Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh hoá: Sản xuất cây rau quả xuất khẩu – lĩnh vực còn nhiều tiềm năng
25 | 03 | 2008
Sản xuất rau quả xuất khẩu - hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ở tỉnh Thanh Hoá.
Gần đây, nhiều loại cây có giá trị hàng hóa phục vụ chế biến, xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường như ngô ngọt, cà chua, dưa bao tử... được đưa vào sản xuất, thâm canh ở nhiều địa phương trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều đơn vị kinh tế trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả đã trở thành bạn đồng hành đáng tin cậy của bà con nông dân. Cùng với việc cải tiến các qui trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, các đơn vị kinh tế chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, từng bước bảo đảm tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là chìa khóa để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và phát triển vùng rau quả xuất khẩu của tỉnh.

Thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt là rau quả ngày càng mở rộng, đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là những loại cây phục vụ chế biến, xuất khẩu làm lợi cho nông dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một số huyện như Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa, Thạch Thành, Tĩnh Gia, Như Thanh... đã ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu rau quả xuất khẩu tập trung cho các đơn vị kinh tế: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa, Công ty Xuất khẩu Vạn Hoa – Hải Dương, Công ty Kim Ngưu (thuộc tập đoàn rau quả Quảng Tây - Trung Quốc)... Tuy nhiên, số diện tích trồng cây rau quả xuất khẩu đến nay vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích đất canh tác trên địa bàn toàn tỉnh. Ví như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa – một đơn vị đạt được khá nhiều thành công trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ta cũng chỉ ký hợp đồng trồng dưa bao tử, ớt xuất khẩu, cà chua bi trên diện tích từ 500 đến 600 ha với các địa phương. Số còn lại là các công ty khác cũng chỉ phát triển được trên diện tích từ 100 đến 200 ha. Theo chủ trương của tỉnh, sẽ giảm một số diện tích trồng lúa và các cây trồng khác năng suất kém sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây có giá trị cao nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi để đưa cây trồng xuất khẩu vào sản xuất, chưa khai thác tốt tiềm năng đất đai, các công ty không mở rộng được sản xuất, thiếu nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.

Với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa, hướng kinh doanh công ty đề ra là tập trung vào việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, gắn việc xây dựng vùng nguyên liệu với việc tiêu thụ, chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm, tăng giá trị xuất khẩu. Trong năm 2006-2007, công ty mở rộng địa bàn, chọn lựa giống cây có giá trị xuất khẩu cao đang được thị trường thế giới ưa chuộng như dưa bao tử, dưa thương phẩm, cà chua bi, ớt tươi đông lạnh, ớt muối.... xây dựng thành vùng nguyên liệu rau quả xuất khẩu tập trung và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN). Công ty đã trực tiếp cung ứng trước hạt giống, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu phòng trừ sâu bệnh đặc hiệu cho các nông hộ, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp chuyển giao kỹ thuật về cách gieo trồng và chăm sóc từng loại cây cho nông dân. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức cho lãnh đạo và bà con nông dân ở một số địa phương năm đầu thực hiện trồng ớt cho công ty đi tham quan, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa công ty với người sản xuất.

Các xã Hoằng Thành, Hoằng Phong (Hoằng Hóa) trước đây đã từng chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách đưa một số cây trồng như ngô ngọt, cà chua vào địa phương nhưng không có hiệu quả vì thị trường tiêu thụ không ổn định vì thế lại phải trở về với cây trồng truyền thống như ngô, lạc... năng suất hiệu quả không cao. Từ khi Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu rau quả, các xã trên đã mạnh dạn qui vùng, chuyển đổi một số cây trồng kém giá trị sang trồng ớt xuất khẩu, xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm. HTXDVNN Hoằng Phong qui đổi trên diện tích 5 ha ở một số thôn sang trồng cây ớt xuất khẩu, năng suất đạt trên 30 tấn/ha/vụ với giá 2.000 đồng/kg. Như vậy, với 2 vụ ớt, bà con thu được từ 110 đến 120 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đầu tư đúng mức cho vùng nguyên liệu nên năm 2007 Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa đã xuất khẩu chính ngạch hàng nghìn tấn dưa bao tử, ớt sang thị trường quen thuộc như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản với giá trị ngoại tệ trên 2 triệu USD.

Một vấn đề khác là, tỉnh đã có những mô hình sản xuất rau, hoa quả cho thu nhập trên trăm triệu đồng/ha nhưng cho tới nay, nhận thức về vị trí, vai trò và lợi ích của việc phát triển sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Hầu hết các địa phương đều chưa có quy hoạch cụ thể tạo thuận lợi cho việc tích tụ đất, lập trang trại để tạo ra được các vùng sản xuất lớn, tập trung, chuyên canh cho rau quả, sản xuất hàng hóa tạo sản lượng lớn ổn định, chất lượng cao... đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Cho tới nay, sản xuất của người nông dân vẫn chủ yếu theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống, dựa chủ yếu vào khai thác lợi thế tự nhiên, theo mùa vụ nên vào thời kỳ cao điểm của các mùa vụ thì lượng hàng hóa tập trung quá cao, không tiêu thụ nhanh thì thua lỗ nặng, nhưng trái vụ thì hầu như không có, không tạo được sản lượng đủ lớn, ổn định cho xuất khẩu. Sản xuất chủ yếu vẫn theo quy mô hộ gia đình. Quy mô sản xuất quá nhỏ bé khiến cho sản lượng hàng hóa không nhiều. Bên cạnh đó, việc mở rộng sản xuất cây rau quả phục vụ chế biến, xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn. Hợp đồng ký kết giữa một số doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Khi giá thị trường lên cao, nông dân bán sản phẩm ra ngoài hoặc bán lẻ ở chợ. Nhiều hộ nông dân còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích sinh trưởng tùy tiện nên sản phẩm không đạt yêu cầu.

Để sản xuất rau quả phục vụ chế biến, xuất khẩu đạt hiệu quả cao có rất nhiều vấn đề cần phải được đặt đúng vị trí và có sự quan tâm đúng mức. Trước hết, việc khuyến khích nhân rộng mô hình liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp là rất cần thiết. Cần có cơ chế hỗ trợ các HTX xây dựng mối quan hệ giữa người sản xuất và các nhà xuất khẩu. Ngành chức năng tăng cường các dịch vụ, cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến rau quả cho người sản xuất cũng như các tác nhân trung gian. Các địa phương khuyến khích nông dân áp dụng giống mới, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và chế biến rau quả, đầu tư xây dựng mô hình trồng rau quả chất lượng cao...

Nếu được quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức, trong thời gian không xa, vùng rau quả xuất khẩu ở tỉnh ta sẽ được mở rộng. Đây chính là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.




Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường