Là người đứng đầu doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu rau quả, xin ông cho biết khái quát về tình hình rau quả xuất khẩu hiện nay?
Rau quả xuất khẩu từ Việt Nam chủ yếu vận chuyển bằng hai con đường là hàng không và đường biển. Hiện nay, rau quả của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu đến các nước và vùng lãnh thổ Đông Nam Á như: Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông, Singapore... và một số nước châu Âu như: Pháp, Đức, Hà Lan, Anh...
Những thị trường này đều đánh giá cao chất lượng cũng như tiềm năng của rau quả Việt Nam. Những mặt hàng đang xuất khẩu mạnh: thanh long, dứa tươi, cam, vải thiều, nhãn, suplơ trắng, súp lơ xanh, khoai tây, ớt... Hầu hết sản phẩm xuất khẩu là rau quả tươi, chưa qua chế biến. Những rau quả nhiệt đới, trái vụ đang là thế mạnh của Việt Nam và Thái Lan khi xuất sang thị trường Trung Quốc.
Giá xuất khẩu thường thấp hơn thị trường bán lẻ trong nước, vì xuất với số lượng nhiều, và sản phẩm phải bảo quản lâu nên giảm chất lượng, chẳng hạn thời điểm hiện tại: ớt tươi có giá FOB 0,6 USD/kg (giá trong nước là 12.000 đồng/kg); thanh long FOB 0,37 USD/kg (giá trong nước tại chợ Long Biên 8.000 đồng/kg).
Theo ông, đâu là điểm mạnh và yếu của mặt hàng rau quả Việt Nam so với các đối thủ đang cạnh tranh trong lĩnh vực này?
Rau quả của Việt Nam chất lượng tốt, nhưng mẫu mã sản phẩm và bao bì còn kém thẩm mỹ. Bưởi của Trung Quốc, Thái Lan không ngon bằng bưởi của nước ta, nhưng khi bưởi Trung Quốc xuất hiện tại châu Âu thì bưởi của ta không bán được, vì giá của họ thấp hơn 10-20 %, mẫu mã của họ đẹp hơn chúng ta rất nhiều nhờ khâu xử lý đánh bóng.
Nhiều sản phẩm của Thái Lan như xoài, chôm chôm, chuối, cam... mẫu mã rất đẹp, để tươi rất lâu, tuy nhiên khi ăn thì chất lượng không ngon. Mặt khác, các nước trong khu vực luôn cập nhật và đưa vào canh tác những giống mới lạ, chất lượng tốt, năng suất cao, như: dứa MD2, thanh long ruột đỏ, chôm chôm râu dài xanh, xoài ngọt... trong khi ở ta rất chậm nhận thức vấn đề này.
Vậy xuất khẩu rau quả hiện đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?
Xuất khẩu rau quả của ta đang gặp phải 4 vấn đề khó giải quyết: một là, chi phí vận chuyển của ta luôn cao gấp 1,5 lần đối với hàng không và từ 200-500 USD/công lạnh 40 ft. Thời gian vận chuyển là vấn đề vô cùng quan trọng đối với rau quả tươi, thế nhưng so với hàng hoá của các nước khác trong khu vực, chúng ta mất nhiều thời gian vận chuyển hơn, thường kéo dài thêm 6-10 giờ (khi vận chuyển bằng đường hàng không) và 5-6 ngày (khi vận chuyển bằng đường biển).
Hai là, công nghệ bảo quản của ta còn thô sơ và trình độ thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chủ yếu áp dụng phương pháp làm lạnh trước khi xuất hàng. Vải thiều Thái Lan bảo quản được 45 ngày, trong khi Việt Nam chỉ bảo quản được 15-20 ngày. Với nhãn, Thái Lan bảo quản được 50 ngày, chúng ta mới chỉ bảo quản được 20 ngày... Rất nhiều sản phẩm: khoai lang, chôm chôm, chuối, gừng, dứa tươi, măng cụt... vì chưa có phương pháp bảo quản phù hợp nên chưa thể vươn tới thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông...
Ba là, do khâu canh tác và sản xuất còn manh mún, sản lượng thấp, nhà xưởng đóng gói nhỏ lẻ, thu gom hàng hoá không dễ dàng. Trong khi đối tác nước ngoài thường đặt hàng với số lượng lớn, nên rất khó đáp ứng được nhu cầu của họ. Vì không gom đủ số lượng rau quả, nên chúng tôi nhiều lần phải từ chối những đơn đặt hàng lớn từ phía đối tác.
Bốn là, chất lượng rau quả của chúng ta còn thấp, chưa đáp ứng được các chỉ tiêu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhiều nước châu Âu.
Theo ông, Nhà nước và các doanh nghiệp nên có những biện pháp nào để thúc đẩy xuất khẩu rau quả?
Chúng tôi mong Nhà nước và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để đưa ra những chính sách thiết thực nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tháo gỡ các khó khăn về chi phí vận chuyển hàng hoá, cũng như việc xúc tiến thương mại. Đồng thời thúc đẩy các vùng nguyên liêụ tập trung và chuyên canh để sản xuất theo phương thức sản xuất hàng hoá, chất lượng đồng đều, sản lượng thu hoạch lớn, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Các nhà khoa học cần chú trọng hơn nữa trong việc nghiên cứu công nghệ bảo quản, chế biến hàng hoá, làm sao đạt mục tiêu: chi phí thấp, đơn giản, nhưng vẫn bảo lưu được chất lượng sản phẩm trong thời gian dài, đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và tiêu thụ. Các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nên liên kết với nhau để tạo nguồn sản lượng lớn, tạo thành chuỗi sản phẩm để cung cấp cho thị trường, xây dựng những khu chế xuất tập trung...