Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cho nông dân vay vốn mua hàng để kích cầu nội địa
09 | 04 | 2009
Nông dân và một số đối tượng khác sẽ được cho vay ưu đãi để mua nhiều loại hàng hoá trong chương trình “Hỗ trợ mua sắm, kích cầu tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước”.

Nội dung chương trình này đã được đưa ra bàn thảo tại Bộ Công Thương ngày 8/4, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu đã chủ trì hội nghị với sự tham dự của đại diện các bộ Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, NN-PTNT cùng một số hiệp hội. ngành hàng và các nhà bán lẻ.

Mở rộng khả năng thanh toán, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng đối với hàng nội, giúp ngăn chặn suy giảm kinh tế là những mục tiêu xuyên suốt của chương trình này.

Vì thế, ngoài đối tượng được hưởng lợi là các doanh nghiệp trong nước, người nghèo cũng là “nhân vật chính” của chương trình kích cầu tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, những đối tượng được hỗ trợ tập trung vào người dân nông thôn, hộ nghèo, công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp tập trung, học sinh, sinh viên. Trong đó, thị trường nông thôn được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai với thu nhập đầu người khoảng 6,1 triệu đồng/năm.

Thông qua các biện pháp hỗ trợ về tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là đối với các mặt hàng là vật tư đầu vào thiết yếu cho sản xuất (gống, phân bón, máy cơ khí nông nghiệp...) người nông dân sẽ có khả năng thanh toán, từ đó khơi thông đầu vào cho hàng hóa.

Phương thức hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ trực tiếp cho người dân nông thôn thông qua việc cho vay với lãi suất ưu đãi, cho mua trả góp, trả chậm không tính lãi. Hỗ trợ gián tiếp thông qua các ưu đãi về thuế và lãi suất dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối máy móc, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, chương trình còn chú trọng đến hỗ trợ mua sắm hàng công nghiệp tiêu dùng. Đây là chương trình tín dụng khuyến khích tiêu dùng cho người dân nông thôn thông qua cho vay ưu đãi hoặc vay không tính lãi. Hình thức này hiện được các ngân hàng thương mại thực hiện với điều kiện phải có thế chấp hoặc xem xét đối tượng có khả năng chi trả, thu hồi vốn cao.


Chương trình này đề nghị cho phép sử dụng hình thức tín chấp cho người dân nông thôn vay ưu đãi hoặc thế chấp bằng tài sản được mua.


Bộ Công Thương và các Bộ ngành cũng đang cân nhắc phương án phát miễn phí phiếu mua hàng với các mệnh giá từ 100.000 – 500.000 đồng, dành cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (quần áo, giày dép, thực phẩm, giấy vở… ) do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Với 2,8 triệu hộ nghèo, nếu triển khai kinh phí dành cho chương trình này sẽ lên tới 1.400 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí hỗ trợ cước phí vận tải cho doanh nghiệp tổ chức cung ứng hàng hóa cho người dân).

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết, chương trình này là một trong nhiều nội dung Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai tổng thể các gói giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 30 của Chính phủ. Nếu triển khai trúng đối tượng thì nhiệm vụ phục hồi sản xuất, đảm bảo GDP tăng 5% có khả năng đạt được.



Nguồn: vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường