Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Bỏ lỡ quá nhiều thời cơ!
03 | 03 | 2008
Ngày 1/3, Bộ NN- PTNT đã có buổi gặp mặt với 55 Tham tán thương mại vừa trở về từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để tìm biện pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới…

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên: Kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu năm 2008 là 22%, tuy nhiên, với tình hình hiện nay phải tăng lên 25% mới đảm bảo yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Trong đó, có vai trò lớn của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo được nguồn hàng cung cấp ổn định với số lượng lớn, đảm bảo ATVSTP, kiểm dịch động, thực vật để vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm như: Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu…

Do hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản đều được giá do vậy, trong năm 2007, kim ngạch XK các mặt hàng chủ lực đều tăng mạnh như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gạo, thủy sản. Tuy nhiên, cũng nảy sinh nhiều vướng mắc cần sự phối hợp của các Thương vụ VN tại nước ngoài để sớm khắc phục. Tại thị trường Mỹ, sản phẩm đồ gỗ đang đứng trước nguy cơ về rào cản thương mại.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nguyễn Tử Cương đã dẫn chứng hàng loạt khó khăn trên nhiều thị trường. Tại EU, năm 2007, sản phẩm mật ong bị cấm xuất khẩu do Chương trình kiểm soát dư lượng kháng sinh và thuốc BVTV, Chương trình giám sát bệnh thối ấu trùng.

Thịt lợn, bò bị cảnh báo do không có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mỳ, trứng cũng bị “huýt còi” do sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng cách. Các sản phẩm thực vật như rau gia vị, rau chân vịt, nước tương, nước thạch dừa đều bị cảnh báo do không đảm bảo yêu cầu của phía bạn. Tại thị trường Hông Kông và Đài Loan, trái thanh long và chè đều bị đình chỉ do thanh long nhiễm ruồi đục quả, còn chè có dư lượng thuốc BVTV…

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, các Tham tán thương mại đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót của hàng nông, lâm, thủy sản trong nước.

Ông Bùi Quang Hào, Tham tán tại Hàn Quốc cho biết, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu tới 1 tỷ USD rau, quả nhưng sản phẩm của VN lại không vào được. Năm 2005, phía Hàn Quốc đã cử cán bộ sang VN để làm việc về vấn đề kiểm dịch thực vật. Thế nhưng 3 năm nay cũng không tiến triển gì. Phía Hàn Quốc cho rằng, Cục BVTV VN không hề sốt sắng mà chỉ đưa ra chung chung là có 10 loại quả ưu tiên xuất khẩu.

Ông Nguyễn Chí Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương, nguyên Tham tán thương mại tại Mỹ) nhận định: Chúng ta luôn bị động, chậm trễ trước tín hiệu cảnh báo của thị trường. Khi manh nha có thông tin tôm đông lạnh bị kiện bán phá giá, Trung Quốc đã ngay lập tức chuyển sang mặt hàng tôm bột với sản lượng tăng 3- 4 lần. Trong khi đó chúng ta chỉ chăm chăm theo kiện.

Ông Kiên nhắc nhở: Sản phẩm đồ gỗ tới đây không đa dạng mặt hàng thì cũng có thể gặp khó khăn. Với 1,5 triệu người Việt sang sinh sống tại Mỹ nên mặt hàng thực phẩm chế biến có tiềm năng rất lớn để vào thị trường này, nhưng hiện nay chỉ thấy nước mắm Thái Lan, bánh trung thu Hồng Kông mà không có các sản phẩm VN. Mỹ là một thị trường lớn nên cũng cần một nguồn hàng lớn, thường xuyên. Trong khi đó, một số DN Việt Nam sớm tự mãn. Nhiều DN cà phê hiện không muốn phân loại, chọn lọc, nâng chất lượng trước khi xuất hàng với lý do: Xuất thô cũng lãi lớn rồi. Với tâm lý làm ăn như vậy thì làm sao hàng nông sản VN vào được những thị trường cao cấp?

Ông Hồ Ngọc Phi, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế- văn hóa VN tại Đài Bắc (Đài Loan) cho biết, thanh long, chè bị đình chỉ cũng bởi sản lượng xuất khẩu năm 2007 tăng quá nhanh, chè tăng 67%, rau quả tăng 90%. Sau khi làm việc, phía bạn đã tạm thời không áp dụng đình chỉ xuất khẩu và yêu cầu chúng ta phải khắc phục ngay. Do vậy, việc quan trọng lúc này là các cơ quan chuyên môn hai bên phải nhanh chóng làm việc, ra được một văn bản về kiểm dịch động, thực vật.

Ông Vũ Trọng Nghĩa, Tham tán tại Liên bang Nga lo ngại, phía Nga có những quy định “không giống ai”. Chỉ cần một bao chè, vừng có mọt là họ cấm xuất khẩu ngay. Do vậy, xuất khẩu nông sản sang Nga là cực kỳ nhạy cảm. Hiện nay, phía Nga có nhu cầu rất lớn về dứa, dưa chuột, hạt tiêu nhưng trong nước lại không có DN nào đáp ứng được số lượng lớn.

Kết luận buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Lương Lê Phương khẳng định: Những nhận định, ý kiến của các tham tán là rất quan trọng để ngành nông nghiệp định hướng xuất khẩu. Thứ trưởng cũng lưu ý các Cục, Vụ trong việc phối hợp thông tin với các Hiệp hội, DN và Thương vụ. Đáng ra, “biết đến đâu trả lời đến đó” thì ở ta lại có tình trạng, đồng ý thì trả lời một cách sốt sắng, còn không đồng ý là bỏ qua, không trả lời.



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường