Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bình Phước: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chủ động hội nhập WTO
29 | 07 | 2007
Ngành cao su Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, có kim ngạch xuất khẩu chỉ từ vài chục nghìn USD/ năm rồi đến vài trăm triệu USD/ năm^, trong các năm trước đây thì đến năm 2006, toàn ngành dự kiến sẽ đạt mức kỹ lục về xuất khẩu sản phẩm cao su với kim ngạch đạt trên 1tỷ 300 triệu USD. Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VGR) đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và sẵn sàng hội nhập vào sân chơi WTO

* Khai thác tốt tiềm năng, mở rộng thị trường xuất khẩu

Hiện nay, cây cao su không những phát triển mạnh ở miền Đông Nam bộ, Tây nguyên và các tỉnh miền Trung mà còn được trồng ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An..., nếu như đến năm 1995 cả nước nước chỉ có 181.000 ha cao su thì đến thời điểm hiện nay, diện tích trồng cao su cả nước là 454.000 ha, ( trong đó khu vực quốc doanh chiếm trên 70 % diện tích) với tổng sản lượng trên 550.000 tấn/ năm.

Về năng suất, sản lương mủ cao su khai thác cũng đã liên tục tăng theo từng năm. Nếu như trước đây, năng suất bình quân mủ cao su, chỉ đạt từ 5 đến 8 tạ/ ha/ năm, thì trong những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, lai ghép và đưa vào trồng cao su giống mới, tổ chức luyện tay nghề, thi thợ cạo mủ giỏi..., nên năng suất trung bình của toàn ngành cao su đã đạt 1,75 tấn/ ha/ năm, tăng gấp hai lần năng suất so với trước. Đặc biệt, hiện nay toàn ngành cao su đã có 37 nông trường đạt năng suất từ 2 tấn mủ/ha/năm trở lên (và chiếm khoảng 50 % tổng diện tích của toàn ngành có năng suất đạt 2 tấn/ ha/ năm). Hầu hết các công ty thành viên, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã nhận được chứng chỉ chất lượng ISO 9002. Nhờ không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất và quản lý nâng cao năng suất, chất lượng, nên sản lượng xuất khẩu hàng năm của toàn ngành cũng tăng nhanh. Năm 1990, sản lượng mủ cao su xuất khẩu của cả nước mới đạt 76.000 tấn, năm 1996 tăng lên 265.000 tấn, năm 2000 là 280.000 tấn. Đến năm 2005, sản lượng cao su xuất khẩu của cả nước đã tăng gần gấp hai lần so với trước đó với sản lượng đạt 550.000 tấn. Trong 11 tháng năm 2006, kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước đã đạt 659.000 tấn với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 200 triệu USD.

Hiện nay, sản phẩm cao su Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường các nước và khu vực như: Trung Quốc, Xingapo, Malaixia, Nhật bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Bỉ, Italya, Nga và các nước thuộc khối SNG ( cũ ) ... Trong đó , Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su nguyên liệu của Việt Nam chiếm gần 60 % khối lượng cao su xuất khẩu. Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có các công ty trực thuộc chiếm sản lượng xuất khẩu cao là: Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Dầu Tiếng, Công ty Cao su Bình Long, Công ty Cao su Phú Riềng, Công ty Cao su Phước Hòa...

* Đa dạng hóa sản phẩm và ngành nghề kinh doanh

Theo Quyết định số 248/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có chức năng kinh doanh đa ngành, hoạt động chính là trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su đồng thời gắn kết chặt chẽ với khoa học công nghệ và đào tạo để làm nòng cốt thúc đẩy ngành công nghiệp cao su phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

Theo đó, cơ cấu tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện nay, gồm có công ty mẹ (VRG) là công ty Nhà nước và các đơn vị thành viên: 3 công ty do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ (Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Tổng Công ty Công nghiệp cao su, Tổng Công ty Cao su Việt - Lào) và hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con; có 2 công ty con, do công ty mẹ nắm giữ 100% vồn điều lệ là : Công ty Cao su Dầu Tiếng và Công ty Tài chính cao su, có 4 công ty cổ phần, công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH), do công ty mẹ nắm giữ 50% vốn điều lệ ( Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Hố Nai, Công ty Cổ phần sông Côn, Công ty TNHH BOT 741 Bình Dương), có 22 công ty cao su trực thuộc sẽ cổ phần hóa, có 11 công ty cổ phần, do công ty mẹ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ và 4 đơn vị sự nghiệp có thu, do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ cao su, Trung tâm Y tế cao su, Tạp chí Cao su Việt Nam).

Như vậy, hiện nay, ngoài hoạt động chính trồng, chăm sóc khai thác và không ngừng mở rộng diện tích để nâng cao sản lượng mủ xuất khẩu với mô hình trên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành nghề trên các lĩnh vực như: tài chính, xây dựng khu công nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, chế biến gỗ cao su xuất khẩu, xây dựng, phát triển chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng cao su ở các nông trường.... Hầu hết, các công ty con hoạt động trên các lĩnh vực trên đã và đang đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động ở các địa phương và tăng mức thu nộp vào ngân sách.

Ngoài việc đang đầu tư trồng cao su ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và đã thành lập Tổng Công ty cao su Việt - Lào (công ty con), vừa qua Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã khảo sát và ký kết với chính quyền ở các tỉnh vùng Đông Bắc của Vương Quốc Campuchia là Karrtíe, Kongphongthonm và Munđunkiri, chuẩn bị xúc tiến đầu tư trồng mới 120.000 ha cao su tại 3 tỉnh trên vào năm 2007.

Tiềm năng và cơ hội phát triển ngành cao su Việt Nam đang mở rộng và tiến về phía trước, nhất là Việt Nam khi đã là thành viên chính thức của WTO. Vì vậy, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đang đứng trước thời cơ và những thách thức không nhỏ khi hội nhập./.



TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường