

Để có sản lượng trái cây dồi dào, đảm bảo chất lượng môi trường chúng ta cần chú trọng vào quy hoạch vùng chuyên canh, sản xuất theo qui trinh chất lượng và an toàn thực phẩm (EUREPGAP/ VietGAP). Các tỉnh có diện tích trái cây lớn nên hỗ trợ nâng cấp nâng cấp một vài cơ sở, nhà đóng gói Thanh long, Xoài, Bưởi, Nhãn, Vú sữa.... đạt các tiêu chuẩn VSATTP/ BRC.

Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu còn nêu ra 4 giải pháp chính nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu trái cây như: hỗ trợ xác nhận xuất xứ hàng hóa, xây dựng mô hình nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn BRC, xây dựng mô hình sản xuất Rau Quả đạt tiêu chuẩn EUREPGAP, đào tạo Thanh tra viên nội bộ (internal auditor) theo tiêu chuẩn EUREPGAP.

Có thực hiện tốt những khâu trên thì trái cây Việt nam mới mong đạt mục tiêu xuất khẩu 760 triệu USD trong năm 2010 mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra.

(Theo Công thương)
 



Báo cáo phân tích thị trường