Hàng trăm xe tải chở dưa sang Trung Quốc bán đang bị ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Bị ép giá, không ít xe dưa phải bán với giá 1 ngàn đồng/kg...
15 giờ chiều. Cả trăm chiếc xe tải chở hàng nông sản, trong đó đa phần là xe chở dưa hấu từ miền Trung ra đậu ken đặc bãi xe hàng khu cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục sang Trung Quốc “đổ” hàng. Trước khi tìm được một chỗ tại đây, những chiếc xe này đã phải xếp hàng rồi ì ạch bò từng mét đường, ít nhất cũng phải mất nửa ngày trời.
Ách tắc dài dài...
Anh Bùi Quang Vinh - lái xe tải biển kiểm soát 73L-2087 cho biết: “Tôi chở dưa cho chủ hàng từ Quảng Bình ra đây lúc 2 giờ sáng. Chen mãi mới vào được bãi. May ra sáng mai mới có thể đưa hàng sang bên kia. Đó là người ta nói vậy, còn thực tế thì không biết đến bao giờ xe mới có thể tiếp tục lăn bánh”.
Tắc nghẽn trong khu bến bãi
Bên ngoài bãi xe, cả trăm chiếc xe tải khác đang nối đuôi nhau thành một hàng dài vài km trên đường Nhánh Nam. Hầu hết xe đã tắt máy. Các bác tài người thì nằm gục trên vô-lăng ngáp ngắn ngáp dài, kẻ mắc võng dưới gầm xe nằm ngủ.
Nhiều lái xe ngồi vạ vật trên vỉa hè, thi thoảng lại có một nhóm 4 - 5 người đang “đánh tá lả” để giết thời gian. Lái xe tải biển số 77H-0056 than thở: “Tôi đến đây lúc 11 giờ trưa nhưng từ đó đến giờ chưa nhích lên được mét đường nào cả. Chẳng biết đến bao giờ mới có thể vào được bến”.
Dòng xe ngày càng dài khi có thêm những chiếc xe mới tiếp tục xếp vào hàng, nối đuôi chờ. Trên mỗi thùng xe là vài chục tấn dưa hấu đã được bà con nông dân hái từ trước đó nhiều ngày.
"Nhìn những chiếc xe dưa bị ách tắc, các chủ hàng bị ép giá tôi lấy làm xót xa lắm. Đáng buồn là chuyện này vẫn cứ lặp lại qua các năm" Ông Đỗ Minh Định, Phó ban quản lý khu cửa khẩu Tân Thanh |
Ông Đỗ Minh Định - Phó ban quản lý khu cửa khẩu Tân Thanh - cho biết, tình trạng ách tắc dưa hấu tại đây đã diễn ra từ những ngày tháng 2 và dự báo sẽ còn tiếp diễn đến hết mùa thu hoạch dưa, khoảng cuối tháng 3. “Mỗi ngày lực lượng hải quan cửa khẩu làm việc cật lực cũng chỉ có thể thông quan cho trên dưới 150 xe.
Tuy nhiên, mỗi ngày có vài trăm xe dưa từ các tỉnh thành ùn ùn đổ về đây, thậm chí ngày cao điểm lên tới 500 xe. Vì vậy, chuyện ách tắc xảy ra là điều dễ hiểu. Có những xe khi đã lên đến đây rồi nhưng phải chờ mất 2 - 3 ngày mới đưa được hàng sang bên đó”, ông Định nói.
Buôn ngược
Nếu như trên đường Nhánh Nam, hàng trăm xe tải đang sốt ruột đợi đến lượt mình vào bến và lăn bánh sang chợ Pò Chài (Trung Quốc) thì trên đường Nhánh Bắc, thi thoảng có những chiếc xe tải từ phía Trung Quốc chạy về. Điều đáng nói là, không khó để chúng tôi có thể nhận ra, trên nhiều chiếc xe chạy trên đường Nhánh Bắc vẫn còn một lượng dưa đáng kể, thậm chí có những xe còn “nguyên đai nguyên kiện”.
Những quả dưa này, anh Hiền mua lại với giá 1 ngàn đồng/kg (Ảnh: Q.D.)
“Đó là hàng ế. Thương nhân Trung Quốc không mua hoặc trả giá quá rẻ nên chủ hàng đem trở lại tiêu thụ trong nước”, một anh xe ôm đứng chờ khách ở đường Nhánh Bắc nói với chúng tôi. Và, con đường Nhánh Bắc, từ nhiều năm nay đã trở thành nơi buôn bán dưa mà các bác tài của ta trở ngược từ chợ Pà Chài đem về. Cũng từ lâu, tại đây hình thành một đội ngũ thương nhân “buôn ngược”, chuyên mua dưa hạ giá bên kia biên giới về bán lại cho các chủ hàng dưới xuôi tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Lái xe Bùi Quang Vinh cho biết: “Các chủ hàng gom dưa từ miền Trung ra nhiều khi phải ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận bán dưa với giá bèo, vớt vát được đồng nào hay đồng đấy. Nếu dưa đẹp, tư thương người Trung Quốc có thể mua với giá khoảng 7 ngàn đồng, còn dưa bị nẫu, rụng cuống giá đôi khi là 1 ngàn đồng/kg”. Chuyến hàng trước, do chủ hàng bị thua lỗ nên anh Vinh cũng chịu vạ lây. Chủ hàng đã năn nỉ xin anh bớt lại gần 5 triệu đồng tiền vận chuyển. “Chuyến đó coi như làm không công. Chẳng được đồng lãi lời nào cả”, anh Vinh kể khổ. |
Buổi chiều hôm ấy, có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh mua bán khá tấp nập. Dưa chất đống hai bên vỉa hè. Cạnh đó là những chiếc xe tải cỡ bự đang ăn hàng. Thương nhân “buôn ngược” Nguyễn Văn Hiền (quê Bắc Giang) nói: “Hôm nay dưa ngược về ít hơn. Cả ngày tôi mới gom được 25 tấn. Mấy hôm trước, cả dãy đường này chất đầy dưa, chờ bốc lên xe chở về các tỉnh tiêu thụ. Khi đó, có hôm một mình tôi đã chơi tới cả trăm tấn rồi”.
Anh Hiền hiện có 10 người làm thuê. Anh cùng với 5 người ở nhà, tìm mối tiêu thụ. Vợ anh cùng 5 người khác sang tận Pò Chài mua dưa từ các chủ hàng chở sang nhưng bị chê, trả giá chỉ 1 ngàn đồng/kg.
“Chính vì bị ách tắc nơi cửa khẩu, khi xe sang được bên kia, dưa xấu đi nhiều lắm. Gần như xe nào cũng có dưa bị loại, ít nhất là 10%, nhiều thì trên nửa xe, và cũng không ít trường hợp là nguyên cả xe. Tính ra, chủ hàng lỗ nặng. Tôi được biết, họ mua dưa tại ruộng của nông dân giá đã 3 ngàn đồng/kg, cước vận chuyển 1 ngàn đồng/kg nữa, dưa bị chê thì coi như chỉ vớt vát được tiền thuê xe mà thôi”, anh Hiền nói.
Theo anh Hiền, nhiều chủ hàng đã nuốt quả đắng khi bạn hàng chỉ tốc bạt phủ thùng xe lên, là chê õng chê ẹo rồi, chỉ chấp nhận mua với giá rẻ như cho.
Dưa mua về, Hiền cho người làm công phân loại. Quả nào còn nguyên, trông “ngon ngon” thì bán cho thương lái đem về các tỉnh. “Những quả bị thải loại lần cuối gồm: bị dập, mất cuống, bị chấm... thì bán lại hoặc cho mấy bà đi chợ. Họ cắt, gọt chỗ hỏng rồi rao bán chỉ với giá 1 - 2 ngàn đồng/quả”, anh này nói.
Xuất khẩu theo kiểu chợ quê
Vạ vật đợi chờ (ảnh trái) và xe nối đuôi nhau trên đường (Ảnh: Q.D.)
“Nhìn những chiếc xe dưa bị ách tắc, các chủ hàng bị ép giá tôi lấy làm xót xa lắm. Đáng buồn là chuyện không hay này vẫn cứ lặp lại qua các năm”, ông Đỗ Minh Định tâm sự.
Nguyên nhân, theo ông Định là do năng lực thông quan có hạn trong khi các thương nhân trong nước cứ điều xe ùn ùn chở hàng lên cửa khẩu.
“Trước khi gom hàng đem lên đây, các chủ hàng chưa hề ký kết hợp đồng với các đối tác bên phía Trung Quốc. Họ đem dưa sang chợ Pò Chài bày bán giống y như bà con ta mang con gà, cân gạo ra chợ bày bán, may thì đắt hàng, gặp vận đen thì ế, rất bấp bênh”, ông Định nói.
Ban quản lý cửa khẩu Tân Thanh năm nào cũng khuyến cáo các chủ hàng trong nước nên chủ động chia sẻ thông tin cho nhau, đưa hàng lên vừa phải thì sẽ không xảy ra ách tắc, ép giá.
Tuy nhiên, các thương nhân vẫn mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết với nhau. “Chúng tôi kiến nghị bộ ngành và hiệp hội liên quan nhanh chóng tập hợp các thương nhân, tổ chức điều phối tốt việc bán hàng cho đối tác nước bạn, chỉ đưa hàng lên cửa khẩu khi đã nắm chắc trong tay hợp đồng kinh tế. Chỉ có làm được như vậy, ách tắc, ép giá mới không còn diễn ra nữa”, ông Định nói.