Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các loại nông sản, nhất là hoa quả nhiệt đới, là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Bugari và được thị trường này ưa chuộng. Việt Nam cũng có thể nhập khẩu từ Bungari lúa mì, giống gà, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân u rê, máy móc nông nghiệp.
“Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam sang Bungari hiện vẫn còn nhỏ, chủ yếu thông qua nước thứ 3”, Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến bảo vệ và phát triển trồng rừng mới, năm 1995 độ che phủ rừng là 28% thì đến cuối năm 2007 đã đạt khoảng 39%. 13 triệu ha rừng hiện có, của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy vậy, đóng góp của rừng với nền kinh tế còn thấp, thu nhập của người trồng rừng chưa cao.
Về phía Bungari, ông Stephan Iurukov cho biết, với diện tích rừng chiếm tới 1/3 lãnh thổ, chăn nuôi thú rừng là một thế mạnh của nước này.
Hai bên cũng thảo luận về sự cần thiết phải xây dựng một cơ chế hợp tác linh hoạt nhằm khai thác được chất xám từ các nhà khoa học để mang lại lợi ích cho cả hai bên. Phía Việt Nam gợi ý phương hướng tập trung đầu tư xây dựng các xí nghiệp liên doanh tại Bugari để sản xuất, chế biến và cung cấp cà phê, chè, hoa quả hộp cho thị trường Bugari và các nước lân cận.
Đoàn Chủ tịch Cơ quan Nhà nước và Lâm nghiệp Bungari do ông Stephan Iurukov dẫn đầu đến Việt Nam từ ngày 12 đến 16/5/2008. Trong thời gian này, đoàn đã có các buổi làm làm với Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trường Đại học Lâm nghiệp và đi thực tế tại một số địa phương.