Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý trái cây VN: Vì sao chợ trái cây quốc gia thất bại?
17 | 07 | 2009
Với ý tưởng giúp người nông dân vùng ĐBSCL tiếp cận được cung cách mua bán hiện đại, giảm bớt khâu trung gian, đầu năm 2006, Trung tâm Thương mại trái cây quốc gia (gọi tắt là chợ trái cây quốc gia) khai trương tại ấp Hòa Phú, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, Tiền Giang.
 
Chợ trái cây Việt Nam cửa đóng then cài
 

Chợ trái cây quốc gia có diện tích gần 12 ha, do Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) làm chủ đầu tư, bao gồm nhiều hạng mục quan trọng như nạo vét, mở rộng 2 con kênh với tổng chiều dài 6 km nối từ sông Cửu Long vào tới cầu cảng, có thể tiếp nhận trên 200 tàu thuyền cùng lúc; hệ thống kho lạnh 2.000m2, siêu thị bán sỉ trái cây với 170 gian hàng; các chi nhánh bưu điện, ngân hàng, hệ thống điện, nước và cả khách sạn 28 phòng dành cho nông dân và khách ở xa tới lưu trú khi diễn ra các cuộc hội thảo chuyên đề hoặc đấu xảo trái cây ngon. Đây sẽ là trung tâm đầu mối đầu tiên tổ chức thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản, cung ứng trái cây cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu lớn nhất nước. Hạng mục được khai thác đầu tiên là khu nhà hàng và siêu thị bán lẻ trái cây rộng 7.000m2.

 
Khu cầu cảng chợ trái cây vắng lặng - Ảnh: H. Phương

Tuy nhiên, khai trương chưa được bao lâu thì do mua bán ế ẩm, siêu thị bán lẻ trái cây sớm trở thành... siêu thị mắm Trí Hải. Khách đường dài thì lèo tèo, các nhà vườn thì ngại vào siêu thị dù tỉnh đã công bố nhiều chính sách ưu đãi, chưa kể chợ trái cây nằm ở vị trí khá thuận lợi: trên bến, dưới thuyền, bên cạnh quốc lộ 1A và giữa vùng nguyên liệu trái cây. Để cứu lấy hàng chục tỉ đồng vốn đã đầu tư vào dự án, tỉnh Tiền Giang đã họp bàn với Satra nhằm chuyển đổi công năng cho chợ trái cây quốc gia.

Địa điểm xây chợ trái cây quốc gia, theo ông Đoàn Văn Phương, thuận lợi cả đường bộ, đường sông và gần vùng nguyên liệu trái cây của Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Do vậy, nguyên nhân thất bại của chợ trái cây Việt Nam, theo ông Phương: “Lúc đầu là do lạm phát, sau đó ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên đầu ra gặp khó khăn, không xuất khẩu được, trong khi thị trường nội địa cũng gặp khó”. Hiện nay, sau khi siêu thị mắm Trí Hải rút đi thì mặt bằng khu siêu thị trái cây gần như bỏ hoang, cửa đóng im ỉm. Trước đó, nơi đây cũng đã từng liên kết để làm trạm dừng chân cho một hãng xe khách, nhưng được một thời gian thì không hiệu quả nên phải dẹp.

Vì sao dự án chợ trái cây quốc gia bị phá sản nhanh như vậy? TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhận xét: “Ngay từ đầu khi triển khai dự án này chúng tôi đã góp ý. Theo tôi, nguyên tắc thiết lập chợ là nên gần với khách hàng hơn là gần nông dân. Bởi nông dân nếu muốn bán trái cây với giá tốt hơn thì phải chịu khó đem tới chỗ xa. Ngược lại, khách hàng thì sẽ tới mua chỗ nào gần, thuận tiện. Do vậy, việc xây chợ trái cây phải gần với thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu như các siêu thị và bến cảng, phi trường. Nếu đặt ở địa điểm quá xa thì họ sẽ lấy trái cây ở các chợ đầu mối như Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức (TP.HCM) mà không tới Tiền Giang”.

Theo ông Đoàn Văn Phương, Phó giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, địa phương đã đầu tư vào dự án này là 36 tỉ đồng (trong tổng vốn được phê duyệt ban đầu gần 100 tỉ đồng) để xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Riêng Satra cũng đã bỏ ra 26,3 tỉ đồng để làm siêu thị, hệ thống điện, hệ thống kho lạnh... Nhưng do hoạt động không hiệu quả, nên đến tháng 9.2008 phía Satra có văn bản xin được đổi tên Trung tâm Thương mại trái cây quốc gia thành “Trung tâm thương mại - dịch vụ chế biến nông sản Tiền Giang”. Theo đó, trung tâm mới này sẽ bao gồm nhiều “trung tâm nhỏ” như: tồn trữ và phân phối nông sản, chế biến gạo, trái cây và thực phẩm; trung tâm thương mại dịch vụ bao gồm siêu thị, ăn uống giải khát, trạm dừng chân cho xe khách; trung tâm cung ứng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, máy móc thiết bị nông ngư cơ...

Cũng theo phương án trên thì Satra đề nghị tỉnh Tiền Giang cho mở thêm tuyến kênh mới từ bến cảng chợ trái cây ra thẳng sông Trà Lọt dài khoảng 2 km, với mặt kênh rộng chừng 30m cho xà lan 300 tấn vào được. Nhưng qua cân nhắc, tỉnh thấy rằng nếu thực hiện theo phương án này thì sẽ mất rất nhiều đất của dân, kinh phí ước tính hơn 100 tỉ đồng, chưa kể chi phí đền bù giải tỏa, tái định cư. Cho rằng phương án này không hiệu quả nên tỉnh đã từ chối và gợi ý: trong điều kiện như vậy, hoặc là Satra tiếp tục triển khai theo phương án được phê duyệt ban đầu, có cam kết đầu tư phân kỳ cụ thể từng giai đoạn. Nếu thấy khó khăn, thì Satra có thể bàn giao lại cho tỉnh khai thác. Nhưng theo ông Phương, khi Satra vừa trình phương án chuyển đổi chức năng thì.... đụng suy thoái kinh tế nên dự án tiếp tục giậm chân tại chỗ cho tới bây giờ, chưa triển khai được. Tỉnh đã có văn bản gửi Satra với nội dung trên nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

(Theo Thanh Niên)



Báo cáo phân tích thị trường