Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2009 đạt 9,0 tỷ USD
12 | 08 | 2009
Theo Bộ NN và PTNT, từ đầu năm đến nay những khó khăn về xuất khẩu mặc dù đã được tháo gỡ dần, nhưng do giá xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đều giảm mạnh nên kết quả chung tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước đạt gần 9,0 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản vẫn đạt được kim ngạch tương đương cùng kỳ năm ngoái là 5,36 tỷ USD; đồ gỗ và lâm sản chính 1,42 tỷ USD; thuỷ sản đạt 2,16 tỷ USD.

Cụ thể các mặt hàng chính như gạo xuất khẩu 7 tháng lên 4,37 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,01 tỷ USD, so cùng kì năm trước tăng tới 49,16% về lượng, nhưng chỉ tăng 6,02% về giá trị. Tổng xuất khẩu cà phê 7 tháng ước 812 nghìn tấn tăng 21,6% về lượng, giá xuất khẩu bình quân là 1.488 USD/T. Cao su xuất khẩu 7 tháng 316 nghìn tấn và 453 triệu USD. Tổng lượng chè xuất khẩu 7 tháng 64 nghìn tấn, thu về 78 triệu USD, tăng 10,56% về lượng, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.233 USD/tấn. Hạt điều đạt 90,3 nghìn tấn; hạt tiêu 83 nghìn tấn, giá xuất khẩu bình quân là 2.326 USD/T. Tháng 7, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước 190 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 1,32 tỷ USD. Thuỷ sản đạt 2,16 tỷ USD, đạt 48,1% kế hoạch và giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2008. Xuất khẩu tôm của Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng mạnh trên một số thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc.

Từ nay đến cuối năm, Bộ NN và PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương, các cơ quan ban ngành trong cả nước thành lập đoàn kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản tại một số tỉnh phía Bắc và phía Nam. Tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng GAP kết hợp quản lý thuốc bảo vệ thực vật cấp xã. Theo dõi sát tình hình sản xuất, chế biến nông sản, phát hiện những vấn đề về cân đối cung cầu, đề xuất giải pháp xử lý kịp thời, góp phần ổn định thị trường, phục vụ kịp thời cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản tăng cường nguồn lực để sản xuất đạt sản lượng cao nhất; chú trọng giữ vững uy tín thị trường quốc tế bằng chất lượng sản phẩm và điều kiện sản xuất đảm bảo ATVSTP; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp với vận động quốc tế để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho xuất khẩu nông sản vào các thị trường. Chỉ đạo các Trung tâm vùng triển khai kế hoạch kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản. Hoàn thiện Dự thảo Đề án tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến 2015, định hướng 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục xây dựng Danh mục các chỉ tiêu VSATTP và mức giới hạn cho sản phẩm nông lâm thủy sản.

Tiếp tục triển khai các nội dung Dự án đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP giai đoạn 2006 - 2010; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 2038/CT-BNN-QLCL ngày 13/7/2009 của Bộ về tăng cường kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, trước mắt tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm về an toàn VSTP đối với rau, quả, thủy sản và thịt.

Thuý Hiên - TTKNKNQG



Báo cáo phân tích thị trường