Hoa quả “nhà quê” xuất ngoại
Đầu năm 2011, nhu cầu tiêu thụ nông sản thị trường thế giới tăng mạnh nên các doanh nghiệp xuất khẩu phải sử dụng hết công suất để đáp ứng nhu cầu. Ông Phan Quốc Nam- Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên- cho biết, hiện doanh nghiệp đang cần khoảng 70-80 tấn xoài cát chu nguyên liệu để chế biến mặt hàng xoài cát chu cắt miếng cấp đông xuất khẩu sang Hàn Quốc. Mặt hàng mãng cầu gọt vỏ tách hạt đông lạnh cũng xuất khẩu đều đặn sang các thị trường Malaysia, Trung Quốc… với sản lượng hàng tháng khoảng 15 tấn.
Theo ông Nam, nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản ở các nước còn tương đối lớn và tùy thuộc vào mùa vụ. Vì vậy, năm nay công ty đã chuẩn bị khoảng 300 tấn khoai mì, 40-50 tấn thơm, ... để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các nước.
Các mặt hàng chuối, mít… hiện đang được nhiều thị trường ưa chuộng và đặt đơn hàng nhập khẩu với số lượng lớn. Theo ông Nguyễn Xuân Huy- Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản Long Giang (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang): Hiện tại thị trường Trung Quốc và châu Âu vẫn ưa chuộng mặt hàng chuối Việt Nam. Vì vậy, mỗi ngày doanh nghiệp này xuất khoảng 1 xe container chuối già 22 tấn.
Do nhu cầu nguyên liệu chế biến xuất khẩu tăng nên giá nông sản nguyên liệu cũng tăng theo. Năm 2011, giá chuối (chuối già và chuối xiêm) luôn được giữ ở mức khá cao và trong thời gian dài, hiện nay giá chuối già dao động từ 6.000- 7.000 đồng/kg, tăng 2.000- 3.000 đồng/kg so với vùng kỳ năm ngoái.
Đối với mít, giá cũng đang cao ngất ngưởng. Hiện giá mít bán cho thương lái tại vườn khoảng 26.000-28.000 đồng/kg, với giá này nhiều nông dân thu được lợi nhuận mỗi năm gần 400 triệu đồng/hecta trồng mít.
Một loại trái cây “dân dã” khác thường có mặt ở các chợ quê Nam Bộ là trái đu đủ cũng đang hút hàng do các thương lái thu gom xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Văn Cao- xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hiện giá thu mua đu đủ tại vườn của các thương lái lên đến 6.000-7.000 đồng/kg. Với gần 250 cây đu đủ đang cho trái, ông đã thu hoạch đợt đầu tiên được 10 tấn với lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. “Thấy mô hình trồng đu đủ có hiệu quả cao, nhiều bà con xung quanh đây cũng đang chuyển đổi từ những loại cây ăn trái kém hiệu quả khác sang trồng đu đủ”- ông Cao cho biết.
Không đủ nguồn nguyên liệu
Nhu cầu các loại trái cây “miền quê” của các thị trường thế giới và hiệu quả của việc trồng các loại trái cây này đã được khẳng định. Tuy nhiên cho đến nay, việc trồng các loại cây ăn trái này theo hình thức chuyên canh, quy mô lớn để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu vẫn chưa được quan tâm nhiều. Điều này dẫn đến nguồn hàng thiếu về số lượng lẫn chất lượng, các doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí cho hoạt động thu mua.
Theo ông Nguyễn Xuân Huy, để đáp ứng đơn hàng chuối thành phẩm của các khách hàng Trung Quốc và châu Âu, doanh nghiệp phải đặt hàng vài chục thương lái ở khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang (nơi công ty hoạt động) chưa có vùng trồng chuyên canh chuối.
Theo ông Nguyễn Minh Châu- Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, nhu cầu tiêu thụ chuối, mít, đu đủ... ở nhiều nước hiện rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay nông dân các tỉnh phía Nam vẫn chưa coi trọng hiệu quả kinh tế của những loại cây này. Họ chỉ xem chúng là những loại cây phụ, chỉ thích hợp trồng xen với những loại cây ăn trái khác.
Vì thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, như Công ty Vinamit (chế biến mít sấy khô) phải nhập mít nguyên liệu từ Ấn Độ. Theo ông Nguyễn Lâm Viên- Tổng giám đốc Công ty Vinamit: Năm nay doanh nghiệp cần tới 132.000 tấn mít, 21.500 tấn chuối… để chế biến xuất khẩu. Với tình hình nguyên liệu trong nước thiếu hụt như hiện nay doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất.
Về nguyên nhân các nước Trung Quốc, châu Âu nhập khẩu nhiều chuối, đu đủ Việt Nam, ông Châu cho rằng, do hai loại cây ăn trái này dễ trồng, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có thể coi đây là những loại trái cây sạch, an toàn cho sức khỏe. Hơn nửa, chuối và đu đủ có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Vì vậy, ông Châu khuyến cáo nông dân nên trồng chuối và đu đủ chuyên canh với diện tích lớn chứ không nên trồng xen như hiện nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về cây ăn trái, khi trồng các loại mít, chuối, đu đủ… xuất khẩu, bà con cần quan tâm đến việc mình sẽ cung ứng cho thị trường nào và cần thiết phải có sự hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân, đồng thời cần phải có những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Mặt khác, khi trồng các loại cây ăn trái này nông dân cũng cần chú ý đến vấn đề thổ nhưỡng, vị trí tương đối với các nhà máy chế biến xuất khẩu để đạt được hiệu quả cao nhất trong sản xuất.