Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có nên đánh thuế xuất khẩu gạo trên 800 đô la Mỹ/tấn?
12 | 09 | 2008
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chưa áp dụng thuế xuất khẩu gạo (thuế tuyệt đối) với các hợp đồng xuất khẩu gạo có giá FOB ở mức dưới 800 đô la Mỹ/tấn. Trong thực tế, gạo xuất với giá FOB từ 800 đô la Mỹ/tấn trở lên thuộc loại gạo cao cấp, xuất sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU.
Loại gạo này đạt vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, khâu sản xuất - sinh học trên đồng ruộng áp dụng tiêu chuẩn GAP. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu loại gạo này, một mặt phải liên kết chặt chẽ với nông dân, giúp họ tổ chức lại sản xuất, đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và hỗ trợ công tác khuyến nông áp dụng GAP trên vùng lúa chuyên canh. Việc sản xuất lúa phải tập trung với quy mô lớn mới có thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng.

Đó chính là việc thực hiện sản xuất theo hợp đồng (contract farming) như QĐ 80/TTg của Thủ tướng Chính phủ, thường được gọi là “liên kết bốn nhà”. Mặt khác, doanh nghiệp còn phải đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến để bảo đảm chất lượng của hạt gạo bền vững theo tiêu chuẩn HACCP. Qua đó, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của mình.

Cũng cần lưu ý, với hạt gạo chất lượng trung bình (chiếm tỷ lệ cao trong tổng lượng gạo xuất khẩu) được sản xuất phân tán trên những mảnh ruộng nhỏ, manh mún của hàng triệu nông hộ, thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không thể nào thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và cũng chưa xây dựng được thương hiệu. Chỉ với hạt gạo cao cấp, nhất là gạo đặc sản, một vài doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật và EU bước đầu tạo dựng được hình ảnh thương hiệu của mình nên rất cần được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện.

Gạo cao cấp xuất khẩu của Việt Nam là gạo 5% tấm, được đóng gói trong các bao bì đẹp, trọng lượng nhỏ từ 2-3 ki lô gam hoặc 5 ki lô gam gạo/bao. Do vậy, theo các nhà xuất khẩu gạo, để bán được 800-900 đô la Mỹ/tấn loại gạo này, chi phí bao bì đã chiếm khoảng 100 đô la Mỹ/tấn.

Do đó, thuế xuất khẩu gạo sẽ đánh cả trên giá trị bao bì. Điều này khiến cho doanh nghiệp không dám xuất khẩu loại gạo cao cấp nếu chỉ bán được giá khoảng 800 - 900 đô la Mỹ/tấn vì sợ lỗ.

Thế là một lần nữa, chính sách thuế làm cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bỏ lỡ cơ hội làm ăn, mất khách hàng, ảnh hưởng đến dấu ấn thương hiệu đang hình thành, chưa vững chắc. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, cũng như vùng chuyên canh nông sản theo GAP vừa mới xây dựng đã bị thui chột và rất khó để khôi phục lại.

Do vậy, tôi xin được nhắc lại ý kiến đã viết trong bài “Sao lại đánh thuế xuất khẩu gạo” (TBKTSG số 34 ra ngày 14-8-2008) là: Chính phủ cần xóa bỏ sắc thuế xuất khẩu gạo nói riêng và nông, lâm, thủy sản nói chung; lập quỹ bảo hiểm nông nghiệp theo cơ chế buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải nộp một khoản tiền theo đầu tấn hay theo tỷ lệ trên giá xuất khẩu, khi giá xuất khẩu đã bảo đảm cho nông dân có lãi trên 30% hoặc 40% và doanh nghiệp thu được lãi suất so vốn chủ sở hữu bằng 1,5 lần lãi suất vay vốn ngân hàng. Hoặc mỗi loại nông sản khi đạt mức giá xuất khẩu FOB nào đó thì doanh nghiệp xuất khẩu phải trích nộp 2-3 đô la Mỹ/tấn hay 0,5-0,7% giá trị xuất khẩu cho quỹ bảo hiểm nông nghiệp.

Quỹ này do Chính phủ quản lý, khi giá nông sản xuống quá thấp, Chính phủ quy định giá sàn để bảo vệ lợi ích của nông dân và các doanh nghiệp mua nông sản với giá sàn sẽ nhận được bù lỗ. Khi thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ cũng sử dụng quỹ này để tài trợ trực tiếp cho nông dân.





Nguồn: thesaigontimes.vn
Báo cáo phân tích thị trường