Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đức giúp Việt Nam bảo vệ rừng Tam Đảo.
26 | 06 | 2007
Với sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ), Ban quản lý rừng quốc gia Tam Đảo và rừng quốc gia Bavaria (Đức) sẽ hợp tác triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, phát triển rừng bền vững.

Thoả thuận về sự hợp tác này đã được ký hôm nay 7/9 tại tỉnh Vĩnh Phúc, giữa đại diện Ban quản lý rừng quốc gia Tam Đảo và rừng quốc gia Bavaria.

Theo thoả thuận, việc bảo vệ rừng sẽ được thực hiện thông qua việc tổ chức các khoá đào tạo cho kiểm lâm, nhân viên của ngành du lịch, lập một trung tâm thông tin về môi trường.

Ngoài ra, phía Đức sẽ hỗ trợ thanh thiếu niên Việt Nam tham gia cắm trại tại rừng Bavaria theo dự án của UNESCO, nhằm tạo điều kiện cho thế hệ trẻ các nước có thể tìm hiểu sự đa dạng của trái đất. Lều trại của Việt Nam sẽ giới thiệu mô phỏng đời sống của người dân tộc Tày sống ở Tam đảo.

Hoạt động hợp tác trên nằm trong khuôn khổ giai đoạn 2 của dự án Phát triển rừng Quốc gia Tam Đảo và vùng đệm (gồm ba tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên) do GTZ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện từ năm 2006 đến 2009, với khoảng 1,5 triệu euro viện trợ không hoàn lại của phía Đức.

Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong giai đoạn 2003-2006, phía Đức đã tài trợ 1,79 triệu euro, được thực hiện tại 26 làng thuộc 8 huyện của 3 tỉnh Vĩnh Phúc,Thái Nguyên và Tuyên Quang, với mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ thiên nhiên môi trường.

Rừng Quốc gia Tam Đảo có tổng diện tích khoảng 36.900ha, cách Hà Nội khoảng 70km về phía Bắc, là một trong những rừng quốc gia lớn nhất ở Việt Nam. Hệ sinh thái rừng ở đây khá phong phú, có khoảng 1.300 loài thực vật và 1.200 loài động vật, trong đó có rất nhiều loài quí hiếm chỉ có ở Tam Đảo hoặc miền Bắc Việt Nam.

Tuy vậy, do sức ép dân cư và việc quản lý không đầy đủ nên trong thời gian qua nguồn lực tự nhiên của rừng Quốc gia Tam Đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến việc phá huỷ các tầng thực vật thấp, nhiều loại động, thực vật quí hiếm có nguy cơ cạn kiệt./.



Theo TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường