TS. Nguyễn Quốc Vọng, người gắn bó gần 40 năm trong ngành nông nghiệp ở Nhật Bản và Australia và là chuyên viên Bộ Nông nghiệp bang New South Wales, Australia cho biết rau, hoa, quả là mặt hàng nông sản lớn nhất hàng năm nhập vào các quốc gia trong WTO, với thị trường trị giá gần 103 tỷ USD, gấp 10 lần so với lúa gạo (khoảng 9,2 tỷ USD).
Thế nhưng, cơ cấu lại rất bất hợp lý, lúa chiếm 74% diện tích canh tác; trái cây, rau quả và hoa chỉ chiếm 15% diện tích. Mặt khác, mức độ đầu tư về nhân lực, nghiên cứu, đất đai và lao động của ngành rau quả, hoa, trái cây cũng kém xa so với lúa gạo.
Gia nhập WTO, Việt Nam có một sân chơi khổng lồ cho triển vọng nông nghiệp phát triển. Theo đó phải tuân thủ “luật chơi”. Việt Nam đã và ngày càng tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản (năm 1995, đạt 1,3 tỷ USD, năm 2005 đã đạt 5,7 tỷ USD).
"Kết quả này cho thấy chúng ta đã đặt được những bước đi đầu tiên vào thềm hội nhập nhưng cũng bộc lộ những lỗ hổng lớn trong dây chuyền sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chất lượng mặt hàng và khâu an toàn vệ sinh, “đặc biệt nhất là “tay nghề” của thành phần sản xuất chủ lực-nông dân, chưa được nâng cao ngang tầm một nước mạnh về xuất khẩu nông sản”, TS. Vọng nhấn mạnh.
Vì vậy, theo ông, nông dân Việt Nam phải đối diện ngay với 4 luật chơi cực kỳ khó khăn, đó là về số lượng, về an toàn thực phẩm, về chất lượng và về giá cả.
Trong 4 luật chơi này, “cái khó nhất cho nông nghiệp Việt Nam hiện nay là quy trình “nông nghiệp an toàn” hay “nông nghiệp tốt” - GAP (Good Agricultural Practices)”, TS. Vọng nhấn mạnh. Đây là một chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ A đến Z của dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại, canh tác đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ, kể cả những yếu tố liên quan đến sản xuất như môi trường, các chất hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, bao bì và ngay cả điều kiện làm việc và phúc lợi của người làm việc trong nông trại.
Hiện nay, tuy Việt Nam đã quan tâm đến an toàn thực phẩm nhưng chưa có một quy trình GAP. Đó là một thách thức đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, “nếu không xây dựng ngay chương trình Vietnam GAP (tạm gọi tắt là VietGAP) thì làm sao nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu, kể cả việc cạnh tranh với hàng ngoại ngay ở thị trường trong nước?”, TS. Vọng khẳng định
Trong sự cổ súy Việt Nam cần phải phát triển GAP, chuyên gia về an toàn thực phẩm, ông Joseph Ekman cho rằng: trước hết cần dựa trên yếu tố an toàn thực phẩm, đây là yêu cầu số một của công nghiệp thực phẩm quốc tế quan tâm. Theo đó, chương trình Vietnam GAP an toàn thực phẩm cần được mô hình hóa trong ASEAN GAP để đảm bảo tính phù hợp của nó đối với quốc tế hóa khu vực và những chương trình mang tính quốc tế về an toàn thực phẩm.
Ông đề xuất: ưu tiên hàng đầu là Chính phủ phải quan tâm bảo vệ người dân; chương trình GAP cần hỗ trợ có tính chất chìa khoá như tập huấn sử dụng thuốc BVTV, thực hành vệ sinh kết hợp với đánh giá hiệu quả của thuốc trừ sâu và lượng vi khuẩn tồn dư tiềm tàng...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích trồng rau trên đất nông nghiệp cả năm 2006 của Việt Nam là 644,0 nghìn ha, tăng 29,5% so với năm 2000. Năng suất trung bình cao nhất từ trước tới nay (149,9 tạ/ha). Tổng sản lượng rau cả nước đạt 9,65 triệu tấn, đạt 144 nghìn tỷ đồng, chiếm 9% GDP của ngành nông nghiệp, trong khi diện tích chỉ chiếm 6%.
Và ở các đô thị lớn, diện tích đất nông nghiệp ngày mỗi thu hẹp (Hà Nội mỗi năm mất khoảng 1.000 ha, Tp.HCM đến năm 2010 giảm 24.420 ha so với năm 2000). Mặt khác, năng suất rau của Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 87% so với trung bình của thế giới, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch khá cao (20-30%), theo PGS.TS Trần Khắc Thi (Viện Nghiên cứu rau quả).
Hai vùng rau có lợi thế về khí hậu và lao động để sản xuất rau xuất khẩu là đồng bằng sông Hồng và tỉnh Lâm Đồng chưa phát huy được tiềm năng. Mấy đề nghị của TS. Thi đưa ra là: mở rộng việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ven đô; xây dựng các tiêu chí về khu nông nghiệp công nghệ cao; xác định hình thức và quy mô đầu tư; không rập khuôn mà mô hình phải đáp ứng được những đặc thù của địa phương.
Ông Thi cũng cho rằng cần phân biệt khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đối với sản xuất cây trồng trong nhà kính, TS. Sophie Parks nêu ra một số nguyên tắc phải đảm bảo như về cấu trúc nhà kính, các phương pháp sản xuất (thông gió, nhiệt độ, độ ẩm, vi lượng, đa lượng...).
Còn khâu quản lý chất lượng sau thu hoạch, theo TS. Suzie Newman, là phải đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Ở đây là việc quản lý dây chuyền cung ứng, thời điểm thu hoạch, cách thức thu hoạch và bảo quản. Ông Suzie Newman nêu lên một số nguyên tắc cụ thể của việc quản lý sau thu hoạch để “giảm thiểu sức nóng trên đồng ruộng” là: thu hoạch thời điểm mát mẻ trong ngày; để sản phẩm thu hoạch ở nơi có bóng râm và mang ra khỏi ruộng càng nhanh càng tốt; bảo quản rau nơi thông gió và mát mẻ; sử dụng hệ thống xe lạnh để khắc phục nóng.
Ngoài ra, đó còn là những yêu cầu nghiêm ngặt như nhiệt độ bảo quản thích hợp nhất; xử lý sản phẩm cẩn thận, giảm thiểu mất nước; nơi phân loại đóng gói phải sạch sẽ, gọn gàng để tránh nhiễm bệnh hại sau thu hoạch...