Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đang kiểm nghiệm “rau lớn như thổi” như thế nào?
21 | 03 | 2008
Liệu rau được phun thuốc kích thích tăng trưởng có thực sự "lớn nhanh như thổi"?
Mặc dù Chi cục Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã tiến hành thực nghiệm và có kết quả, nhưng dư luận vẫn chưa rõ thực hư trước những thông tin trái chiều về thuốc kích thích tăng trưởng “siêu tốc” trên rau.

Và mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã bắt đầu khoanh vùng trồng rau để tiến hành thử nghiệm phun thuốc.

VnEconomy đã trao đổi với TS. Bùi Sỹ Doanh, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - người chủ trì cuộc thử nghiệm - xung quanh vấn đề này.

Cục đã tiến hành thực nghiệm như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi thực nghiệm trên cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Ở miền Bắc sẽ thử nghiệm trên rau xà lách và rau cải, ở miền Trung và miền Nam trên rau cải. Bên cạnh việc dùng một loại thuốc trong danh mục được sử dụng, chúng tôi cũng dùng hai loại thuốc có tên hiệu là 920 và GA3, là các loại thuốc ngoài danh mục sử dụng, đã làm xôn xao dư luận sau khi báo chí đưa tin.

Mỗi loại thuốc sẽ được phun ba lần và phun với độ đậm đặc, trên mỗi ô rau với diện tích 50 m2 (đúng theo tiêu chuẩn để đảm bảo độ chính xác), tổng diện tích cả ba miền trên 1.100 m2. Đồng thời mỗi loại rau sẽ có một ô tương ứng không phun thuốc để làm đối chứng, sau mỗi lần phun sẽ được kiểm tra, đánh giá kết quả.

Thứ 6 này sẽ bắt đầu tiến hành phun thuốc ở Quảng Ngãi, thứ 2 tuần sau ở Tp.HCM và thứ 4 kế tiếp là Hà Nội. Dự tính, khoảng ngoài 20 ngày sẽ có kết quả thực nghiệm.

Theo ông, cuộc thực nghiệm này nhằm mục tiêu gì?

Để làm rõ bốn vấn đề. Một, để xác định xem thành phần, hàm lượng hoạt chất có trong hai loại thuốc 920 và GA3. Thứ hai, đánh giá mức độ kích thích sinh trưởng của thuốc đối với rau, cụ thể qua các chỉ số: chiều cao của cây, độ rộng tán lá, năng suất, hàm lượng diệp lục.

Thứ ba, đánh giá chất lượng của rau sau khi được phun thuốc kích thích tăng trưởng, cũng bằng các chỉ số, như: lượng vitamin, chất khô… Và cuối cùng là để xác định xem, mức độ lượng thuốc tồn dư qua từng thời điểm phát triển của rau ra sao.

Theo chủ quan của ông, khả năng gây ảnh hưởng của hai loại thuốc kích thích tăng trưởng ngoài danh mục này là như thế nào đến sức khỏe người sử dụng?

Điều đó cần phải đợi kết quả cuối cùng để xem có lượng tồn dư thuốc trên rau và các thành phần hoạt chất trong thuốc mới xác định được kết quả chính xác.

Nhưng cần phải khẳng lại rằng, thuốc kích thích sinh trưởng không phải là chất dinh dưỡng cho cây. Nó chỉ có tác dụng làm tăng quá trình trao đổi chất, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Còn 2-3 ngày mà thuốc kích thích làm cây rau sinh trưởng vượt bậc, theo tôi điều đó là không thể có.

Đối với việc phun thuốc kích thích sinh trưởng, thì chỉ sau 3- 4 ngày phun thuốc sẽ phân hủy hết. Còn nếu như thuốc kích thích làm cây tăng trưởng nhanh thì phải sau 7-10 ngày thuốc mới phát huy tác dụng, nghĩa là cây mới thực sự đến thời điểm tăng trưởng nhanh.

Nhưng giả sử hai loại thuốc ngoài danh mục trên để lại lượng tồn dư thì sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Điều đó cũng lại phải đánh giá xem lượng tồn dư của thuốc để lại trên cây rau là bao nhiêu. Vả lại, trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi còn phải xem hoạt chất của hai loại thuốc đó có tính năng như thế nào.

Theo nhận định của chúng tôi, trong thuốc GA3 có chứa hoạt chất Gibberelic Acids – là loại có tác dụng kích thích sinh trưởng, tác động vào tế bào của lá và thân làm cho lá và thân bị kéo dãn ra (chỉ về hình thức sinh khối), và được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại độc hạng 3 - loại độc thấp.

Được biết, trong lần thử nghiệm trước của Chi cục Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, ông cũng là người tham gia trực tiếp, vậy kết quả đó có chính xác? Mà nếu chính xác, thì tại sao phải thực nghiệm lại?

Đó là kết quả hoàn toàn đúng với quá trình thử nghiệm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến, do thời điểm thực nghiệm này giáp Tết nên thực hiện có phần "cập rập", thực nghiệm trong những ô nhỏ, có diện tích 10m2, chưa thực sự đủ tiêu chuẩn. Và nhiệt độ lúc đó cũng khá thấp, có ảnh hưởng đôi chút đến phát triển của cây xà lách.

Nhưng đặc biệt, sau đó, kết quả thử nghiệm độc lập của TS Nguyễn Văn Khải về thuốc kích thích sinh trưởng trên rau lại “gây sốc” cho dư luận. Và chính vì điều này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật phải nhanh chóng tiến hành thực nghiệm, để chính thức công bố kết quả cuối cùng, chính xác nhất, để giải tỏa dư luận xã hội.


Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường