Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
7.463 tỷ đồng: Có hình thành vùng rau an toàn như kỳ vọng?
18 | 03 | 2010
Từ lâu, rau an toàn (RAT) luôn là vấn đề “nóng” và đã trở thành đòi hỏi bức thiết của người tiêu dùng 13 năm trước, việc sản xuất RAT đã manh nha hình thành tại Hà Nội. Năm 2009, thành phố đã phê duyệt đề án Sản xuất tiêu thụ RAT 2009-2015 với số tiền đầu tư lên tới 7.463 tỷ đồng.
Đây là một trong những đề án có kinh phí đầu tư lớn nhất của ngành nông nghiệp Thủ đô. Liệu số tiền trên có giúp các vùng rau Hà Nội từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó kiểm soát về chất lượng thành các vùng RAT như kỳ vọng.

Bài 1: Nghịch lý chưa thể hóa giải

Khó khăn lớn nhất đối với người trồng RAT là đầu ra không ổn định, khâu tổ chức tiêu thụ còn nhiều vấn đề, chưa kể đến thói quen tiêu dùng. Do vậy, để RAT từ sản xuất ra thị trường rất cần sự nỗ lực của tất cả cơ quan có trách nhiệm, người nông dân và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Đề án Sản xuất và tiêu thụ RAT đã được thành phố phê duyệt gần 1 năm, đang trong quá trình triển khai, trong khi thành phố và các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, thì ở cơ sở, từ cấp huyện, xã lại tỏ ra lúng túng. Bà con nông dân lại càng khó xác định cung cách làm ăn.

Nghịch lý

Theo một kết quả phân tích mới đây của Chi cục BVTV Hà Nội, trong tổng số 478 vùng sản xuất rau ở Hà Nội có đến 108 vùng không đạt các tiêu chuẩn an toàn về đất hoặc về nước. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV chưa đúng quy định… tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật cho hàng triệu người tiêu dùng trong cả nước. Không phải chờ đến khi Chi cục BVTV Hà Nội lên tiếng cảnh báo, RAT mới trở thành vấn đề bức xúc. Chị Trịnh Thị Lan Anh, Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông cho biết: Gia đình tôi thực sự "khát" RAT, dù có phải mua đắt hơn rau thường 30% cũng sẵn sàng, quan trọng là không được "treo đầu dê bán thịt chó".
Thu hoạch rau an toàn tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín. Ảnh: Thái Hiền

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Đã nhiều năm nay, từ chính quyền đến người tiêu dùng Thủ đô luôn khát khao cháy bỏng làm sao để rau của Hà Nội thực sự sạch dù là rau mua tại siêu thị lớn hay các cửa hàng nhỏ lẻ. Thế nhưng cho đến nay, phải thừa nhận rằng, chưa có đơn vị nào dám khẳng định 100% RAT của Hà Nội là an toàn tuyệt đối và một thực tế đã diễn ra từ nhiều năm qua: trong khi người tiêu dùng sẵn sàng mua RAT với giá cao hơn rau truyền thống thì người sản xuất đã quá ngán ngẩm với cảnh tự bươn trải tìm đầu ra.

Một vấn đề khác không kém bức xúc là trong khi đề án sản xuất, tiêu thụ RAT đang được rất nhiều sở, ngành và người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Sở NN&PTNT, thì tại các huyện, xã sản xuất rau, người dân không có thông tin về đề án này, chưa kể việc chính quyền địa phương lúng túng, không biết bắt đầu triển khai dự án từ đâu. Ông Cao Văn Tuyến, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Đức nhận định, đề án RAT của thành phố thực sự là đòn bẩy để các địa phương định hướng phát triển, mở rộng vùng RAT trên địa bàn nhưng từ chủ trương chính sách đến thực tế triển khai trên đồng ruộng vẫn còn khoảng cách lớn. Để hiện thực hóa đề án thành các tiểu dự án đối với huyện Hoài Đức không đơn giản bởi trình độ, năng lực của cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế nên việc giải quyết một loạt các thủ tục hành chính liên quan trở thành vấn đề khó khăn. Chưa kể việc tập trung, quy tụ các hộ dân lại sao cho hợp lý.

Vì sao không thể mở rộng diện tích

Theo anh Nguyễn Văn Hào, xã viên HTX Tiền Lệ (huyện Hoài Ðức), 5 đến 10 năm nữa, hầu hết diện tích đất nông nghiệp của huyện sẽ được chuyển sang phát triển đô thị, dịch vụ. Hoài Đức chỉ còn vài trăm hécta dành cho sản xuất rau. Chỉ có sản xuất RAT thì đời sống người nông dân mới được bảo đảm. Từ 2 năm nay, HTX đã cố gắng "bám trụ" với mô hình RAT với hơn 7ha, không thể mở rộng diện tích vì chưa có đầu ra ổn định.

Rau sạch từ vùng RAT ngoại thành được bán tại siêu thị Metro Hoàng Mai.
Ảnh: Bùi Tường - TTXVN

Tương tự, các dự án RAT tại địa bàn huyện Đan Phượng cũng đang trong tình trạng "ngâm ủ" để đấy. Hiện huyện này có 2 loại dự án RAT, một là những dự án sản xuất quy mô nhỏ do huyện làm chủ đầu tư, một loại do các công ty lớn làm chủ dự án được hưởng hỗ trợ từ ngân sách thành phố như Công ty Phú Tam Nông có dự án RAT theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 150ha tại xã Thọ An và Công ty TNHH nhà nước một thành viên Phát triển nông nghiệp nông thôn có dự án quy mô trên 80ha tại các xã Song Phượng, Đồng Tháp. Để kích thích sản xuất RAT, huyện đã phê duyệt 10 dự án RAT thí điểm ở 10 xã, quy mô 86,2ha, mỗi hécta được huyện hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và 5 triệu đồng tập huấn, chuyển giao KHKT... Với các dự án nhỏ lẻ này, Đan Phượng không thể đáp ứng được các quy định về sản xuất, tiêu thụ RAT bởi không có nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản. Huyện hy vọng vào dự án của 2 công ty trên, khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất và có dây chuyền đóng gói, sơ chế, hỗ trợ tiêu thụ cho các điểm RAT mà huyện đã đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các dự án RAT với quy mô nhỏ mới được triển khai tại một số xã, còn dự án của 2 "đại gia" vẫn chưa định hình, định dạng, đang trong giai đoạn lập dự án, xin thỏa thuận đầu tư.

Tính đến thời điểm này đã có 19 đơn vị lập dự án RAT với tổng diện tích 1.500ha và đang trình UBND TP Hà Nội phê duyệt, trong đó có 2 dự án đã được phê duyệt ở giai đoạn đầu tư bao gồm dự án RAT Duyên Hà và Yên Mỹ (Thanh Trì). Mỗi hécta RAT sẽ được đầu tư từ 150 - 350 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo mương máng nội đồng phục vụ sản xuất... Do quá trình đầu tư, giám sát rất chặt chẽ nên trong năm 2010 có thể chỉ có 10 đơn vị đi vào sản xuất RAT.

Năm 2010, Hà Nội kỳ vọng diện tích RAT đạt 2.603ha. Theo đó sẽ có 95 vùng RAT ở 55 xã thuộc 21 quận, huyện. Vùng RAT lớn nhất là Văn Đức (Gia Lâm) 180ha, Song Phương (Hoài Đức) 148ha. Từ năm 2011, Chi cục BVTV sẽ tham mưu cho các ngành chức năng tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích RAT lên 5.500ha.

* Năm 2015, 50% diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội sẽ được sản xuất theo quy trình an toàn. Các vùng rau tối thiểu từ 50ha trở lên được đầu tư đường bê tông nội đồng, hệ thống tưới tiêu, nhà lưới, hệ thống thu gom phế liệu và xử lý môi trường... mức đầu tư trình diễn từ 430-460 triệu đồng.


Theo Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường