Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành điều và cao su “khát” vốn
08 | 05 | 2009
Vừa qua, báo DĐDN đã có bài viết về DN nông nghiệp khó tiếp cận với vốn. Thực tế tìm hiểu ngành điều và ngành cao su tại VN cho thấy, các DN này không chỉ khó mà còn đang “khát vốn”.

Bà Trần Thị Thúy Hoa- Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su VN cho rằng, nguồn vốn kích cầu nông nghiệp với cơ chế ưu đãi lãi suất nên ưu tiên cho các DN vay để tiêu thụ nông sản với giá ổn định. Hiện dù giá cao su thấp hơn trước đây rất nhiều, dao động khoảng 26 đến 28 triệu đồng/tấn, nhưng người sản xuất ngành cao su vẫn có lãi. Tuy nhiên, dự báo giá có thể xuống thấp vào mùa cao điểm của sản lượng và rất có khả năng sản lượng cao su lớn hơn nhu cầu, gây ứ đọng thiệt hại cho người trồng cao su. Vì vậy các DN ngành cao su đang rất cần nguồn vốn khoảng 2.000 đến 3.000 tỷ đồng để mua cao su dự trữ, đợi giá lên mới XK.
Việc hỗ trợ vốn cho DN mua cao su nguyên liệu sẽ giúp ổn định và nâng cao đời sống của hàng trăm ngàn lao động trong các Cty cao su và hàng chục ngàn hộ nông dân trồng cao su tiểu điền duy trì được vườn cây trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Thực tế, hiện nhiều vườn cao su đã tạm ngưng khai thác vì giá XK thấp. Nếu tình trạng này kéo dài thì người trồng cao su sẽ không có thu nhập, bà Hoa nhận xét.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Thanh - Q. Chủ tịch Hiệp hội Điều VN cũng cho rằng ưu tiên hỗ trợ vốn cho các DN tiêu thụ nông sản với giá ổn định sẽ ổn định đời sống cho khoảng 500.000 lao động ngành chế biến điều, và hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng điều, nâng cao đời sống nông thôn. Ông Thanh cho biết: Hiện DN ngành điều đang cần một nguồn vốn trên 10 triệu USD, để nhập khẩu khoảng 200.000 tấn điều thô làm nguyên liệu sản xuất, và tiêu thụ điều thô cho nông dân trong nước với giá ổn định. Việc mua nguyên liệu ngay từ bây giờ có tính chất quyết định cho sản xuất ngành điều năm 2009.

Ông Nguyễn Đức Thanh cũng nhận định, đương nhiên, nguồn vốn kích cầu phải được quản lý chặt chẽ, giúp phát triển nông nghiệp nông thôn nhưng việc cho vay vốn kích cầu phải có cơ chế riêng, thật sự thông thoáng chứ không thể quản lý theo cách quản lý thông thường hiện nay của các ngân hàng. Nên quản lý bằng cách cho vay theo mục đích, theo phương án sản xuất thực sự hiệu quả. Ai cũng biết chủ trương của chính phủ là hỗ trợ vốn kích cầu nông nghiệp nông thôn, những thực tế cho đến hôm nay, rất ít các DN ngành điều vay được vốn kích cầu. Đơn cử như DNNVV, vay vốn kích cầu theo cơ chế được ngân hàng phát triển VN bảo lãnh thì DN ngành điều gần như không thể vay được nguồn vốn này vì một trong những điều kiện được vay là phải có ít hơn 500 lao động/DN, trong khi ngành điều là ngành sử dụng lao động phổ thông rất nhiều. Lẽ ra sử dụng nhiều lao động phải được khuyến khích vì tạo ra được nhiều việc làm, thì lại là rào cản vay vốn kích cầu !

Một khó khăn nữa là thực tế, các ngân hàng phải quản lý nguồn vốn sao cho an toàn và hiệu quả. Vì thế mà họ vẫn thích cho các DN lớn, uy tín, có tiềm lực kinh tế mạnh vay vốn hơn là cho các DN nhỏ hoặc cho hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ vay, thế là vô tình vốn kích cầu tập trung vào các DN lớn.

Để giải quyết các vướng mắc trên, tiến sĩ Huỳnh Văn Khiết- GĐ Cty cao su Đăk Lăk cho rằng, Nhà nước nên rót vốn ngân sách kích cầu vào những dự án cụ thể chắc chắn sẽ nâng cao đời sống nông thôn- nông dân lại dễ quản lý  như: Tìm giải pháp và hỗ trợ tiêu thụ nông sản, làm đường giao thông, thủy lợi, trồng rừng, làm nhà cho người nghèo, dạy nghề miễn phí, miễn tiền điện cho nông dân...



Nguồn: www.dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường