Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau quả - tiềm năng lớn, vị trí nhỏ
06 | 04 | 2010
Kim ngạch xuất khẩu rau quả từ năm 2004 đến nay tăng trưởng khá đều, bình quân khoảng 20%/năm, từ 179 triệu USD lên 439 triệu USD. Nhà xuất khẩu tìm kiếm nhiều thị trường xuất khẩu mới như Mỹ. Hiện nay sản phẩm rau quả đã có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó chủ yếu là Nhật Bản, Hà Lan, CHLB Nga, Đức, Pháp, Anh, Australia, Canada, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…

85% tiêu thụ trong nước

Xét về mặt sản phẩm, rau quả của Việt Nam được xuất khẩu ngày càng đa dạng, mới lạ hơn như: gấc đông lạnh, puree (nghiền nhuyễn) vải, hỗn hợp quả trong nước chanh dây, puree từ trái thanh long, lô hội đóng hộp và quả hỗn hợp đông lạnh nhiều màu (xanh đỏ vàng trắng), nhiều dạng (tròn, khối vuông)… Nhận thức được tầm quan trọng về quản lý chất lượng sản phẩm và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu rau quả đều đã có chứng nhận về HACCP, ISO, BRC, Kosher, Halal… Doanh nghiệp đã quen dần tập quán mua bán hàng hóa ở các thị trường chính như EU, Mỹ, Trung Đông, biên mậu phía Bắc… Thị trường tiềm năng mới là Mỹ, ngoài trái thanh long đã “có chân”, theo Cục Bảo vệ thực vật, năm nay nhiều khả năng có thêm nhãn, xoài, vải thiều… 

Con số xuất khẩu rau quả tăng trưởng liên tục, nhất là năm 2008, khi hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực đều rơi vào trạng thái giảm nhưng ngành hàng rau quả vẫn tiếp tục tăng trưởng. Điều đó cho thấy tiềm năng mặt hàng này của Việt Nam trên thị trường thế giới còn có thể tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, hàng năm Việt Nam xuất khẩu trên 439 triệu USD rau quả các loại, nhưng chỉ nhập 280 triệu USD. Mặt hàng rau quả xuất siêu trên 150 triệu USD. Như vậy, tiềm năng cây ăn quả nước ta, đặc biệt các tỉnh phía Nam và ĐBSCL rất lớn.

Nhưng, so với các ngành hàng nông sản khác, tốc độ tăng của rau quả vẫn chưa thể so với giai đoạn tăng tốc của thủy sản trước đó, hay mặt đồ gỗ chế biến hiện cũng chưa thể so với kim ngạch xuất khẩu gạo, cao su, cà phê, kể cả điều nhân. Với khoảng 1,5 triệu ha, diện tích rau quả chỉ sau cây lúa, vượt xa so với diện tích cà phê, điều, hồ tiêu, cao su… Các chuyên gia nước ngoài nhận định, sản lượng rau quả Việt Nam đứng hàng thứ 5 ở châu Á. Nhưng 85% là tiêu thụ nội địa, số còn lại xuất khẩu, chủ yếu qua chế biến, xuất khẩu tươi (thanh long, bưởi, vú sữa…) mới chiếm 2,5%. 

103 tỷ USD giao dịch rau quả/năm

Thị trường giao dịch gạo, cà phê, cao su… trên thế giới mỗi năm không quá 10 tỷ USD/năm/loại; trà, điều nhân, hồ tiêu khoảng 3 tỷ USD/năm, trong khi với rau quả khoảng 103 tỷ USD/năm và tăng 3,5%/năm, đặc biệt là quả nhiệt đới. Qua đó thấy rằng, đây là thị trường giao dịch đầy tiềm năng, nhất là khi Việt Nam có điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để phát triển. Rất tiếc, xuất khẩu rau quả những năm qua dù tăng trưởng đều, nhưng so với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước, trên 12,5 tỷ USD, ngành rau quả chiếm một tỷ trọng khiêm tốn.

Việc sản xuất và tiêu thụ trái cây của nước ta còn quá khiêm tốn so với tiềm năng và so với một số quốc gia trong khu vực có điều kiện tự nhiên tương tự (Thái Lan, Philippines, Indonesia). Trong khi đó, lại dựa quá nhiều Trung Quốc khi thị trường này lại diễn biến bất thường. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trải qua nhiều bước thăng trầm. Một số trái cây có thị trường tiêu thụ nhưng chất lượng và giá cả chưa đáp ứng yêu cầu thị trường: chuối, xoài, măng cụt… Một số trái cây khác có tiềm năng phát triển xuất khẩu thì tốc độ phát triển quá chậm, không đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến như dứa (khóm).

Trong khi năng lực chế biến của doanh nghiệp còn thừa rất nhiều, nhưng lại không đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn. Mới đây, một doanh nghiệp xin vào Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) với mục đích tìm kiếm hoặc hợp tác với doanh nghiệp cùng ngành để có vùng nguyên liệu, nhưng vùng nguyên liệu không ổn định do bà con thay đổi cây trồng liên tục trước tình trạng được mùa rớt giá, được giá mất mùa nên xảy ra tình trạng chồng lấn cây trồng trong vùng quy hoạch nguyên liệu.

Đó là lý do rất ít vốn đầu tư nước ngoài FDI vào lĩnh vực rau quả do gặp nhiều rủi ro. Trong khi đó, so với những hiệp hội ngành nghề khác, vai trò của Vinafruit còn quá mờ nhạt, nhất là trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Hiện nay, xúc tiến thương mại quốc gia của ngành rau quả lại giao cho Tổng Công ty Rau quả Việt Nam đảm trách!



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường