Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái cây ĐBSCL xuất ngoại
03 | 12 | 2008
“Chạy đua” với thanh long Bình Thuận (vừa xuất sang Mỹ), mới đây trái cây vùng ĐBSCL cũng đã có những hợp đồng... xuất ngoại, như: HTX xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) vừa ký hợp đồng xuất 50 tấn sang Nhật Bản và sẽ xuất tiếp với số lượng nhiều hơn (dự kiến) vào dịp cuối năm nay.
Tập đoàn Metro Cash & Carry cũng ký hợp đồng mua 50 tấn vú sữa Lò Rèn của HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) để cung ứng cho hệ thống siêu thị Metro trong và ngoài Việt Nam (VN). Vú sữa của HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được nhiều doanh nghiệp “để mắt” tới, nhưng HTX này không thể ký tiếp hợp đồng cung ứng với nơi nào vì sản lượng còn hạn chế... 

Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi khâu sản xuất phải đạt tiêu chuẩn Global GAP. Đó chính là con đường để trái cây VN thâm nhập được vào các thị trường khó tính. Thời gian qua, ở ĐBSCL, qua tài trợ của Metro Cash & Carry VN đã có một số HTX trái cây thực hành sản xuất theo tiêu chí này như: HTX xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè, Tiền Giang), HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long), HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang)...  

Tuy nhiên, diện tích canh tác của những HTX trái cây này còn rất nhỏ lẻ (chỉ vài chục ha/HTX). Chẳng hạn, diện tích trồng vú sữa của HTX Lò Rèn Vĩnh Kim chỉ 47 ha, song mới vỏn vẹn 7 ha được công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. So với diện tích bưởi Năm Roi - Vĩnh Long, vú sữa Lò Rèn - Tiền Giang (đều có diện tích vài ngàn ha/loại) thì diện tích trái cây đạt tiêu chuẩn Global GAP ở ĐBSCL chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.  

Vì vậy, dù đã có những tín hiệu lạc quan bước đầu, song, nếu không mở rộng được diện tích trồng trái cây đạt tiêu chuẩn Global GAP, thì “cánh cửa” vào các thị trường khó tính dù có mở ra, trái cây ĐBSCL với mấy trăm ngàn ha vẫn khó “làm ăn lớn” được ! 
 



Nguồn: Công ty Bảo Thanh (ticay.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường