Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xem Trung Quốc phát triển "Tam nông"
06 | 08 | 2009
Vừa qua, TS Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Quốc gia đã dẫn đầu đoàn Bộ NN-PTNT sang thăm quan và học hỏi kinh nghiệm trong công tác khuyến nông, đào tạo và cung cấp thông tin cho nông dân tại Trung Quốc. PV NNVN ghi lại một số câu chuyện xung quanh chuyến đi này.

Mưa dầm thấm lâu  
Ngoài tờ báo Nông nghiệp cùng nhiều phụ bản phát hành đến tận xã, Trung Quốc còn xây dựng một hệ thống cung cấp thông tin và dạy nông dân qua truyền hình, phát 24/24 giờ. Chính sách này được người Trung Quốc gọi là "mưa dầm thấm lâu".

Dạy nghề nông qua truyền hình
Trường Phát thanh truyền hình (PTTH) nông nghiệp TƯ, Trung tâm đào tạo nông dân quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc được thành lập năm 1980. Cơ quan này có nhiệm vụ đào tạo nông dân, giới thiệu và phổ biến KHKT cho nông dân, tuyên truyền về chính sách pháp luật nông nghiệp và cung cấp thông tin thời sự về nông nghiệp nông thôn. Một năm Chính phủ đầu tư cho cơ quan này khoảng 20 triệu nhân dân tệ.

Tại TƯ cơ quan này chỉ có 150 người, nhưng mỗi năm họ phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, đảm bảo đủ chương trình để phát sóng 24/24 giờ trên 4 kênh truyền hình vệ tinh và kênh CCTV7 đài truyền hình quốc gia. Ông Điền Sơn, Phó hiệu trưởng trường PTTH nông nghiệp TƯ cho hay, qua truyền hình, trường đã đào tạo KHKT mới cho 560 ngàn nông dân, chuyển đổi nghề nghiệp cho 970 ngàn và đào tạo kĩ thuật thực hành nông nghiệp cho khoảng 29 triệu lượt người.

Hệ thống PTTH và đào tạo này được nối dài từ TƯ xuống đến địa phương. Ngành nông nghiệp có trách nhiệm xây dựng chương trình còn các đài PTTH TƯ hay địa phương buộc phải dành thời lượng cho nông nghiệp nông thôn miễn phí. Tại cấp tỉnh và cấp huyện đều có trường PTTH nông nghiệp và trung tâm đào tạo nông dân thuộc ngành nông nghiệp. Còn tại cấp xã, cụm xã thì có đài phát thanh, các phòng thu vệ tinh, phòng tài liệu sách báo băng đĩa về khoa học kĩ thuật. Nông dân đến xem và đọc hoặc mượn mang về nhà không phải trả tiền. Toàn bộ nhân lực ở địa phương của hệ thống này khoảng 100 ngàn người. Ngân sách hoạt động phần lớn do địa phương đảm nhiệm.

Dù từ TƯ đến cấp huyện đều được đầu tư trường quay, phòng in ấn tài liệu để sản xuất chương trình, in tài liệu phục vụ nông nghiệp nông thôn, nhưng với thời lượng rất lớn, những cơ quan này không thể đảm bảo đủ chương trình, vì thế chúng tôi thường xuyên phải đi thuê làm. Ngân sách các địa phương bỏ ra mỗi năm lớn hơn TƯ rất nhiều. Nông dân có nhu cầu học gì, biết KHKT về cây con gì, chương trình sẽ xây dựng theo nhu cầu đó. Theo điều tra, có 30% nông dân thích được đào tạo qua truyền hình và báo chí, 8% thích được đào tạo qua băng đĩa - Ông Điền Sơn, Phó hiệu trưởng trường PTTH nông nghiệp TƯ, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
 
Ông Điền Sơn cho biết, chủ trương của Chính phủ Trung Quốc là cố gắng cung cấp thật nhiều thông tin và liên tục cho nông dân, đảm bảo nông dân không bị “đói” thông tin. Vì thế, bất kì nông dân nào trên đất nước Trung Quốc đều có thể xem những chương trình đào tạo, tập huấn kĩ thuật, thông tin thời sự về nông ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Đối với những thông tin thời sự về nông nghiệp nông thôn mang tính cấp thiết, như cúm gia cầm, lũ lụt… kênh truyền hình vệ tinh sẽ phát trực tiếp và tất cả các trạm thu trên cả nước truyền trực tiếp đến nông dân. Qua đó nông dân có thể biết được nhanh nhất dịch đã lan đến đâu, nguy hiểm như thế nào, làm thế nào để phòng chống. "Những năm qua, những vấn đề như lũ lụt, dịch bệnh… truyền hình nông nghiệp đã góp phần tích cực vào việc giảm thiểu tối đa thiệt hại. Cơ quan chức năng nhà nước có thể đưa chủ trương đến dân nhanh nhất, còn người dân thực sự cảm thấy lo lắng và chủ động trong phòng chống”, ông Điền Sơn nói. 

Đường dây nóng cho nông dân
Trung tâm thông tin thuộc Cục Nông nghiệp, thành phố Cao Thành, tỉnh Hà Bắc được bố trí một trường quay, một phòng đọc tài liệu, một phòng chuyên gia trực đường dây nóng, một phòng xem truyền hình và băng video về kĩ thuật nông nghiệp. Nông dân trong thành phố quan tâm đến bất cứ vấn đề gì về nông nghiệp đều có thể đến đây đọc tài liệu, xem truyền hình hay các đĩa CD, VCD và được các chuyên gia nông nghiệp tư vấn trực tiếp miễn phí. Nông dân cũng có thể mượn các tài liệu mang về đọc.

Với chính sách “mưa dầm thấm lâu”, các phương tiện thông tin của Trung Quốc “buộc” nông dân phải nắm bắt các thông tin về kĩ thuật, thị trường, ngành nghề mới… Hiệu quả đào tạo qua hệ thống truyền thông chỉ bằng 1/3,1/4 so với đào tạo trực tiếp nhưng rõ ràng về lâu dài đây là một điểm đáng học hỏi. (TS. Tống Khiêm, GĐ Trung tâm KNKN quốc gia)
 
Trong trường hợp không có thời gian đến trung tâm này thì nông dân có thể gọi trực tiếp đến đường dây nóng của trung tâm. 10 chuyên gia có chuyên môn sâu về nông nghiệp sẽ trả lời, tư vấn qua điện thoại cho nông dân những vấn đề nông dân quan tâm, thắc mắc. Ông Kinh, một chuyên gia ở đây cho hay, mỗi ngày có thể nhận hàng trăm cuộc điện thoại của nông dân. Có những vấn đề nông dân đòi được tư vấn rất khó, nhưng cũng có những vấn đề rất dễ, như vì sao hôm qua tôi cho con bò của tôi ăn sắn, hôm nay nó bỏ ăn. Những trường hợp dễ chúng tôi tư vấn được ngay, những trường hợp khó thì sẽ báo cáo Cục, Cục sẽ cử cán bộ chuyên môn xuống trực tiếp xem xét. Nhìn chung, hiệu quả mang lại cho nông dân và cơ quan quản lí nhà nước là rất rõ rệt.

Hà Bắc là tỉnh nông nghiệp trọng điểm của Trung Quốc với hai cây chủ lực là ngô và lúa mì. Với dân số khoảng 68 triệu người, canh tác trên diện tích đất nông nghiệp khoảng 120 ngàn km2, lớn hơn nhiều so với diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Hà Bắc cho hay, để đảm bảo an ninh lương thực, ngô và mì của Hà Bắc sản xuất ra chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước.

Chính phủ và tỉnh Hà Bắc có những chính sách đặc biệt cho nông dân, ví dụ đảm bảo cho nông dân có thu nhập ở mức trung bình trở lên, đào tạo nông dân làm nông nghiệp hoặc đào tạo nông dân chuyển sang nghề khác đều được miễn phí. Khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp làm công nghiệp và đô thị thì đơn vị được giao đất phải có tránh nhiệm cạo lớp đất màu trên mặt đi mới được xây dựng. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đang chọn Hà Bắc là tỉnh điểm để thực hiện các chính sách ưu đãi đối với nông dân và nông nghiệp. Vì thế, mỗi thôn, xã ở Hà Bắc đều mở các lớp đào tạo nông dân miễn phí. Tại các cụm xã đều có phòng chuyên gia tư vấn cho nông dân, giải đáp ngay tức khắc những vướng mắc của nông dân vể chính sách, kĩ thuật, thông tin thị trường...

(Theo NNVN)



Báo cáo phân tích thị trường