Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều ưu đãi tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn
11 | 08 | 2009
Tạo cơ chế phù hợp để các tổ chức tín dụng (TCTD) chuyển vốn về cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo cơ chế cho vay thương mại; có chính sách để khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và có chính sách hỗ trợ nông dân khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

Để khuyến khích các TCTD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Dự thảo quy định: Các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 50% trong tổng dư nợ thì không phải thực hiện việc chuyển 2% vốn huy động sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện cho vay theo chính sách.

Ngoài ra, các định chế tài chính thực hiện cho vay các đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế của Chính phủ ở nông thôn, được Chính phủ bảo đảm nguồn vốn cho vay từ ngân sách chuyển sang hoặc cấp bù chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của TCTD.

Hàng năm, các TCTD được trích một tỷ lệ thu nhập trước thuế để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực này, cụ thể: 5% đối với các TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 50% tổng dư nợ; 2% đối với các TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm từ 30% đến 50% tổng dư nợ. Khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Căn cứ vào đặc thù của cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các TCTD hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục về cho vay, bảo đảm tiền vay theo hướng đơn giản, thuận tiện và phù hợp với điều kiện về mặt bằng dân trí của người dân ở nông thôn.

Thời hạn cho vay do khách hàng và TCTD thỏa thuận, trên cơ sở thời gian sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng và thời gian luân chuyển vốn. TCTD được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản.

Mức cho vay tối đa không có bảo đảm bằng tài sản được quy định như sau: Đến 50 triệu đồng đối với các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; đến 200 triệu đồng đối với các hộ sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn; đến 500 triệu đồng đối với các đối tượng là chủ trang trại, hợp tác xã.

Nếu khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh…), TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng, đồng thời căn cứ dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ, xem xét cho khách hàng vay mới để phục vụ sản xuất kinh doanh. Việc cho vay mới không phụ thuộc vào dư nợ cũ của khách hàng.

Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, khi có thông báo của cấp có thẩm quyền, ngoài việc xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với nông dân và TCTD bị thiệt hại nặng, không có khả năng trả nợ.

Ngoài ra, vì sản xuất nông nghiệp có rủi ro rất cao, TCTD có chính sách ưu đãi lãi suất để khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp.



Theo cổng ttđtcp
Báo cáo phân tích thị trường