Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Triển vọng cây mắc ca tại Lâm Đồng
17 | 07 | 2009
Cây macadamia, thường được gọi là mắc ca, là một loài cây cho giá trị kinh tế cao và đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới, hạt macca ngon và chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Trên thế giới, mắc ca hiện được trồng nhiều ở Australia, Trung Quốc, Mỹ và một số nước Nam Mỹ, châu Phi. Ở Việt Nam, một vài địa phương đã bắt đầu trồng mắc ca như DakLak, Sơn La, Nghệ An, bước đầu cho kết quả tốt, cho thu hoạch trái đạt chất lượng, tại Lâm Đồng, cây mắc ca cũng đã được trồng từ một vài năm trở lại đây.

Một trong những nơi thử nghiệm đầu tiên trồng cây mắc ca là Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng. Ngay từ năm 2006, đơn vị này đã trồng cây mắc ca tại ba vùng sinh thái điển hình của tỉnh: vùng ba huyện phía Nam, khu vực Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh và vùng Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Mỗi điểm, trung tâm trồng thử trên diện tích 3, 4 sào theo hình thức xen canh với cây cà phê. Sau gần 3 năm trồng, hiện những cây mắc ca đang phát triển khá tốt, tương tự hoặc khá hơn mức độ sinh trưởng của cây mắc ca trên các địa phương khác. Kỹ sư Nguyễn Văn Diện của Trung tâm Khuyến nông cho biết: “Mắc ca là loài sống lâu năm, có thể đạt hàng trăm tuổi, sau khi trồng từ 5-10 năm có thể cho thu hoạch tùy việc trồng cây hạt hay cây ghép. Có thể thu hoạch trái tới 50, thậm chí 70, 80 năm, lượng cầu không hạn chế nên hiệu quả kinh tế là rất ổn định”. Hộ ông Quang ngụ xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà là một trong số hộ tham gia trồng thử nghiệm cây mắc ca. Ông trồng mắc ca với mục đích đầu tiên là cây che bóng cho vườn cà phê đang độ sung sức. Sau đó, nếu thực sự cây mắc ca cho trái, đạt kinh tế tốt ông sẽ có hướng mở rộng diện tích. Theo ông, trồng mắc ca khá dễ, hệt như trồng các loại cây ăn trái lâu năm, không tốn công và cần nhiều chi phí đầu tư như cà phê. Còn hiện tại, cây mắc ca sử dụng làm cây che bóng cho cà phê rất thích hợp, tăng độ ẩm cho cà phê và góp phần giúp cà phê tăng năng suất. Tuy các vườn trồng mắc ca ở cả ba khu vực thí điểm đều chưa cho trái nhưng với nhịp sinh trưởng tốt như hiện có, các cán bộ của TTKN Lâm Đồng và nông dân đều tin tưởng vào ngày đậu quả của loài cây này.

Không chỉ dừng lại ở trồng thử nghiệm như TTKN Lâm Đồng, một doanh nghiệp đến từ TP HCM đã trồng xấp xỉ 70 ha mắc ca tại huyện Lâm Hà. Những cây mắc ca này phát triển nhanh vì được trồng thuần mà không trồng xen canh. Theo một cán bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết, huyện cũng nhận được thông tin một số người dân đã mua giống cây mắc ca và trồng tại vườn nhà, xen canh cùng cà phê và đang có kế hoạch đánh giá cụ thể việc trồng cây mắc ca của bà con. Ông Nguyễn Văn Tú, GĐTTKN Lâm Đồng cho biết, sau một thời gian nữa theo đúng quá trình sinh trưởng, nếu cây mắc ca tại Lâm Đồng cho kết quả tốt thì việc đưa loài cây này vào trồng trên diện rộng là điều cần được tính đến. Bởi mắc ca là loài cây thường xanh, sống lâu năm, ngoài giá trị kinh tế cao còn góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi sinh và giúp nông thôn phát triển bền vững. Ở những khu vực đang trồng cà phê, trồng mắc ca xen canh vừa làm cây che bóng, vừa có trái thu hoạch, giúp nông dân đỡ bị động khi giá cà phê xuống quá thấp. Còn ở những khu vực đất trống, trồng thuần cây mắc ca thành rừng vừa giữ đất, bảo vệ môi trường vừa có thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo nông dân cần chọn nơi có thổ nhưỡng phù hợp với mắc ca để trồng. Hiện tại, những vườn mắc ca hai năm tuổi trồng tại các vùng sinh thái ở Lâm Đồng đang tiếp tục lớn, chưa trổ hoa sinh trái, nhưng với những kết quả ban đầu, hy vọng về loài cây có giá trị cao này khá rõ ràng, góp phần mở thêm một hướng đi chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nông dân Lâm Đồng.

(Theo báo LĐ)



Báo cáo phân tích thị trường