Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải bài toán rau xanh cho Hà Nội: Quy hoạch vùng chuyên canh
02 | 04 | 2009
Sau đợt rẻ như bèo hồi tháng 2, giá rau trên thị trường rau Hà Nội hiện đang tăng đột biến. Sự đảo chiều đột ngột của thị trường rau xanh trong thời gian qua với những đợt tăng, giảm giá thất thường khiến cả người sản xuất và tiêu dùng đều chịu nhiều tác động. Giải bài toán về quy hoạch rau xanh đang trở nên hết sức cần thiết nhằm ổn định cho thị trường rau và người trồng rau ở Thủ đô.

Nghịch cảnh thị trường

Từ đầu tháng 3 đến nay, rau xanh trên thị trường Hà Nội đã khan hiếm trở lại khiến giá rau ngày một tăng cao. Tại các chợ đầu mối phía Nam, chợ đêm Dịch Vọng, chợ đêm Long Biên, chợ Nhà Xanh… mặt hàng rau xanh đều khan hiếm và giá cả tăng lên mỗi ngày. Hiện nay một mớ rau cần có giá 7.000 đồng, rau muống 4.000 đồng, đỗ xanh 10.000 đồng/1kg... So với tháng trước, giá rau đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Chị Loan - chủ sạp rau lớn ở chợ Nhà Xanh cho biết: Chẳng bù cho tháng trước, nhiều nông dân ở các vùng ngoại thành chở rau vào chợ bán cả buổi chẳng hết sọt đành nghẹn ngào đổ đi.

 

Giờ thì hàng chẳng có mà bán, giá thì tăng từng ngày. Chị Nguyễn Thị Tuyên thôn Hòa Bình, xã Yên Nghĩa (Hà Đông) tiếc rẻ: Nhà tôi trồng hơn 2 sào rau su hào, cải bắp. Đợt rau ế tháng trước, tôi phải nhổ rau về cho lợn ăn. Bao nhiêu công chăm sóc tưới tắm và tiền giống, phân bón mà thu về chẳng được bao nhiêu. Vụ này, nhà tôi chỉ trồng có một nửa diện tích, còn lại chuyển sang cấy lúa thì lại gặp cảnh rau tăng giá, tiếc quá.

Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng qua, kể từ thời điểm úng ngập hồi đầu tháng 11 năm ngoái thị trường rau Hà Nội đã liên tiếp có những đợt xoay chiều khi thừa, khi thiếu ảnh hưởng không nhỏ đến người trồng rau và người tiêu dùng.

Ba vành đai rau xanh

Giá rau trồi sụt trên thị trường Hà Nội có nhiều nguyên nhân. Theo PGS. TS  Trần Khắc Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, ngoài yếu tố rủi ro từ khí hậu, thời tiết, nguyên nhân sâu xa nhất của việc mất cân đối cung cầu rau xanh là do nông nghiệp nước ta vẫn chưa thoát khỏi sản xuất manh mún, chưa có quy hoạch về các vùng chuyên canh.

Trong Đề án sản xuất và tiêu thụ rau của thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2015 cũng chỉ ra rằng thành phố Hà Nội tương lai sẽ có  7-8 triệu dân và 3-4 triệu khách lưu trú thường xuyên nên ổn định thị trường rau là hết sức cần thiết. Hà Nội hiện có khoảng hơn 2.000 vùng trồng rau với diện tích 12.000ha, tập trung ở các huyện Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức, Chương Mỹ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu rau xanh của thành phố, còn lại phải nhập từ Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương… Do không chủ động được nguồn rau cùng với những rủi ro về thời tiết, khí hậu nên thời gian qua thị trường rau Hà Nội liên tiếp biến động khi thừa, khi thiếu. Hiện nay, thành phố Hà Nội chủ trương tiếp tục mở rộng các vùng trồng rau, đặc biệt là các mô hình rau an toàn (RAT).

Dự kiến, tới năm 2015, thành phố Hà Nội sẽ phát triển thêm 800-1.000ha RAT/năm ở những vùng sản xuất tập trung. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích RAT ở Hà Nội đạt 8.500-10.000ha với sản lượng đạt 600.000 - 700.000 tấn/năm đáp ứng cho khoảng 50% nhu cầu RAT của Hà Nội. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trịnh Duy Hùng cho rằng, Hà Nội phải phấn đấu cung cấp tối thiểu 60% nhu cầu RAT cho người dân vào năm 2015, tới năm 2020 là 80%.

Sở NN&PTNT Hà Nội đang hoàn tất các điểm chuyên canh rau tại những vùng có truyền thống trồng rau như Vân Nội (Đông Anh), Song Phương, Tiền Yên (Hoài Đức), Tân Minh, Nguyễn Trãi (Thường Tín), Chúc Sơn (Chương Mỹ), Phương Đình (Đan Phượng), Mê Linh… Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Thạch, khó khăn nhất hiện chưa thống nhất được là thời gian giao quyền sử dụng đất cho người sản xuất trong bao lâu cho phù hợp?

Theo PGS.TS  Trần Khắc Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, quy hoạch vùng chuyên canh rau quanh các thành phố là hết sức cần thiết. Hà Nội có thể hình thành vùng chuyên canh rau xanh thành ba vành đai. Vành đai thứ nhất cách thành phố khoảng 5km là những cây rau ăn lá. Vành đai thứ hai là vành đai rau ăn quả với khả năng vận chuyển dài hơn chút, như bí xanh, bí đỏ, cà chua... Vành đai thứ ba gồm rau ăn củ như cà rốt, hành tây - những loại có thể bảo quản lâu hơn. Ngoài ra cũng có thể quy hoạch vùng trồng chuyên canh loại rau này ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc... Sau khi hình thành những vùng chuyên canh tập trung, diện tích trồng các loại rau sẽ dựa trên dân số hay số người tiêu thụ sản phẩm, như vậy cung cầu sẽ khớp nhau từ số lượng đến chủng loại. Thị trường sẽ không còn hiện tượng lúc thiếu, lúc thừa, khi đắt, khi rẻ như hiện nay.

Một quy hoạch cho rau Hà Nội đang trở nên vô cùng cần thiết.



Nguồn: www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường