Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su đã hoạt động
25 | 06 | 2007
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, cuối năm 2006 vừa qua, Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su đã chính thức đi vào hoạt động. Hiệp hội cho biết, điều này xuất phát từ thực tế là giá cao su tuy thuận lợi trong mấy năm gần đây nhưng tình hình rất dao động. ^Nhằm góp phần khắc phục và hạn chế rủi ro trong xuất khẩu cao su, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tài chính lẫn nhau giữa các hội viên trong Hiệp hội, Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất thống nhất thành lập.

Quỹ bảo hiểm có tư cách pháp nhân và con dấu riêng. Nguồn đóng góp chủ yếu cho quỹ là khoản trích từ doanh thu xuất khẩu và xuất khẩu ủy thác của các thành viên. Khoản đóng góp này được hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Quỹ được sử dụng để hỗ trợ cho các thành viên của Quỹ trong năm xuất khẩu cao su bị lỗ do mặt hàng mới, thị trường mới, hoặc do giá cao su giảm đột ngột, gặp rủi ro trong quá trình xuất khẩu do các nguyên nhân khách quan. Quỹ còn hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn để tạm trữ cao su chờ xuất khẩu, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, cho hội viên vay ngắn trung hạn để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị công nghệ chế biến cao su...

Có thể nói năm 2006, thị trường cao su xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi. Giá xuất khẩu đầu năm tăng cao, vào những tháng cuối năm tuy có giảm nhưng mức giá bình quân năm 2006 vẫn hơn các năm trước. Sản lượng cao su khai thác năm qua đạt trên 550.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay, trên 1,3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, mặt hàng đồ gỗ cao su xuất khẩu cũng tăng trưởng khá tốt, ước đạt 180 triệu USD, chiếm khoảng 10% so với tổng kim ngạch đồ gỗ xuất khẩu.

Theo dự đoán của Hiệp hội Cao su Việt Nam, vào năm 2007 này, thị trường giá cả nguyên liệu cao su vẫn ở mức cao và thường xuyên biến động. Công nghiệp chế biến sản phẩm cao su trong nước sẽ chịu nhiều sức ép từ sự cạnh tranh của các nước khác sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nguyên liệu gỗ cao su vẫn phải tiếp tục lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Đầu ra là xuất khẩu trực tiếp sản phẩm gỗ thay vì qua một số đối tác trung gian như lâu nay một số doanh nghiệp vẫn làm.

Năm 2006, Hiệp hội Cao su được Bộ Thương mại giao chủ trì chương trình xúc tiến thương mại toàn ngành. Kế hoạch xúc tiến thương mại của ngành là tổ chức 5 đoàn khảo sát thị trường cao su tại Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Malaysia, Thái Lan và Ucraina, Trung Quốc; một lớp đào tạo trong nước về sàn giao dịch và mua sách, tạp chí cao su nước ngoài.

Những nỗ lực xúc tiến đó đã mang lại những kết quả bước đầu. Chẳng hạn, tập đoàn tài chính Indochina Capital đang tiếp xúc với một số hội viên trong việc đầu tư cổ phiếu và công nghiệp chế biến lốp xe. Một số doanh nghiệp nước ngoài đang liên hệ với Hiệp hội và hội viên để thảo luận các kế hoạch hợp tác kinh doanh sản xuất.



VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường