Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái cây Đồng Nai "khó vào" siêu thị
03 | 08 | 2009
Đồng Nai nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản và nhiều nhà vườn có khả năng cung cấp trái cây với số lượng lớn, song hiện tại, hầu như chưa nhà vườn nào trực tiếp tiếp cận được với siêu thị và các trung tâm thương mại lớn - những nơi được xem là đầu mối tiêu thụ trái cây ổn định và an toàn nhất.

Đồng Nai hiện có khoảng 50.000ha cây ăn trái các loại như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài, nhãn, bưởi, cam, quýt..., là vùng có diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực miền Đông Nam bộ với sản lượng khoảng hơn 300.000 tấn/năm, mang lại giá trị gần 1.000 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Riêng thị xã Long Khánh - vùng trái cây lớn của Đồng Nai hiện có hơn 6.300ha, bình quân mỗi năm cung ứng cho thị trường 35.000 đến 36.000 tấn chôm chôm; gần 5.000 tấn sầu riêng; sản lượng cam, quýt hàng năm lên tới 1.700 tấn và gần 1.400 tấn bưởi...

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C Đồng Nai cho biết: Chỉ trong 2 ngày cuối tuần, hệ thống Big C tiêu thụ được khoảng 50 tấn trái cây các loại. Còn doanh thu từ các loại trái cây nội ở siêu thị CoopMart Biên Hòa đang chiếm khoảng 65% trên tổng lượng trái cây đang bày bán tại siêu thị.

Song, lượng trái cây sản xuất tại Đồng Nai hầu như rất ít thấy ở cả 2 siêu thị lớn nhất ở Đồng Nai, kể cả các siêu thị kế cận ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà chủ yếu tiêu thụ theo dạng bán lẻ ở các chợ trong và ngoài tỉnh, không những giá cả thất thường mà sản lượng bán ra cũng không ổn định, dễ bị dội hàng, dôi chợ.

Cũng như nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái ở Nam bộ, phần lớn trái cây ở Đồng Nai thu hoạch theo mùa, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên chất lượng cùng 1 loại trái cây không đồng đều, hình dáng không bắt mắt và mạnh ai người đó tiêu thụ nên thường bị tư thương ép giá.

Những năm gần đây, khi nhiều chủng loại trái cây ngoại nhập về với lượng dồi dào quanh năm suốt tháng, nhiều loại trái cây Đồng Nai phải cạnh tranh với trái cây ngoại cả về chất lượng lẫn giá cả. Ông Nguyễn Xuân Hải cho biết: Trái cây ngoại nhập hiện đang chiếm khoảng 45% doanh thu bán trái cây tại hệ thống siêu thị Big C.

Lượng trái cây ngoại ngày càng đa dạng về chủng loại, từ cao cấp như nho Mỹ, kiwi Australia, táo Nhật, táo New Zealand, cam Mỹ đến các loại trái thông dụng hơn như ổi không hạt Thái Lan, xoài Thái, me Thái, lê và quýt Trung Quốc... đang tạo ra áp lực cạnh tranh với trái cây nội địa. Trái cây trong nước chủ yếu cung cấp dồn dập theo từng mùa, ngược lại hàng ngoại được bày bán quanh năm nên chiếm doanh thu khá cao trong mặt bằng chung.

Hiện tại, trái cây ngoại xuất hiện khắp các chợ, từ chợ tự phát đến chợ trung tâm với nhiều chủng loại và giá cả khác nhau. Đặc biệt, các loại táo, lê, quýt, cam... có xuất xứ từ Trung Quốc vì giá cả phải chăng và hình thức đẹp, dù xung quanh những loại trái cây này còn ẩn chứa nhiều thông tin chưa rõ ràng về chất bảo quản. So với trái cây nội địa, hàng nhập nhìn bắt mắt, sang trọng hơn nên dù giá bán cao hơn trái cây nội khoảng 30%, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận, nhất là đối với khách hàng mua làm quà biếu.

Chính vì vậy, các nhà vườn nên nghiên cứu để có cách tiếp cận với siêu thị và tiêu thụ hàng hóa một cách ổn định. Những loại trái cây của Đồng Nai như xoài, sầu riêng, chôm chôm, quýt... đều có chất lượng ngon, diện tích trồng lớn và đủ điều kiện vào các kênh phân phối qua hệ thống tiêu thụ của Big C, đấy là chưa kể trái cây Đồng Nai dễ vào siêu thị bằng đường đi ngắn hơn nếu tổ chức tốt kênh thu mua và phân phối.

Ông Hải cho biết thêm hiện tại, siêu thị không thể trực tiếp thu mua hàng từ nông dân, do vậy cần đến vai trò của một tổ chức trung gian nào đó có tính khách quan và có lợi cho nông dân, chẳng hạn như hợp tác xã, và nếu tổ chức tốt, đây có thể sẽ là đơn vị đại diện cho nông dân ký kết hợp đồng với siêu thị, đồng thời điều phối vấn đề thu hoạch sao cho hợp lý, đảm bảo về số lượng và chất lượng trái cây cung cấp cho siêu thị.

Nhiều vựa trái cây ở chợ Biên Hòa, thị xã Long Khánh đều có chung nhận xét: Không thể nói trái cây Đồng Nai không ngon, tuy nhiên, về màu sắc và chất lượng, trái cây ở Đồng Nai vẫn chưa đồng đều, khó cạnh tranh với hàng ngoại, đặc biệt là chưa có nhiều loại trái cây có thể trồng quanh năm hoặc trái vụ, trong khi trái cây ngoại luôn được cung cấp ổn định suốt năm.

Để trái cây Đồng Nai sớm vào được các siêu thị hoặc có thị trường tiêu thụ rộng rãi và ổn định, theo ông Bùi Xuân Khôi, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam kiêm Giám đốc Trung tâm cây ăn quả miền Đông Nam bộ, thì các nhà vườn cần áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để sản xuất trái cây rải đều trong năm, không cho thu hoạch tập trung vào chính vụ hay trái vụ dễ dẫn đến đầu ra không ổn định.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng: Các nhà vườn phải liên kết lại với nhau thông qua việc tổ chức các câu lạc bộ hay tổ sản xuất để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng cây ăn trái đồng đều nhằm cung cấp trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín trên thị trường.

Tỉnh Đồng Nai cũng đang khuyến khích các huyện xúc tiến chương trình xây dựng thương hiệu cho các trái cây đặc sản và sớm hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái với những thương hiệu đã được kiểm định để các nhà vườn không còn cảnh lao đao và có mức thu nhập cao quanh năm nhờ cây ăn trái./.

(Tin Tức/Vietnam+)



Báo cáo phân tích thị trường