Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu cà-phê "Ðà Lạt"
24 | 01 | 2008
Xây dựng thương hiệu cà-phê đặc biệt mang tên "Ðà Lạt" là hết sức cần thiết nhằm khẳng định tiềm năng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; đồng thời thiết thực xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa nơi đây.

Cây cà-phê chè ca-ti-mo ở quanh Vườn Quốc gia Bi Ðúp của tỉnh Lâm Ðồng phát triển rất tốt tuy đầu tư tiền vốn và kỹ thuật còn khiêm tốn. Có thể nói cây cà-phê chè ca-ti-mo ở đây thật sự là một cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng ven và vùng đệm bảo vệ Vườn Quốc gia, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng và nhất là bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học và môi trường sinh thái ở đây. Ba năm gần đây  cây cà-phê chè ca-ti-mo thật sự làm đổi đời các hộ nghèo và các hộ dân tộc Chil ở đây. Nhờ có cà-phê chè ca-ti-mo mà rừng thông 2 lá, 5 lá quý hiếm được bảo vệ gần như  nguyên vẹn. Không phấn chấn và vui mừng sao được khi được biết trồng cà-phê chè ca-ti-mo ở đây tỏ ra ưu việt hơn hẳn bất cứ nơi nào trên đất nước ta.

Ở độ cao lớn, khí hậu mát mẻ, lượng mưa càng sung mãn (trên 1.400mm/năm) càng thích hợp với đặc điểm sinh lý và sinh thái của cây cà-phê chè nói chung, cây cà-phê chè ca-ti-mo nói riêng. Rõ ràng TP Ðà Lạt và huyện Lạc Dương có ưu thế về độ cao (1.200 - 1.600 m), mát mẻ nhất trong số các vùng phát triển cà-phê chè của nước ta (nhiệt độ bình quân năm dưới 20oC, chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm không cao, chỉ trong vòng 3,0oC), lượng mưa cũng khá sung mãn (đứng thứ 2 sau vùng cà-phê Khe Sanh của Quảng Trị). Do đó, tốc độ sinh trưởng và chất lượng cà-phê ở đây cũng được đánh giá là tốt nhất nước ta). Tính thích nghi bậc nhất vào điều kiện sinh thái của cây cà-phê chè ca-ti-mo ở đây còn biểu hiện ở các chỉ tiêu chất lượng và giá cả (tỷ lệ tươi nhân cùng thời điểm chín rộ của vùng Ðà Lạt và Lạc Dương là thấp nhất (6.0), trong khi đó hai vùng cà-phê chè nổi tiếng thứ 2 của cả nước là huyện Lâm Hà (Lâm Ðồng) và tỉnh Sơn La là 6.5, cao nhất là vùng Phủ Quỳ của Nghệ An (8.0 - 8.5). Chính nhờ có chất lượng tuyệt vời của hạt cà-phê chè mà giá một kg quả tươi của vùng Xuân Trường, Dạ Sar luôn cao hơn hẳn các vùng cà-phê chè khác của đất nước.


Tôi đã đi tới nhiều vườn cà-phê chè dưới chân núi của vườn quốc gia Bi Ðúp, được tận mắt nhìn các vườn cà-phê còn mang tính hoang dã (lẫn các cây cà-phê chè Buốc-bông, Ty-pi-ca, ca-ti-mo, thậm chí còn lẫn một số cây cà-phê chè quả vàng - cây cà-phê chè ca-tu-ra a-ma-ri-lô). Gọi là hoang dã vì không hề có tạo hình tỉa cành đã hàng chục năm nay, cây cà-phê sinh trưởng tự nhiên, cho quả tự nhiên theo tập tính sinh trưởng. Khi đến thăm một vườn cây cà-phê chè ca-ti-mo của một gia đình dân tộc Chil mới lập nghiệp, hai vợ chồng chỉ độ 21 - 22 tuổi; đã có một cháu gái khoảng 2 tuổi. Hai vợ chồng vừa trồng mới khoảng 1 ha cà-phê chè; nhưng cây con chỉ có 2 cặp lá, thân cây con chỉ đạt đường kính khoảng 1 mm (trong khi tiêu chuẩn cho cây con trồng mới phải đạt ít nhất 5 cặp lá và đường kính cây con phải đạt hơn 3,5 mm trở lên). Trong vườn cây còn khoảng 1.000 cây con cà-phê chè lá vàng úa rất èo ợt, nhiều cây lá đã rụng. Cặp vợ chồng giới thiệu với chúng tôi số cây này được Chính phủ cấp cho diện tích trồng mới sắp tới của gia đình. Khi hỏi thêm một số gia đình dân tộc Chil ở thôn Trạm Hành, xã Xuân Trường, TP Ðà Lạt, thôn 1, thôn 2 xã Ðạ Sar của huyện Lạc Dương họ đều nói họ chưa từng được tham gia một lớp tập huấn nào về trồng mới, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, sau chế biến và bảo quản cà-phê. Có lẽ cây cà-phê chè ở đây chủ yếu được phát triển một cách tự phát, kỹ thuật trồng và chăm sóc có được nhờ truyền miệng nhau là chính. Cũng chính vì thế phần lớn các vườn cà-phê chè ở đây phải đến năm thứ 3 mới cho quả và năng suất năm này cũng chỉ đạt trên dưới 1 tạ nhân/ha. Ở vùng cà-phê chè Lâm Hà hay Khe Sanh mặc dù điều kiện sinh thái thua Ðà Lạt và Lạc Dương nhưng trồng có kỹ thuật,  bảo đảm quy trình, cho nên chỉ năm thứ 2 sau khi trồng đã có thể thu 5 tạ nhân/ha thậm chí có thể đạt 7 - 8 tạ nhân/ha.


Có thể nói chính nhờ cây cà-phê chè Ca-ti-mo mà đời sống nhiều hộ dân tộc nghèo ở đây ổn định hơn, không tác động xấu đến rừng. Tương lai nhờ những vùng cà-phê này, ngành du lịch sinh thái ven quốc lộ Ðà Lạt  - Nha Trang mới mở sẽ có đà phát triển nhảy vọt, mở ra tiềm năng xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm cà-phê có chất lượng đặc biệt, tăng nhu nhập nhờ có giá trị gia tăng  của mặt hàng cà-phê chất lượng cao mà không có nơi nào có được như ở các vùng này của tỉnh Lâm Ðồng.


Cách duy nhất và cũng là cách khả thi nhất để giữ được các vườn quốc gia quý giá của tỉnh Lâm Ðồng là:


Ðề nghị lãnh đạo tỉnh, TP Ðà Lạt, huyện Lạc Dương cho tiến hành điều tra thật chính xác diện tích thực tế hiện có về cà-phê ở đây để có chủ trương đúng đắn cho việc củng cố, phát triển cà-phê chè ca-ti-mo ở đây.


Ðề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia dành một khoản ngân sách khuyến nông hằng năm để hỗ trợ việc củng cố thâm canh các vườn cà-phê chè ca-ti-mo của TP Ðà Lạt và huyện Lạc Dương.


Cây cà-phê chè có hiệu quả kinh tế rất cao; có thể nói không một cây nào, kể cả cây chè có thể cạnh tranh nổi với cây cà-phê chè ở đây. Vậy đề nghị các cấp chính quyền của tỉnh Lâm Ðồng có chủ trương quy hoạch một diện tích thỏa đáng chung quanh Vườn Quốc gia Bi Ðúp, Chư Zang Sin, Lang Bi-ang, nhất là ở các vùng đệm, các chân núi để phát triển cà-phê chè có thâm canh, có đầu tư kỹ thuật để cây cà-phê chè phát triển bền vững, cho năng suất cao ổn định.


Ða dạng hóa sản phẩm bằng cách giữ và phát huy hệ thống canh tác xen canh giữa cây hồng và cây cà-phê chè tại đây. Ðể phát huy hiệu quả kinh tế của hai cây này. Chúng tôi đề nghị xây dựng các xưởng chế biến (cho quả cà-phê và quả hồng) nhằm nâng cao giá trị gia tăng của hai loại sản phẩm đều là đặc sản này; không những tăng thu nhập cho  người sản xuất mà còn hạn chế được khả năng ép bán, ép giá của các nhà buôn trung gian.    


Xây dựng thương hiệu cà-phê đặc biệt mang tên "Ðà Lạt" là hết sức cần thiết và bức thiết hiện nay nhằm khẳng định tiềm năng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; đồng thời thiết thực xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho đồng bào dân tộc Chil và đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa ở TP Ðà Lạt và huyện Lạc Dương. Sản lượng cà-phê của Việt Nam đứng hàng thứ hai trên thế giới, tuy nhiên chúng ta lại chưa xây dựng được một thương hiệu cà-phê nào mang tầm vóc tương xứng với sự lớn mạnh của ngành cà-phê. Một số công ty cà-phê hàng đầu thế giới như Netsle, Starbuck biết đến chất lượng cà-phê vối "Buôn Mê Thuột", Cà-phê chè "Ðà Lạt" của Việt Nam. Một khi chúng ta có thương hiệu cà-phê chè "Ðà Lạt", chúng ta sẽ tạo đà phát triển cho ngành cà-phê không chỉ cho tỉnh Lâm Ðồng mà cho cả Việt Nam chúng ta.


Tiến sĩ Lê Ðình Sơn
(Hiệp hội cà-phê Ca-cao Việt Nam)



Theo Nhân Dân
Báo cáo phân tích thị trường