Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để trái cây vào được thị trường khó tính
02 | 06 | 2011
Thị trường trái cây ở Mỹ có giá rất cao nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt.

“Việc Mỹ chấp nhận nhập khẩu nhiều loại trái cây (sau thanh long và chôm chôm) của VN đã mở ra thị trường triển vọng cho trái cây trong nước. Tuy nhiên, để trái cây VN thực sự có chỗ đứng ở Mỹ thì ngay bây giờ Nhà nước nên xây dựng vùng sản xuất chuyên canh trái cây quy mô lớn, giống như lúa gạo” - TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho hay.

Không khá lên được nếu cứ xuất thô

. Phóng viên: Việc Mỹ nhập khẩu nhiều loại trái cây của VN sẽ tác động như thế nào đến sản xuất trong nước, thưa ông?

+ TS Nguyễn Minh Châu (ảnh): Trong số các nước tiêu thụ trái cây thì thị trường Mỹ luôn có giá cao nhất và đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Việc ngày càng nhiều thị trường khó tính đồng ý nhập khẩu trái cây VN sẽ tốt hơn cho sản xuất trong nước. Chứ còn xuất thô trái cây sang Trung Quốc như từ trước đây vẫn làm thì nông dân, doanh nghiệp trái cây VN sẽ không khá lên được.

. Sản xuất trái cây trong nước liệu có đáp ứng được những thị trường khó tính hay không, nhất là thị trường Mỹ, thưa ông?

+ Hiện nay phía Mỹ mới chỉ cấp mã số cho một số vùng sản xuất, sau khi đã đến kiểm tra và giám sát chất lượng. Nói là nhập khẩu nhiều loại trái cây của VN nhưng chỉ có vùng nào được cấp mã số mới được xuất qua Mỹ. Cũng là chôm chôm nhưng hiện chỉ có vùng Châu Thành (Bến Tre) mới được xuất qua Mỹ, còn vùng Long Khánh (Đồng Nai) nổi tiếng về chôm chôm nhưng không được xuất vì chưa đáp ứng điều kiện. Các mặt hàng vải, nhãn, xoài, vú sữa cũng sẽ được Mỹ áp dụng theo cách này.

Thương hiệu, chất lượng vẫn là điểm yếu của trái cây VN khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Ảnh: Q.TRUNG

Diện tích còn quá nhỏ

. Thưa ông, trước triển vọng như trên, phía VN đã có sự chuẩn bị gì để đáp ứng yêu cầu của thị trường?

+ Trước tiên đòi hỏi người sản xuất phải nâng cao chất lượng. Ít nhất cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, cao hơn nữa thì theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Không chỉ xuất khẩu mà ngay cả thị trường trong nước hiện cũng đòi hỏi sản xuất trái cây đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao. Tuy nhiên, nhiều vùng dù được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP nhưng diện tích quá nhỏ khiến đầu ra bị hạn chế. Trong tương lai, sản xuất trái cây cũng cần những vùng chuyên canh khép kín, chất lượng cao, giống như lúa gạo đang làm. Nhưng để làm được điều này cần phải có sự tác động từ phía Nhà nước.

. Ông đánh giá ra sao về tiềm năng của thị trường Mỹ?

+ Mỹ mới chỉ được coi là thị trường tiềm năng. Trong lúc này doanh nghiệp trái cây nên nhắm đến những thị trường gần với VN hơn như Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, châu Âu… Thị trường Mỹ tuy giá cao nhưng chi phí sản xuất cũng cao do chi phí vận chuyển. Cái khó của doanh nghiệp trái cây VN khi xuất sang Mỹ là phải cạnh tranh với doanh nghiệp Nam Mỹ và chính cả doanh nghiệp của Mỹ. Hiện nước Mỹ cũng sản xuất chôm chôm, thanh long như VN.

. Xin cảm ơn ông.

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu rau quả trong bốn tháng đầu năm 2011 đạt 213 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Nhật là những thị trường chính, chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN.

Đánh giá của đại diện Vụ Thị trường ngoài nước cho thấy xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm 2011 có nhiều thuận lợi, nhất là sang thị trường Mỹ, châu Âu. Nhiều mặt hàng chôm chôm, thanh long, hoa quả tươi hoặc sấy khô đang dần có chỗ đứng và cạnh tranh ngang ngửa với trái cây Thái Lan, Malaysia.

Mỹ sẽ nhập thêm vải, nhãn, xoài, vú sữa

Mới đây, cuộc họp cấp bộ trưởng trong khuôn khổ Hội đồng TIFA (Hiệp định khung về thương mại và đầu tư) giữa VN và Mỹ đã kết thúc với nhiều kết quả quan trọng.

hai bên thỏa thuận mở cửa cho một số loại nông sản có tính chất bổ sung cho nhau được tiếp cận thị trường của bên kia. Ngoài thanh long và chôm chôm, phía Mỹ sẽ cho nhập thêm vải, nhãn, xoài, vú sữa từ VN. Phía Việt Nam sẽ nhập khẩu lê, táo, nho và anh đào từ Mỹ.

Phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe

Về nguyên tắc, để xuất khẩu được qua Mỹ, trái cây VN phải được Mỹ cấp mã số vùng trồng, nhà máy đóng gói và phải được xử lý bằng phương pháp chiếu xạ.

năm nay hoặc đầu năm sau, nhãn và vải sẽ được xuất khẩu qua Mỹ. vú sữa và xoài sẽ còn phải đợi rất lâu, muốn xuất khẩu cần có lộ trình. thanh long đã phải mất bốn năm (từ năm 2004 đến 2008) mới đủ điều kiện xuất qua Mỹ. Trong khoảng thời gian đó, hai bên phải thực hiện hàng loạt cuộc đàm phán cũng như phân tích nguy cơ dịch hại trái cây VN xuất qua Mỹ.

Ông NGUYỄN HỮU ĐẠT, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu, Bộ NN&PTNT



Theo Pháp luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường